Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Tận dụng tối đa “thời gian vàng”, đưa Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới
TCCS - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg lúc này là đòi hỏi tất yếu để phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ an toàn tính mạng người dân. Đồng chí yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố phải tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa “thời gian vàng” 15 ngày thực hiện Chỉ thị để khống chế dịch, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng
Trước diễn biến xấu của dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngày 23-7-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì họp Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn. Hội nghị đã đi đến biểu quyết 100% thống nhất giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020, của Thủ tướng Chính phủ. Ngay tối cùng ngày, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND chính thức triển khai thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày, tính từ 6h ngày 24-7-2021.
Trao đổi về nguyên nhân đưa ra quyết định quan trọng nêu trên, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, trong khi dịch diễn biến phức tạp trên cả nước với chủng Delta, Hà Nội cũng liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Để có biện pháp phù hợp, thành phố đã quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định...
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg đã được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao. “Trên thực tế, thành phố Hà Nội đã có kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg trong năm 2020. Ngay trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần này, thành phố đã áp dụng các biện pháp tiệm cận. Qua đó cho thấy, không chỉ cấp ủy, chính quyền thành phố đã có sự chuẩn bị nhằm bảo đảm đời sống nhân dân, mà bản thân người dân cũng làm quen và dần thích nghi với Chỉ thị số 16/CT-TTg”, đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết.
Nhấn mạnh vai trò trung tâm, chủ thể của người dân trong phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy kêu gọi mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Đặc biệt, cần thực hiện khai báo y tế hằng ngày trên website: www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...
“Ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này là vô cùng quan trọng. Mong rằng từng cá nhân hãy cố gắng có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để “ngoài chặt, trong lỏng”
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo thành lập các tổ công tác đặc biệt do các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy chủ trì để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Đồng chí yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể từ thành phố xuống cơ sở xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là cấp bách hàng đầu. Đặc biệt, phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của chỉ thị này và xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”, nhất là cấp cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu, phải công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/7 để kịp thời giải quyết công việc trong mọi tình huống.
Cụ thể hóa trách nhiệm giám sát địa bàn cho từng cá nhân đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ các cấp, cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố, cũng như khuyến khích các kênh giám sát của nhân dân thông qua mạng xã hội của khu dân cư địa phương.
Về bảo đảm đời sống nhân dân, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, ngành công thương Hà Nội đã phối hợp tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5. Chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động. Phương án cung ứng hàng hóa với 3 cấp độ tuỳ từng tình huống dịch đã sẵn sàng. Sở Giao thông vận tải đã tạo “luồng xanh” thông suốt và cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển.
Tuy nhiên, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố cần tiếp tục chỉ đạo sát sao nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời, giá cả ổn định cho người dân. Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phải có phương án duy trì hoạt động ngay cả khi phát hiện có ca F0, bằng cách khoanh vùng cục bộ hoặc chuyển địa điểm, không đóng cửa. Các sở, ngành thành phố bảo đảm sẵn sàng trưng dụng xe thư báo, chuyển phát nhanh để vận chuyển, cung cấp hàng hóa duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng và nguồn cung lương thực, thực phẩm. “Tôi đề nghị phải tính cả phương án, khi cần thiết huy động xe ô tô quân đội, máy bay trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm...”, đồng chí nói.
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống y tế thành phố trong thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo nâng cao mọi mặt năng lực tiếp nhận và điều trị các ca F0, nhất là các trường hợp nặng; bảo đảm số lượng giường bệnh theo các kịch bản tương ứng là 5.000, 10.000 và 20.000 ca. Thành phố cần rà soát ngay để cần thiết trưng dụng các chung cư chưa đưa vào sử dụng làm bệnh viện dã chiến. Trong đó, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định, nếu đủ điều kiện giao Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý, vận hành, chuẩn bị đủ đồ dùng cơ bản. Ngành y tế chịu trách nhiệm về công tác chuyên môn, chăm sóc người bệnh. Trước mắt, cần tranh thủ từng phút, từng giờ để thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới phát sinh; triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên trên diện rộng để khóa chặt F0. Song song với đó, cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị mọi điều kiện nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm vắc xin đã phê duyệt ngay khi được Trung ương phân bổ.
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố phải có phương án, kế hoạch cụ thể bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện cách ly triệt để một khu vực hoặc một đơn vị hành chính cấp xã, thậm chí cấp huyện khi có nhiều ca F0. Theo chức năng, nhiệm vụ, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phải xây dựng kịch bản cho tình huống này để có giải pháp tổ chức như cung cấp hàng hóa, thuốc men đến từng hộ gia đình; giúp người dân yên tâm thực hiện cách ly.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, nhưng đồng thời phải kiên trì thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đây chính là “mục tiêu kép” có tương quan chặt chẽ với nhau; bởi không khống chế được dịch, rất khó để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, nếu vì khó khăn mà không xoay sở duy trì sản xuất thì về lâu dài sẽ thiếu nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
“Hơn lúc nào hết, các cấp ủy, chính quyền cơ sở phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phối hợp với ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, ngành công thương thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy”, đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ đạo.
Trung Duy (tổng hợp)
Thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19  (23/07/2021)
Petrovietnam chủ động, linh hoạt, sáng tạo để thực hiện “mục tiêu kép”  (23/07/2021)
Hà Nội triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ an sinh đến với các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19  (22/07/2021)
Thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm Công điện 15 và sự chủ động ngay từ cơ sở cùng với sự đồng hành của người dân là quan trọng nhất để “khóa chặt” COVID-19  (20/07/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên