Thế giới và nước Nga nhìn từ Diễn đàn Câu lạc bộ Valdai 2020
TCCS - Ngày 22-10-2020, Diễn đàn Câu lạc bộ quốc tế Valdai được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “Những bài học từ đại dịch và chương trình nghị sự mới: Làm thế nào biến cuộc khủng hoảng toàn cầu thành khả năng của thế giới”. Diễn đàn có sự tham dự của các chính khách, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới. Tại diễn đàn, bài phát biểu của Tổng thống Nga V. Putin và nội dung thảo luận của các chuyên gia đã phác họa khá rõ những vấn đề cơ bản và “nóng” trong nền chính trị - an ninh của thế giới và của nước Nga.
Bài học đối với thế giới từ đại dịch COVID-19
Theo Tổng thống V. Putin, thế giới cần phải tư duy và nhận thức sâu sắc về cách thức mà đại dịch COVID-19 đã và sẽ ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai của toàn nhân loại. Đến nay, đại dịch COVID-19 vẫn chưa suy giảm và vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng, khiến nhiều người có cảm nhận rằng thế giới không chỉ đang đứng trước bước ngoặt của những thay đổi căn bản mà là kỷ nguyên của những chuyển dịch lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế đang cố gắng thực thi những biện pháp cần thiết để hóa giải những thách thức này. Đại dịch COVID-19 nhắc nhở thế giới về sự sống mong manh của con người. Thật khó hình dung trong thế kỷ XXI với trình độ công nghệ tiên tiến mà nhân loại đã đạt được, ngay cả ở những quốc gia giàu có và thịnh vượng nhất, con người vẫn hoàn toàn mất khả năng tự vệ trước dịch bệnh COVID-19. Thực tế đã chứng tỏ rõ rằng, không phải trình độ phát triển của khoa học y tế với những thành tựu tuyệt vời có thể giúp thế giới thoát khỏi dịch bệnh COVID-19. Điều có ý nghĩa quyết định để ngăn chặn dịch bệnh này lại là cách thức tổ chức và khả năng tiếp cận hệ thống y tế công cộng, tinh thần giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau, tinh thần phục vụ và hy sinh để đoàn kết mọi người, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật và trung thực của các cơ quan chức năng…
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cho thấy chỉ nhà nước có năng lực mới có thể hành động hiệu quả trong tình huống khủng hoảng. Trái ngược với lập luận của những người đã và đang tiếp tục hô hào rằng vai trò của nhà nước trong thế giới toàn cầu hóa ngày càng suy giảm, thậm chí sẽ bị thay thế bằng xã hội dân sự và các hình thức tổ chức xã hội khác, vai trò của nhà nước hiện nay vẫn rất quan trọng. Dĩ nhiên, lòng tin là nền tảng vững chắc nhất cho hoạt động sáng tạo của nhà nước và xã hội. Một khi nhà nước kết hợp với xã hội bằng niềm tin mới có thể thiết lập được sự cân bằng tối ưu giữa quyền tự do hành động của con người và bảo đảm an ninh.
Nước Nga trong đại dịch COVID-19
Tổng thống V. Putin cho biết: “Ngay từ những ngày đầu xảy ra dịch bệnh COVID-19, Nga đã đặt tính mạng và sự an toàn của người dân lên hàng đầu. Đó là sự lựa chọn xuất phát từ đặc điểm văn hóa, truyền thống tinh thần và đạo đức của dân tộc Nga. Do những tổn thất to lớn về nhân khẩu học mà nước Nga phải gánh chịu trong thế kỷ XX, nước Nga không có cách nào khác hơn là phải chiến đấu, chiến đấu vì từng con người, vì tương lai của mỗi gia đình Nga. Vì vậy, nước Nga đã làm tất cả để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân”. Theo Tổng thống V. Putin, đại dịch COVID-19 thêm một lần nữa chứng tỏ, một nhà nước mạnh là điều kiện cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của nước Nga. Lịch sử nước Nga cho thấy, một nhà nước tập trung mạnh là bảo đảm tốt cho tất cả mọi người dân, bảo đảm để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài, như đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế hay ngoại xâm. Ngược lại, một khi nhà nước suy yếu sẽ dẫn đến rối loạn, tàn phá, ách xâm lược và nỗi thống khổ của người dân.
Tổng thống V. Putin nhấn mạnh, một nhà nước mạnh không phải là chủ nghĩa toàn trị như những người theo chủ nghĩa tự do luôn rêu rao, thậm chí không phải là một quân đội mạnh mặc dù các lực lượng vũ trang Nga có vai trò rất quan trọng xuất phát từ tính chất đặc thù về vị trí địa lý cũng như vai trò gìn giữ hòa bình của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều kiện chủ yếu để có một nhà nước mạnh là sự tin tưởng và ủng hộ của người dân; và, tất nhiên, là cần có cơ chế để thực hiện có hiệu quả quyền hạn của nhà nước do người dân giao phó. Do đó, không thể sao chép mô hình nhà nước từ bên ngoài mà phải xây dựng nhà nước xuất phát từ yêu cầu, đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa, bản sắc và các đặc điểm khác của quốc gia, dân tộc. Những gì mà những ai từng tôn thờ phương Tây luôn hô hào trong nhiều thập niên rằng, “chúng tôi muốn mọi thứ ở Nga phải giống như phương Tây” thì ngày nay đã không còn có hiệu lực ngay trong lòng xã hội phương Tây. Nhận định này của Tổng thống V. Putin không chỉ đúng ở nước Nga. Trước đây, nhà sử học, nhà báo Anh nổi tiếng Niall Ferguson nhận định, văn hóa phương Tây sẽ là “khuôn vàng thước ngọc” cho phần còn lại của thế giới. Giờ đây, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan mạnh ở châu Âu, sự hoài nghi đó đã tăng lên gấp bội. Những hạn chế trong lòng xã hội châu Âu đã bộc lộ và phương Tây không còn có thể tự coi mình là khuôn mẫu cho cả thế giới. Trong nhiều thập niên, trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu theo đuổi xây dựng xã hội dân sự và hạ thấp vai trò quản lý của chính phủ, thậm chí xóa bỏ chủ quyền quốc gia, thì ở châu Á, mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Người dân châu Á tin rằng, cần phải có một nhà nước tập trung quyền và mạnh. Bàn tay vô hình của thị trường cần phải được dẫn dắt bởi bàn tay quản lý hữu hình của nhà nước phù hợp với những quy luật phát triển của thị trường. Đại dịch COVID-19 chứng tỏ quan niệm của các nước châu Á là đúng, theo đó, các tổ chức do nhà nước quản lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc phản ứng nhanh và có hiệu quả để ứng phó với tình hình.
Về trật tự thế giới mới đang hình thành
Theo Tổng thống V. Putin, thế giới đang chứng kiến sự tăng tốc các quá trình đã từng được dự báo tại Diễn đàn Câu lạc bộ Valdai năm 2014 với chủ đề “Trật tự thế giới: Các quy tắc mới hay là cuộc chơi không có luật lệ”. Thật đáng buồn là cuộc chơi không có luật lệ đang diễn ra ngày một đáng lo ngại.
Theo nhận định của Tổng thống V. Putin, trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai được thiết lập bởi ba cường quốc chiến thắng trong cuộc chiến này là Liên Xô, Mỹ và Anh. Đến nay, Liên Xô không còn tồn tại, vai trò của Mỹ và Anh cũng đã thay đổi. Trong bối cảnh đó, một số thế lực trên thế giới đang rắp tâm loại bỏ hoàn toàn nước Nga ra khỏi các chương trình nghị sự của thế giới. Nga đang đánh giá một cách khách quan những khả năng của quốc gia về trí tuệ, lãnh thổ, kinh tế và quân sự hiện tại, tiềm năng trong tương lai. Trong khi củng cố vị thế quốc gia và quan sát những gì đang diễn ra trên thế giới, Nga nhận thấy có những thế lực đang kỳ vọng về sự tàn lụi của nước Nga. Theo Tổng thống V. Putin, kỳ vọng đó là ảo tưởng hão huyền.
Khi bàn về trật tự thế giới, hiện có ý kiến cho rằng nên cấu trúc lại, thậm chí là phải loại bỏ toàn bộ các kết cấu quan hệ quốc tế hiện hành vì chúng đã lỗi thời. Quan điểm của Nga là cần phải tiếp tục duy trì các thiết chế cơ bản hiện có như Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an và quyền phủ quyết của các thành viên thường trực đã từng khẳng định hiệu quả trong việc bảo đảm hòa bình và duy trì nền an ninh quốc tế. Quan điểm cho rằng cần duy trì các nền tảng của trật tự thế giới được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã và đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên thế giới.
Tổng thống V. Putin lưu ý thêm rằng, ý tưởng về việc điều chỉnh cấu trúc thể chế chính trị thế giới là vấn đề rất cần được thảo luận do cán cân lực lượng, khả năng và quan điểm của các quốc gia đã thay đổi đáng kể. Đó là, Trung Quốc đang tăng cường hướng tới vị thế siêu cường. Nước Đức cũng đang đi theo hướng tương tự và đã trở thành một thành viên ngày càng quan trọng trong hợp tác quốc tế. Trong khi đó, vai trò của Anh và Pháp trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cũng đã thay đổi. Ngay cả nước Mỹ từng chiếm ưu thế tuyệt đối trên thế giới thì hiện nay khó có thể giữ được vị thế quyền lực như trước. Ngoài ra, cũng cần nhận thấy rằng, không phải tất cả các tổ chức quốc tế đều thực hiện có hiệu quả các sứ mệnh và nhiệm vụ được giao. Lẽ ra phải đóng vai trò trọng tài công bằng thì đôi khi họ lại hành động theo định kiến tư tưởng, rơi vào tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của các quốc gia khác và có thể trở thành công cụ trong tay các quốc gia đó.
Thế giới ngày nay đang đứng trước nhiều nguy cơ mang tính toàn cầu, như môi trường sinh thái xuống cấp nghiêm trọng, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, an ninh không gian mạng bị đe dọa mà thế giới chưa thiết lập được quy tắc hành xử, dịch bệnh… Đó là những vấn đề mà nếu chỉ có sự hợp lực của một số quốc gia riêng lẻ, dù đó là các quốc gia mạnh nhất, cũng không thể giải quyết được, mà cần có sự nỗ lực chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nga đã từng đề xuất nhiều sáng kiến song phương và đa phương trong lĩnh vực an ninh mạng và từng đệ trình Liên hợp quốc dự thảo hai công ước về bảo đảm an ninh mạng. Nga cũng đề xuất gia hạn Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược. Có thể khẳng định rằng, nếu các hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân bị hủy hoại thì thế giới sẽ không có tương lai. Đây là điều mà Nga kêu gọi các đối tác cùng suy ngẫm. Tổng thống V. Putin cho biết, nếu Mỹ vẫn coi họ có quyền ngoại lệ và không chấp nhận tham gia các hoạt động nhằm nâng cao niềm tin và bảo đảm an ninh quốc tế thì nước Nga luôn sẵn sàng tiến hành các hoạt động đó cùng với các đối tác có cùng chung mối quan tâm. Số lượng đối tác này của Nga là khá đông đảo./.
Diễn đàn Câu lạc bộ quốc tế Valdai thực chất là trung tâm phân tích của giới chuyên gia hàng đầu, lãnh đạo Nga và nhiều nước trên thế giới, được thành lập năm 2004. Nhiệm vụ cơ bản của Diễn đàn này là đối thoại cởi mở, thẳng thắn, công khai của các chuyên gia, các chính khách, các nhà hoạt động xã hội và các nhà báo về những vấn đề cấp thiết của thế giới trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, chính trị, kinh tế, an ninh, năng lượng và nhiều lĩnh vực khác, đưa ra dự báo về các xu hướng và quá trình cấu trúc trật tự thế giới trong thế kỷ XXI. Ngoài các diễn đàn được tổ chức tại Nga, hằng năm, Câu lạc bộ quốc tế Valdai còn tổ chức các diễn đàn khu vực ở châu Á, Trung Đông và châu Phi.
Châu Âu đối mặt với những thách thức về an ninh con người trong bối cảnh đại dịch COVID-19  (21/01/2021)
Vietcombank giảm đồng loạt lãi suất cho vay VND trong 3 tháng  (15/12/2020)
Vietcombank lên đỉnh vốn hóa của thị trường  (15/12/2020)
Tỉnh Bắc Ninh - Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19  (03/10/2020)
Kinh nghiệm của Liên bang Nga trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số  (29/09/2020)
MB đồng hành cùng tỉnh Quảng Nam chống dịch COVID-19  (20/08/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển