1. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) thành công tốt đẹp

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) thành công tốt đẹp

Sau 9 ngày làm việc (từ 9-7 đến 17-7-2008), Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã hoàn thành chương trình đã đề ra. Hội nghị nhất trí thông qua Nghị quyết "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước"; Nghị quyết "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước"; Nghị quyết "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn".

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và nhận định tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2008: Trong 6 tháng đầu năm và nhất là trong quý II-2008, với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành và của toàn dân, việc thực hiện Kết luận số 22-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 10-NQ/CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý đã thu được một số kết quả bước đầu, nhưng chưa thật ổn định và vững chắc; mức lạm phát, nhập siêu còn cao, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng của nền kinh tế giảm, đời sống của một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị ra Kết luận, xác định chủ trương và các giải pháp để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn khó khăn, yếu kém, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2008.

2. Thành lập Ban Chỉ đạo kế hoạch chung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức Liên hợp quốc

Ngày 15-7-2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Kế hoạch chung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức Liên hợp quốc giai đoạn 2006-2010. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Điều phối viên thường trú các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam làm Đồng Trưởng ban. Các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện cấp Vụ của Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư và Trưởng đại diện của một số tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ban Chỉ đạo sẽ thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc các cơ quan, địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch chung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức Liên hợp quốc giai đoạn 2006-2010. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm rà soát các phương thức thực hiện Kế hoạch chung, phân công trách nhiệm quản lý từng lĩnh vực tương ứng cũng như xác lập các biện pháp khuyến khích, nhân rộng các mô hình, cách tiếp cận thành công và các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Kế hoạch chung. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 6 tháng/lần và quyết định các vấn đề trên cơ sở đồng thuận. Trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau, hai Đồng Trưởng ban trao đổi để thống nhất đưa ra quyết định cuối cùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện nhiệm vụ thư ký cho Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Điều phối viên thường trú các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam quyết định chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ban Thư ký.

3. Kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15-7-1950)

Ngày 15-7-2008, Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội. Trong gần 60 năm qua, các thế hệ thanh niên xung phong kế tiếp nhau giương cao ngọn cờ xung phong tình nguyện, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Ðảng, Bác Hồ, Nhà nước và Ðoàn thanh niên giao phó, xứng đáng với những phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hoạt động của thanh niên xung phong ngày nay đã đóng góp hiệu quả vào giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái... Cả nước hiện có 26 tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp nhà nước có tổ chức thanh niên xung phong, với gần 100 đơn vị cơ sở, sử dụng 50 nghìn lao động là thanh niên. Hoạt động tập trung, mang tính mũi nhọn của lực lượng thanh niên xung phong hiện nay là xung kích thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội do Nhà nước giao. Nhiều tổng đội thanh niên xung phong các địa phương, đơn vị đã chủ động tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm. Để thanh niên xung phong hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, thanh niên xung phong rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi, phù hợp của các cơ quan chức năng liên quan.

4. Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân

Ngày 15-7-2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ra Chỉ thị số 22/2008/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân. Luật Thuế thu nhập cá nhân có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, lĩnh vực, vì thế, trong công tác tổ chức triển khai thực hiện cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các bộ, cơ quan, chính quyền các cấp ở địa phương, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể quần chúng và nhân dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số nhiệm vụ, trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân trong tháng 7-2008 do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng ban Thường trực và các Ủy viên là lãnh đạo một số bộ, cơ quan liên quan. Chỉ thị số 22/2008/CT-TTg cũng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế thu nhập cá nhân; trách nhiệm của các bộ, cơ quan và địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân.

5. Không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Nhật Bản
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
tiếp hạ nghị sĩ Nhật Bản Ca-du-ô Ai-chi
Ngày 17-7-2008, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp và nói chuyện thân mật với hạ nghị sĩ Nhật Bản Ca-du-ô Ai-chi (Kazuo Aichi) đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến thành lập Viện nghiên cứu kinh tế Đông Á và ASEAN (ERIA) do nghị sĩ Ca-du-ô Ai-chi và nhóm nghị sĩ trong Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản đề xuất và thành lập tháng 6-2008, nhằm góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản cũng như với nước thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác hai nước liên tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và cũng là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Thủ tướng mong muốn các nghị sĩ Nhật Bản ủng hộ Chính phủ hai nước trong việc thực hiện 3 dự án lớn mà Nhật Bản đã ký với Việt Nam: Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và Dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc; đồng thời, tích cực ủng hộ tiến trình đàm phán nhằm ký kết Hiệp định đối tác thương mại, đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chính sách nhất quán của Việt Nam là tiếp tục thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, hướng tới đối tác chiến lược bền vững, lâu dài vì lợi ích và sự phát triển chung của mỗi nước.

6. Ngân hàng thế giới phê duyệt tín dụng cho dự án phân phối điện nông thôn tại Việt Nam

Ngày 17-7-2008, Ngân hàng thế giới phê duyệt khoản tín dụng trị giá 502 triệu đô la Mỹ nhằm giúp Việt Nam phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, mở rộng mạng lưới điện nông thôn và cải thiện tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn Việt Nam. Trong đó, Dự án mở rộng mạng lưới phân phối điện nông thôn sẽ do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) là quỹ của nhóm ngân hàng thế giới chuyên hỗ trợ các nước có thu nhập thấp và Cơ quan phát triển quốc tế của Ốt-xtrây-li-a (AusAid) hỗ trợ. Tổng kinh phí của dự án là 206,8 triệu USD, trong đó IDA hỗ trợ 150 triệu USD, AusAid hỗ trợ 3 triệu USD, Việt Nam sẽ đảm đương vốn 53,28 triệu USD còn lại.
Mục tiêu của Dự án phân phối điện nông thôn là nâng cao độ an toàn, hiệu quả các đường dây trung thế cung cấp điện đến một số các hệ thống phân phối và bán lẻ điện quan trọng tại 6 khu vực tỉnh thành ở Việt Nam.

7. Hội nghị sơ kết công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh
phát biểu tại Hội nghị

Ngày 18-7-2008, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình triển khai và chỉ đạo điểm cuộc vận động 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2008. Phát biểu tổng kết Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: Thực tiễn triển khai Cuộc vận động và kinh nghiệm bước đầu thu được sau một năm rưỡi vừa qua đã cho chúng ta niềm tin vào tính đúng đắn và triển vọng tốt đẹp của Cuộc vận động. Thực tiễn đó càng giúp chúng ta hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn những thành tích, ưu điểm và cả những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai... Cần gắn chặt việc thực hiện Cuộc vận động với việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là 4 nhiệm vụ, 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững mà Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X vừa thông qua.

8. Tưởng nhớ các liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh tại ngã ba Ðồng Lộc và Truông Bồn
 
Ngày 19-7-2008, tại khu di tích lịch sử ngã ba Ðồng Lộc, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Ðài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhạc sĩ và Báo Công an Nhân dân tổ chức đêm nhạc và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác về "Mười bông hoa trinh liệt ngã ba Ðồng Lộc" nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng ngã ba Ðồng Lộc. Tham dự có đại diện của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương cùng gần 3.000 đoàn viên thanh niên, cựu thanh niên xung phong. Kết quả, tác phẩm "Tình yêu của mẹ" của Phan Huỳnh Ðiểu đoạt giải nhất; giải nhì được trao cho tác phẩm "Lẽ nào quên em" của Quốc Nam; và "Ngã ba Ðồng Lộc, một trái tim" của Nguyễn Văn Tường được trao giải ba. Ðêm nhạc đã để lại trong lòng khán giả nhiều cảm xúc, sự tri ân, biết ơn vô hạn đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.

9. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự lễ khởi công xây dựng Trung tâm phần mềm Thủ Thiêm

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
dự lễ khởi công xây dựng
Trung tâm phần mềm Thủ Thiêm

Sáng 19-7, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự lễ khởi công xây dựng Trung tâm phần mềm Thủ Thiêm, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD do liên doanh giữa Công ty cổ phần Viễn thông Sài Gòn (Saigon Tel) và công ty TA Associates International Pte.Ltd của Xinh-ga-po, thành viên của Tập đoàn Teco (Đài Loan) làm chủ đầu tư. Dự án Trung tâm phần mềm Thủ Thiêm góp phần nâng tổng số vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2008 đến nay lên trên 7 tỉ USD, tăng gấp 10 lần so cùng kỳ năm 2007. Đây là dự án quan trọng thu hút vốn đầu tư, phát triển nhân lực chất lượng cao cho Thành phố và khu vực phía Nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển nhanh, bền vững. Tập đoàn Teco hiện đang quản lý điều hành Trung tâm phần mềm Nankang tại Đài Loan với số vốn đầu tư 3,5 tỉ USD, doanh số hàng năm 10 tỉ USD, được nhiều nước đánh giá là một trong những trung tâm phần mềm lớn nhất thế giới. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm phần mềm Thủ Thiêm sẽ thu hút 3 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo ra doanh số hàng năm khoảng 6 tỉ USD. Tại lễ khởi công, đại diện chủ đầu tư Trung tâm phần mềm Thủ Thiêm đã tặng hai tỉ đồng cho Quỹ vì người nghèo Quận 2 thành phố Hồ Chí Minh.

10. Thị trường tiền tệ đã dần đi vào ổn định, thị trường chứng khoán sôi động

Sau nhiều tháng diễn biến phức tạp và bất ổn, thị trường tiền tệ trong tuần qua đã dần đi vào ổn định với những dấu hiệu tích cực như cung cầu ngoại tệ đã cân bằng, một số ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay tiền đồng và ngoại tệ.

Diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng hết sức sôi động. Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 14 đến 18-7, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có thêm một tuần tăng điểm, đưa chuỗi phục hồi lên 4 tuần liên tiếp. Lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường đã khiến lượng cầu cổ phiếu tuần qua tiếp tục tăng mạnh, trong khi đó việc chứng khoán tăng giá trong 4 tuần liên tục cũng là lúc một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư quyết định bán ra để cụ thể hóa lợi nhuận. Lượng cung lớn trong khi lượng cầu không có dấu hiệu suy giảm đã khiến khối lượng giao dịch tuần qua đạt mức kỷ lục./.