Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát triển đồng bằng sông Cửu Long xanh, bền vững và toàn diện
TCCS - Ngày 22-4-2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII, “Về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đồng chủ trì có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Dự hội nghị tại các điểm cầu có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành trung ương và toàn bộ các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước. Trong đó có khoảng 1,5 triệu héc-ta đất trồng lúa mầu mỡ bậc nhất ở nước ta và trên thế giới. Dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Đây là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là Khu Ramsar của thế giới. Đồng thời, vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều… Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng hào hùng và rất vẻ vang; là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm... với những nét văn hóa đặc thù, nền văn minh sông nước độc đáo.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là “Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía tây nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn, tiềm năng, lợi thế to lớn, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ mới.
Việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt nghị quyết lần này sẽ góp phần để đồng bằng sông Cửu Long “đứng dậy” làm chủ và “vươn lên” mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước.
Để tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của vùng và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, nghị quyết lần này tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại... và xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở tập trung vào trả lời 3 câu hỏi: Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?; những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của nghị quyết lần này là gì?; cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả nghị quyết của Bộ Chính trị, biến nghị quyết thành hiện thực sinh động?
Để tổ chức thực hiện tốt nghị quyết lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, toàn vùng, từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng; liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng; tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hợp tác với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công, nhất là trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tính chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng. Đồng thời, vùng cần tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn, giàu có, trù phú hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước.
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành, triển khai thực hiện pháp luật, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng. Tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; hình thành được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng.
Vùng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi cực Nam của Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; nghiêm túc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong, gương mẫu về đạo đức và lối sống; thực hiện nghiêm các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, trong sạch; giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo.
Các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp tục cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức; đổi mới công tác dân vận và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân ta và các nước bạn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ngay sau hội nghị này, căn cứ vào nghị quyết, kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào “đồng khởi”, khí phách anh hùng “Thành đồng Tổ quốc" và phẩm chất cao quý, tốt đẹp của người miền Tây; cùng với các ban, bộ, ngành trung ương và cấp ủy chính quyền các cấp trong cả nước, đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long - "Vùng đất chín rồng" - theo tinh thần: Cả nước vì đồng bằng sông Cửu Long; đồng bằng sông Cửu Long vươn lên cùng cả nước và vì cả nước./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla  (21/04/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tạo chuyển biến mới, có tính đột phá phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ  (16/04/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi  (16/04/2022)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên