Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp và hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio
TCCS - Ngày 1-5-2022, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp và hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhân dịp sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30-4 đến 1-5-2022.
* Tại buổi tiếp ở Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã sớm thăm Việt Nam, thể hiện tình cảm chân thành, sự coi trọng đối với Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Chủ tịch nước cảm ơn những đóng góp quan trọng của Thủ tướng Kishida Fumio vào sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên nhiều cương vị khác nhau.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua, đặc biệt là tinh thần chia sẻ, đồng hành, hợp tác, cùng vượt qua khó khăn trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại, đầu tư, ODA, du lịch và lao động.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung, Nhật Bản là đối tác chiến lược tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài, luôn có vị trí ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Phát huy thành quả đạt được của quan hệ của hai nước thời gian qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước tăng cường tin cậy chính trị, duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023 xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.
Chủ tịch nước mong muốn, hai bên đẩy mạnh hợp tác hiệu quả, thực chất về quốc phòng, an ninh; kết nối hai nền kinh tế, tăng cường chuỗi cung ứng, mở rộng hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi số; tiếp tục hợp tác ODA thế hệ mới mang lại hiệu quả cao; tăng cường hợp tác y tế, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng mời Nhà vua, Hoàng hậu và các thành viên Hoàng gia Nhật Bản thăm lại Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bày tỏ xúc động và cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình mà Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành cho đoàn; khẳng định Nhật Bản luôn coi trọng Việt Nam trong chính sách khu vực.
Tán thành các đề xuất hợp tác mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập, Thủ tướng Kishida Fumio mong muốn tăng cường hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, cùng đưa mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023. Thủ tướng Kishida Fumio mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm lại Nhật Bản vào năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như tình hình Biển Đông, Ukraine, ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống và tăng cường liên kết khu vực.
** Tại buổi hội kiến ở Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam; chúc mừng hai Thủ tướng đã có cuộc hội đàm rất thành công, đạt nhiều kết quả cụ thể, trao đổi nhiều văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Nhật Bản, Tổng Thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Kishida Fumio cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về sự đón tiếp nồng ấm, trang trọng. Thủ tướng chia sẻ, ông đã có hơn 20 năm là thành viên Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, rất coi trọng thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa Quốc hội hai nước. Thủ tướng Kishida Fumio bày tỏ mong muốn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với nhiều kinh nghiệm trên các cương vị khác nhau trước đây sẽ tiếp tục có những đóng góp vào việc tăng cường quan hệ hợp tác Nhật Bản - Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hợp tác nghị viện.
Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản không ngừng phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực; bày tỏ tin tưởng rằng qua chuyến thăm, những nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, những văn kiện hợp tác vừa ký kết sẽ sớm được triển khai tích cực, hiệu quả, mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hợp tác hai nước.
Khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ các cam kết của Chính phủ, tích cực thúc đẩy hoàn thiện thể chế pháp luật để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao gần tròn nửa thế kỷ. Hai nước đã thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”, mối quan hệ này cần được gìn giữ, tiếp tục phát huy.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định trên cương vị của mình, sẽ nỗ lực tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, trong đó tăng cường chuyến thăm cấp cao, trao đổi các cấp, các cơ quan chuyên môn của cơ quan lập pháp hai nước. Chủ tịch Quốc hội thông báo, Quốc hội Việt Nam khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai làm Chủ tịch nhóm.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến những dự án lớn hai nước đang thực hiện; mong muốn cùng Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản tiếp tục trao đổi, hỗ trợ, đôn đốc các cơ quan Chính phủ thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác đầu tư hai nước.
Hai nhà lãnh đạo cho rằng, để đưa đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 thực chất và hiệu quả thì việc thực hiện các dự án đầu tư, trong đó có dự án ODA là vô cùng quan trọng. Thủ tướng Nhật Bản mong Quốc hội Việt Nam tiếp tục hợp tác về nội dung này. Hai bên cùng nhau nỗ lực giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy hiệu quả các dự án hợp tác.
Thủ tướng Nhật Bản đánh giá cao những nỗ lực của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp hai nước trong điều kiện dịch COVID-19, với việc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Nghị viện Nhật Bản qua hình thức trực tuyến và trực tiếp trong năm 2021 vừa qua.
Tại hội kiến, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn nghị viện đa phương như IPU, AIPA, APPF...
Trong không khí chân thành, hữu nghị, hai nhà lãnh đạo khẳng định hai bên phối hợp thực hiện tốt kế hoạch kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023, tương xứng với mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết sẽ chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới ngài Chủ tịch Hạ viện Hosoda Hiroyuki và bà Chủ tịch Thượng viện Santo Akiko sớm thăm Việt Nam./.
Trung Duy (tổng hợp)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio  (02/05/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam  (01/05/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ thượng cờ Thống nhất non sông tại Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải  (01/05/2022)
Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3  (26/04/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Quân khu 1  (26/04/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên