Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tăng cường năng lực ứng phó và sự phối hợp giữa các lực lượng trong phòng, chống thiên tai
TCCS - Ngày 5-12-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với 8 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương Binh và Xã hội; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.
Dự họp tại đầu cầu các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk có chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do mưa lũ; chia sẻ với những khó khăn, vất vả, mất mát mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố đã trải qua trong những ngày qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian vừa qua, tình hình mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hoa màu... tại 8 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Do có lịch công tác quan trọng từ trước và do tình hình dịch COVID-19 nên lãnh đạo Chính phủ không vào trực tiếp cùng các địa phương phòng, chống lũ lụt. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện và chỉ đạo, cử tổ công tác vào các tỉnh trong khu vực để cùng địa phương phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Thông qua cuộc họp này, Chính phủ nắm rõ hơn tình hình và có giải pháp trước mắt, cũng như lâu dài phòng, chống bão lụt, trước mắt là khắc phục hậu quả mưa lũ trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, cuộc họp nhằm rà soát lại để hoàn thiện về thể chế, quy trình, quy định... xả lũ của các hồ, đập để khi xảy ra sự cố việc vận hành xả lũ được thực hiện hiệu quả; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của nhân dân trong công tác phòng, chống lụt bão, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết, đến nay, tình hình mưa lũ đã giảm; cơ bản các tuyến đường đã thông xe; mực nước các sông đã xuống dưới báo động 1; người dân, chính quyền các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả còn nhiều khó khăn, do điều kiện địa phương hạn chế, trong thi thiệt hại lớn.
Đặc biệt, qua đợt mưa lũ vừa qua, bộc lộ một số bất cập, hạn chế, như trên địa bàn các tỉnh, các hồ có dung tích cắt lũ nhỏ khi có mưa lớn dễ xảy ra lũ lụt; công tác phối hợp, vận hành điều tiết lũ trên lưu vực sông Ba giữa các tỉnh còn một số bất cập về quy trình, các điều kiện bảo đảm vận hành, thông tin và bảo đảm an toàn hạ du... khiến công tác phòng, chống lũ lụt hiệu quả chưa cao.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức khó lường, không theo quy luật, khó kiểm soát, khó dự báo; với quy mô và tính phức tạp càng ngày càng cao, do đó gây hậu quả lớn. Ngay trong những ngày cuối tháng 11-2021, tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mưa, lũ lớn; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã chỉ đạo kịp thời, nhất là người đứng đầu, lực lượng công an, quân đội và nỗ lực của người dân ứng phó kịp thời với mưa lũ. Tuy nhiên, mưa lũ có cường độ lớn, vượt mức lịch sử; thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch COVID-19, nên dù các lực lượng và nhân dân đã làm hết khả năng, song vẫn không tránh khỏi thiệt hại.
Cũng qua đó cho thấy cần tăng cường năng lực ứng phó với mưa lũ của các địa phương; sự phối hợp giữa các lực lượng một cách nhịp nhàng, hiệu quả hơn; việc xả lũ của các thủy điện cần sự phối hợp chặt chẽ; việc dự báo tình hình cần sát thực tế hơn; tránh chủ quan trong ứng phó với thiên tai; cần rà soát lại sự ứng chịu của hạ tầng; có kịch bản ứng phó với mưa lũ; cần nâng cao ý thức của người dân, lấy người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong công tác phòng, chống thiên tai…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ để có phương án hỗ trợ; dựa trên nguyên tắc tiết kiệm, kịp thời, đúng đối tượng, thực chất, thực sự có tác dụng. Các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ xử lý ngay những đề xuất, kiến nghị của các địa phương; vấn đề vượt quá thầm quyền thì báo cáo các Phó Thủ tướng phụ trách; nếu vượt thẩm quyền của các Phó Thủ tướng thì báo cáo Thủ tướng xem xét. Trước mắt hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo để cứu trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải bảo đảm không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không người dân nào phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất; tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, không để phát sinh, lây lan dịch bệnh khác; tổ chức tổng vệ sinh môi trường, nhất là tại các trường học, cơ sở y tế; khắc phục các sự cố về điện, nước sinh hoạt; hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa; khôi phục nhanh các công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng; khôi phục sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân…
Đặc biệt, các ngành, địa phương cần sơ kết, đánh giá lại quá trình ứng phó, phòng, chống thiên tai, nhất là công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, đơn vị; bổ sung các cơ sở pháp lý, thể chế trong ứng phó, phòng, chống thiên tai; hoàn thiện quy trình vận hành hồ đập thủy điện, thủy lợi; nâng cao năng lực của hồ đập; chủ động di dời, bố trí lại dân cư tại các khu vực nguy cơ cao; diễn tập cho các lực lượng, nâng cao ý thức của người dân về ứng phó với thiên tai…/.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cần tìm ra động lực mới cho Đà Nẵng phát triển  (02/12/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số phục vụ phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội  (01/12/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bốn đề xuất tăng cường hợp tác giữa các nước Á - Âu trong thời gian tới  (01/12/2021)
Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII  (29/11/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển