Quyết tâm đưa ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam trở thành một ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, là một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa
TCCS - Ngày 10-10-2022, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10-10-1952 – 10-10-2022) và gặp mặt, tuyên dương những người làm xuất bản tiêu biểu. Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt các cán bộ lão thành và 86 đại diện tiêu biểu của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam.
Cùng dự lễ kỷ niệm còn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương…, cùng 86 đại biểu tiêu biểu của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức Hội Trung ương, một số địa phương có nhà xuất bản; đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo, cơ quan chủ quản nhà xuất bản, các nhà xuất bản, công ty in, phát hành sách, một số chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách.
Tại buổi gặp mặt, báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, 70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ và các cấp, các ngành, ngành xuất bản cách mạng nước ta đã không ngừng phát triển, trở thành lực lượng quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh toàn diện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, có những ấn phẩm tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến sách pháp luật, hướng dẫn người dân thực hành pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước qua hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chúc mừng đội ngũ những người làm công tác xuất bản, in, phát hành trong cả nước và đặc biệt là 86 đại biểu được lựa chọn, tuyên dương người làm xuất bản tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành. Nhấn mạnh, Sắc lệnh 122/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động xuất bản nước nhà, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, song hành cùng bước phát triển của cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, ngành xuất bản, in và phát hành đã không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, những người làm xuất bản cách mạng đã vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, bị truy lùng, đàn áp, xuất bản hàng trăm đầu sách với hàng triệu bản in để tuyên truyền, giới thiệu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, các phong trào cách mạng và công nhân quốc tế, các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, qua đó góp phần giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí khát vọng độc lập dân tộc cho quần chúng nhân dân.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để thực hiện đồng bộ hai nhiệm vụ chiến lược tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, ngành xuất bản đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là vừa góp phần xây dựng nền văn hóa mới, văn hóa xã hội chủ nghĩa, vừa đấu tranh chống lại văn hóa nô dịch của chế độ thực dân cũ và mới. Từ sau năm 1975, ngành xuất bản tập trung nguồn lực để in nhiều bản sách cung cấp cho vùng mới giải phóng; xuất bản những tác phẩm có giá trị để phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; biên tập, xuất bản sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu phục vụ học tập, giảng dạy. Song hành với sự nghiệp đổi mới, hoạt động xuất bản đã có bước phát triển nhanh, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Xuất bản năm 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013 đã tạo cơ sở, hành lang pháp lý khá đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển. Qua 10 năm thi hành luật, hệ thống tổ chức các nhà xuất bản ổn định; các nhà xuất bản đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, năng lực, trình độ ngày càng được nâng lên; đội ngũ những người làm xuất bản có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm đã phát triển nhanh về quy mô và số lượng, tiếp cận với trình độ khoa học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng; việc tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp phát hành xuất bản với doanh nghiệp công nghệ đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc nhiều nhà xuất bản đã đẩy mạnh thực hiện các xuất bản phẩm thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, về những chính sách, quyết định quan trọng của đất nước và các nội dung Quốc hội xem xét, thảo luận, quyết định. Những ấn phẩm chuyên đề về hoạt động giám sát, về diễn đàn thảo luận chuyên sâu của Quốc hội đối với các vấn đề quốc kế, dân sinh được tổng hợp, biên soạn, phát hành, đã trở thành kênh truyền thông hiệu quả về chính sách, pháp luật, qua đó, giúp cử tri và nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về các hoạt động của Quốc hội, đồng thời, tạo sự đồng thuận để thực hiện thành công các chính sách, các đạo luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Biểu dương những thành tựu xuất sắc của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam suốt 70 năm qua, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, tại Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”. Tiếp đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc”.
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành xuất bản, in và phát hành sách tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, ý nghĩa của ngành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục quán triệt Sắc lệnh số 122 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý và phát triển ngành xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển. Lưu ý, nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản cần được hoàn thành vào năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nhà xuất bản là những người am hiểu sâu sắc về ngành xuất bản, nghề xuất bản cần tham gia nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất, phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay cho ngành tiếp tục phát triển.
Chia sẻ với những thách thức của ngành xuất bản, in và phát hành sách trong thời đại công nghệ số, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các sản phẩm in truyền thống không thể mất được; đồng thời đề nghị ngành xuất bản phải đẩy mạnh đổi mới tư duy quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp Hội in Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển hoạt động xuất bản. Đặc biệt, cần tập trung hoàn thành xây dựng Quy hoạch cơ sở xuất bản trong nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, phấn đấu xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất bản được nhiều đầu sách hay, có giá trị, đúng định hướng, phát hành với số lượng lớn, tạo sự lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia; xử lý tốt, hài hòa các mối quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản: giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; giữa định hướng tư tưởng với đáp ứng nhu cầu của độc giả; giữa xuất bản và văn hóa đọc; giữa xuất bản truyền thống và xuất bản theo xu hướng hiện đại...
Tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số thông qua việc tăng cường số lượng các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành xuất bản phẩm tham gia xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; đẩy mạnh liên kết giữa nhà xuất bản với cơ sở phát hành xuất bản phẩm, hình thành chuỗi liên kết đủ năng lực dẫn dắt thị trường; hiện đại hóa, nâng cao năng lực của các cơ sở in, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới. Cùng với đó có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên các nền tảng công nghệ; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số trên từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm; tăng cường đưa sách đến với bạn đọc tại các địa bàn xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ tạo sự gắn kết giữa các cơ sở phát hành với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, logistics; phát triển thị trường xuất nhập khẩu sách, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, hội chợ triển lãm xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; tổ chức đưa Ngày sách và văn hóa đọc hằng năm trở thành ngày hội văn hóa đọc của bạn đọc trong nước và đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc trên cơ sở kết hợp giữa các hội sách truyền thống và hội sách trực tuyến, qua đó, tiếp tục thúc đẩy văn hóa đọc và lan tỏa tri thức đến với bạn đọc và nhân dân. Chủ tịch Quốc hội chúc ngành xuất bản ngày càng phát triển; giữ vững và phát huy tốt vai trò là lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân; chúc đội ngũ những người làm xuất bản cả nước nhiều sức khỏe, có nhiều đóng góp thiết thực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phổ biến, giới thiệu tri thức, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam…, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian gặp mặt những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách tại nhà Quốc hội đúng vào dịp kỷ niệm quan trọng của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, ngành xuất bản, in và phát hành sách sẽ quán triệt sâu sắc thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Chủ tịch Quốc hội tại cuộc gặp mặt; quyết tâm xây dựng lập trường, bản lĩnh vững vàng, quán triệt và thực hiện thật sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để quản lý, quy hoạch, phát triển ngành xuất bản Việt Nam với tinh thần luôn luôn đổi mới, tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn nữa.
Tại cuộc gặp mặt, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên và Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Cần Thơ Phạm Vũ Phương Linh, đại diện cho những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách cả nước đã nêu lên một số thách thức của ngành trong tình hình mới, từ đó đề xuất định hướng phát triển của nhà xuất bản là xác định ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, đẩy mạnh tập trung sản xuất nội dung số, xuất bản số và truyền thông số, kết hợp 2 hình thức tự đầu tư và hợp tác với các đối tác để thực hiện; đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén và quan trọng của Đảng và Nhà nước; không ngừng lan tỏa niềm tin, tạo động lực, khơi lên khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nỗ lực, quyết tâm đưa ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam trở thành một ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, là một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa.
* Chiều cùng ngày, tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam và gặp mặt, tuyên dương người làm xuất bản tiêu biểu, các đại biểu đã được nghe Thư chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bên cạnh ghi nhận và biểu dương những bước phát triển vượt bậc của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế đòi hỏi ngành cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để giải quyết những vấn đề đang đặt ra. Đó là năng lực của một số nhà xuất bản còn hạn chế, chưa chủ động tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tìm hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; còn thiếu những tác phẩm có giá trị xứng tầm với công cuộc đổi mới đất nước. Một bộ phận người làm xuất bản còn hạn chế về kiến thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Tình trạng vi phạm bản quyền, vi phạm quyền tác giả, in lậu chưa được khắc phục triệt để…
Từ những tồn tại, hạn chế trên và để hoàn thành tốt nhiệm vụ, sứ mệnh của ngành, xứng đáng là vũ khí tư tưởng của Đảng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động viên, khích lệ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu ngành xuất bản, in và phát hành sách phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vai trò của sách, sự cần thiết phải đọc sách, học từ sách để có thêm tri thức, trình độ, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để có sách hay, sách đẹp, thiết thực, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, đội ngũ những người làm xuất bản phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa dân tộc và nhân loại, bám sát hơi thở cuộc sống, ứng dụng khoa học - công nghệ trong xuất bản sách, đề cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Mỗi tác phẩm khi xuất bản, phải lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc làm mục đích cao nhất; không chỉ cung cấp tri thức mà còn cổ vũ, khuyến khích bảo vệ cái tốt, hướng con người tới chân, thiện, mỹ; phê bình những thói hư tật xấu, lối sống tiêu cực, khơi dậy khát vọng, củng cố niềm tin, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho bạn đọc.
Mỗi nhà xuất bản phải là ‘bộ lọc’ để chọn được những tác phẩm có giá trị đích thực; dũng cảm từ chối những bản thảo tầm thường, vô bổ, lệch lạc về tư tưởng, văn hóa không phù hợp với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hoạt động xuất bản phải kịp thời thích ứng, chuyển đổi, lựa chọn cách thức, mô hình hoạt động phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, kinh tế xuất bản phải trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, một bộ phận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển vững chắc, toàn diện, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa. Cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội xuất bản cần chủ động rà soát, nghiên cứu, tham mưu để bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách trong lĩnh vực xuất bản, bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của tổ chức hội đối với hoạt động xuất bản; tạo hành lang pháp lý, cơ chế phù hợp, thuận lợi để ngành phát triển.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị ngành xuất bản, in và phát hành sách cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với ngành trong thời kỳ mới.
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ kỷ niệm đã vinh danh, tri ân và trao tặng biểu trưng cho 5 cán bộ lão thành tiêu biểu, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành xuất bản, in và phát hành sách; trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 81 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao.
Trong khuôn khổ các hoạt động của lễ kỷ niệm, trước đó, các đại biểu đã đặt vòng hoa báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. /.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự lễ công bố thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước  (02/10/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng  (01/10/2022)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên