Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về ứng phó dịch COVID-19
TCCS - Ngày 26-3-2020, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về ứng phó dịch COVID-19 diễn ra từ 19h00 đến 21h00 (giờ Việt Nam) theo sáng kiến của nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia. Đây là hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của G20 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát nhanh trên toàn cầu, tác động sâu sắc và nhiều mặt đến kinh tế thế giới, cũng như sự ổn định, phát triển của nhiều quốc gia.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch COVID-19; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã và đang cùng các nước thành viên đề cao tinh thần Cộng đồng “gắn kết và chủ động thích ứng” thực hiện mạnh mẽ các biện pháp, phối hợp hành động chống COVID-19, đồng thời hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với nhiều nước G20 và các đối tác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh vai trò quan trọng, đóng góp tích cực của G20 cũng như các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Từ thực tiễn kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ với các nhà lãnh đạo nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó với dịch COVID-19, như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị; tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, tham gia vào cuộc của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang; tập trung chống dịch đi đôi với thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân; hợp tác bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam và các nước ASEAN đang sinh sống ở các nước G20…
Các nhà lãnh đạo đã nhất trí triển khai mọi biện pháp y tế cần thiết để ngăn chặn dịch COVID-19; chia sẻ thông tin kịp thời và minh bạch, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong việc ngăn chặn sự lây lan, phát hiện và điều trị các ca lây nhiễm; tăng cường phối hợp trong nghiên cứu và phát triển vắc-xin, thuốc đặc trị, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu và sự phối hợp trong ứng phó với các dịch bệnh lây nhiễm trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cam kết sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các biện pháp kinh tế để giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị nhất trí phối hợp giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19 đối với thương mại quốc tế, bảo đảm sự vận hành của các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung G20 về ứng phó dịch COVID-19, trong đó thể hiện quyết tâm chính trị, cam kết mạnh mẽ và đoàn kết trong phòng, chống dịch COVID-19, cũng như thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển bền vững, bao trùm.
Sự tham dự và chia sẻ những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thúc đẩy hợp tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 đã khẳng định sự ủng hộ, hợp tác của Việt Nam đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong chống dịch COVID-19, thể hiện Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào tăng cường hợp tác toàn cầu trong ứng phó với các thách thức chung.
* Ngày 26-3-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen về phối hợp giữa Việt Nam với Lào và Campuchia trong ứng phó với đại dịch COVID-19.
- Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Lào trong triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch COVID-19; nhấn mạnh trên tinh thần quan hệ đặc biệt và tình hữu nghị vĩ đại giữa hai nước, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ, sát cánh với Lào trong cuộc chiến chống COVID-19 để hai nước cùng sớm ổn định tình hình, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, hướng tới đại hội đảng của mỗi nước vào đầu năm 2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thủ tướng và Chính phủ Lào tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Lào yên tâm ổn định cuộc sống và được tiếp cận các điều kiện cần thiết để phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ với Việt Nam giữ vững ổn định, an ninh - xã hội, nhất là tại các tỉnh biên giới.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao các nỗ lực và thành công của Việt Nam trong công tác phòng, chống và kiềm chế dịch COVID-19; mong muốn hai nước tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau.
Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng trong tình hình hiện nay, hai bên càng cần phải quan tâm duy trì đà phát triển hợp tác song phương, đặc biệt chú trọng việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được tại Kỳ họp 42 Ủy ban liên Chính phủ đầu năm nay; tiếp tục tạo điều kiện cho hàng hóa hai nước lưu thông; nỗ lực giữ vững tăng trưởng thương mại, đầu tư bằng các biện pháp linh hoạt, cùng nhau vượt qua khó khăn do suy giảm hoạt động kinh tế vì dịch bệnh.
- Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các biện pháp của Campuchia trong phòng, chống dịch COVID-19, nhấn mạnh việc cùng nhau chia sẻ, chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân 2 nước. Cần tăng cường phối hợp, tạo thuận lợi cho cơ quan đại diện của mỗi nước trong việc hỗ trợ công dân của mình ở sở tại; đề nghị các bộ, ngành, địa phương hai bên tích cực phối hợp trong phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm thông tin xuyên suốt, cùng hợp tác, chia sẻ; duy trì bình thường việc thông thương,... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị hai bên có thông điệp để nhân dân hai nước yên tâm, bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Đáp ứng yêu cầu của phía Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp để đưa công dân nước bạn đang cách ly ở Việt Nam trở về theo nguyện vọng.
Thủ tướng Hun Sen đánh giá cao các biện pháp của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19; cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã quan tâm, đáp ứng các đề nghị của Campuchia; nhấn mạnh Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Campuchia luôn coi người Việt Nam tại Campuchia cũng như đồng bào của mình; nhất trí sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương Campuchia phối hợp tăng cường các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia.
Tại hai cuộc điện đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự phối hợp và tương trợ lẫn nhau giữa các nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là rất cần thiết và ý nghĩa. Trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa ba nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo, Chính phủ Việt Nam quyết định hỗ trợ Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia các trang thiết bị y tế cần thiết với trị giá 100.000 USD cho mỗi nước, ngoài hỗ trợ trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cho các đối tác Lào và Campuchia; đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia y tế sang hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống dịch nếu Lào và Campuchia có yêu cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn ba nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong ASEAN, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất như nêu tại Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về phòng, chống COVID-19./.
Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đầu tư thực hiện chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển  (24/03/2020)
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc "chống dịch như chống giặc"  (20/03/2020)
Agribank ủng hộ 10 tỷ đồng chung tay phòng, chống dịch COVID-19  (18/03/2020)
Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn căng mình trong tâm bão COVID-19  (18/03/2020)
Cả nước chia sẻ, chung tay đóng góp phòng, chống đại dịch COVID-19  (18/03/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên