Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, nằm trong 15 tỉnh, thành phát triển của cả nước
TCCS - Từ ngày 13 đến 15-10-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã diễn ra, với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy truyền thống văn hóa, sức mạnh toàn dân; đổi mới, sáng tạo, xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, nằm trong 15 tỉnh thành phát triển có quy mô kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước vào năm 2025”.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dự và chỉ đạo Đại hội.
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể của Trung ương và tỉnh Bắc Giang qua các thời kỳ, các vị lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng 350 đại biểu chính thức đại diện cho trên 87 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Đại hội thực hiện đầy đủ 4 nội dung theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị: Thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; xác định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025; tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành và Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội của “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo”
Trong diễn văn khai mạc Đại hội, đồng chí Bùi Văn Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tác động do suy giảm kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể cơ quan Trung ương và sự phối hợp, cùng hợp tác của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy những kết quả, thành tựu đạt được của nhiều nhiệm kỳ trước, cùng đoàn kết chung sức, một lòng nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; 15/15 chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân trên địa bàn đạt 14% năm; tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Quy mô tổng sản phẩm năm 2020 ước đạt gần 123.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2015, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương có sức hấp dẫn nhất về thu hút đầu tư; tổng số dự án thu hút đầu tư còn hiệu lực tăng 1.756 dự án, gấp 2,1 lần so với năm 2015; thu ngân sách năm 2020 ước đạt 10.000 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với mục tiêu Đại hội đã đề ra.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút được trên 5,8 tỷ USD, gấp 3,5 lần cả giai đoạn 2011 - 2015 (riêng vốn FDI đạt 3,8 tỷ USD, gấp 4,3 lần); phát triển doanh nghiệp là điểm sáng của cả nước, bình quân mỗi năm thành lập mới trên 1.200 doanh nghiệp; đến nay, toàn tỉnh có gần 11.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 447 doanh nghiệp FDI.
Xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ, đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,4% tổng số xã trong toàn tỉnh, có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là (huyện Việt Yên, huyện Lạng Giang và huyện Tân Yên). Hiệu quả mang lại từ phong trào xây dựng nông thôn mới tác động tích cực đến đời sống của nhân dân và diện mạo của vùng nông thôn.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”, được thực hiện nghiêm túc. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thiết thực, hiệu quả. Phương thức, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị được đề cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Với tinh thần khiêm tốn, cầu thị, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát huy, nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc thật nghiêm túc với phong cách và tư duy đổi mới; đặc biệt là tích cực thảo luận dân chủ, cởi mở, nghiêm túc và thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm trong lãnh đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; từ đó, rút ra những bài học sâu sắc, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phấn đấu là một trong 15 tỉnh đứng đầu cả nước
Trong nhiệm kỳ tới, Bắc Giang đặt mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển toàn diện, vững chắc, nằm trong 15 tỉnh, thành phố phát triển có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 14% - 15%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 5.500 USD - 6.000 USD; văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách về an sinh, phúc lợi xã hội, người có công, người nghèo được chăm lo thường xuyên; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt và thực chất. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, cán bộ.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bày tỏ vui mừng trước sự phát triển vượt bậc, toàn diện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang; biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các nội dung nêu trong Báo cáo chính trị và hoan nghênh tinh thần kiểm điểm nghiêm túc, thẳng thắn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang khóa XVIII.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, là một tỉnh phía đông bắc của Tổ quốc, Bắc Giang có nhiều lợi thế để phát triển. Vì vậy, tỉnh cần xác định rõ hơn tầm quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế, phân tích đánh giá sâu sắc những thuận lợi, khó khăn của địa phương để có giải pháp phát huy lợi thế, sớm hoàn thành mục tiêu cho giai đoạn phát triển mới. Bắc Giang cần phát triển đồng bộ cả công nghiệp và nông nghiệp; chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là các xã, huyện khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân. Tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương
Để tiếp tục phát huy lợi thế, sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang cần tập trung rà soát, xây dựng Quy hoạch tổng thể tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, bảo đảm khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản; có quy hoạch cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng, làm cơ sở định hướng phát triển trong thời gian tới và tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Một là, phát triển đồng bộ cả công nghiệp và nông nghiệp; trong đó, công nghiệp được xác định là động lực, nông nghiệp là nền tảng bảo đảm ổn định; phát triển nhanh, bền vững. Phát triển công nghiệp trên cơ sở thu hút, lựa chọn các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ, giá trị tăng cao, quan tâm thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước. Có chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng cường nội lực, tạo sự chủ động của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm môi trường, tăng cường khâu chế biến, bảo quản sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Đẩy mạnh việc trồng và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng, gắn với sinh kế của nhân dân, tăng dần tỷ lệ che phủ rừng.
Hai là, cùng với phát triển kinh tế, cần hết sức chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội mới phát sinh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường đầu tư cho lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Làm tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, nhân dân miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến các xã, huyện khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; không để xảy các vụ, việc phức tạp, điểm nóng, kéo dài. Tăng cường phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, băng, ổ, nhóm có tính chất "xã hội đen", như ma túy, tội phạm kinh tế và các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài.
Bốn là, tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xem đây là nhiệm vụ then chốt của Đảng bộ. Có các giải pháp phát triển, củng cố tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng; thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, các cấp, các ngành; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về phẩm chất và năng lực, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp.
Đại hội bầu 51 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang khóa mới đã bầu 15 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX. Đồng chí Dương Văn Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, nhiệm kỳ 2015 - 2020 được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với số phiếu 51/51, đạt tỷ lệ 100%. Các đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang khóa XVIII, Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang khóa XVIII được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hội nghị đã bầu bầu 11 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với số phiếu tín nhiệm cao; đồng chí Nguyễn Thị Hương, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVIII tái cử giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành đô thị hiện đại, giàu mạnh, văn minh  (15/10/2020)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Nâng thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực đồng bằng sông Cửu Long  (14/10/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển