Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19
TCCS - Ngày 11-6-2021, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về tình hình phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành có liên quan.
Đến nay, cả nước có trên 9.000 ca mắc COVID-19, trong đó gần 4.000 người đang điều trị, 55 trường hợp tử vong. Nước ta đang phải ứng phó với đợt bùng phát dịch lần thứ tư với quy mô, mức độ lây lan nhanh, lớn nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận người dân còn có hiện tượng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch.
Sau khi nghe Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch COVID-19, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và ý kiến của đại diện các cơ quan liên quan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, kể từ đầu năm 2020, khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ động chỉ đạo sát sao, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, tích cực để ngăn chặn dịch bệnh.
Trước diễn biến dịch COVID-19 có mức độ ngày càng phức tạp, khó lường, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục có những chỉ đạo căn cơ, để phòng, chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới. "Điều đó cho thấy, việc làm của chúng ta là khá sớm, kịp thời, liên tục, chứ không hề buông lỏng... Vừa qua, chúng ta cũng khá nhạy bén, chủ động, có nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả và có cái hay là cả hệ thống chính trị, toàn dân ủng hộ, đã khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Hình ảnh những cụ già, em bé đi ủng hộ, các đơn vị đóng góp, Mặt trận Tổ quốc đứng ra tổ chức kêu gọi toàn dân hưởng ứng, trước hết là tình cảm "Thương người như thể thương thân", "Một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng y, bác sĩ, quân đội, công an, đội ngũ cán bộ ở cơ sở và sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân, thể hiện bản chất của chế độ ta. Báo chí đã vào cuộc đưa tin kịp thời. Tổng Bí thư biểu dương tình đoàn kết, tinh thần nhân ái thể hiện bản chất tốt đẹp, truyền thống yêu nước, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta, qua đó đúc rút thêm nhiều bài học kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch, đồng thời duy trì, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội; bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các ngành, các cấp đã quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng có dịch, phải cách ly y tế; bước đầu tháo gỡ một số cơ chế về sản xuất và mua vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19, thu hút sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương đang có các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Để chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được, ngăn chặn không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống.
Ban Cán sự đảng Chính phủ tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực để đẩy nhanh việc mua và tiêm vaccine, đồng thời tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, cung cấp vaccine, nhất là đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực về nghiên cứu, ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vaccine; xem xét và sớm tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến lựa chọn, mua vaccine.
Tổng Bí thư lưu ý, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh trong bối cảnh dịch đang bùng phát mạnh như hiện nay. Các cơ quan chức năng cần bảo đảm an ninh, an toàn các lĩnh vực, địa bàn quan trọng, khu vực sản xuất tập trung nhiều lao động, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ gây lây nhiễm dịch bệnh và mất an ninh, trật tự. Các cấp, các ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trên tinh thần phát triển sản xuất an toàn, chủ động phòng, chống dịch hiệu quả ở từng cơ sở, đặc biệt là các khu công nghiệp, nơi tập trung đông người./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Agribank dành 20.000 tỷ đồng vốn cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi  (11/06/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc tại Học viện Quân y  (11/06/2021)
Tổ chức kỳ thi vào lớp 10 thành công trọn vẹn  (11/06/2021)
Tỉnh Bắc Ninh: Chung một tấm lòng, quyết thắng đại dịch  (08/06/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên