Nhiều tham luận của các đại biểu trình bày tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 2, diễn ra ngày 19-9 tại Hà Nội, cho rằng việc hạ mức tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam bền vững hơn trong các năm sau.

Theo các ý kiến này, điều cần thiết nhất mà Chính phủ Việt Nam nên làm hiện nay là củng cố các nền tảng cơ bản của sự tăng trưởng kinh tế. Việt Nam có thể học được rất nhiều từ các cuộc khủng hoảng trước đây để rút ra những bài học về giảm đầu tư vào những lĩnh vực địa ốc và kiểm soát khả năng thanh khoản của các bên đi vay. Mô hình tốt nhất mà Việt Nam nên thực hiện là quan hệ đối tác giữa đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân để cùng nhau phát triển kết cấu hạ tầng.

Theo Tiến sĩ Su-pa-chai, Tổng thư ký Hội nghi Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã ảnh hưởng đến sự phát triển của các nền kinh tế còn lại của thế giới và dư âm của nó sẽ vẫn còn tiếp tục trong năm 2009 và các năm tiếp theo. Vấn đề nổi lên là Việt Nam sẽ đối phó như thế nào để duy trì sự tăng bền vững trong bối cảnh này. Tiến sĩ Supachai đánh giá các biện pháp chống lạm phát hiện nay của Chính phủ Việt Nam đang phát huy tác dụng và khả năng suy thoái kinh tế Việt Nam là không đáng ngại lắm.

Theo ông Supachai, danh mục các dự án đầu tư của Việt Nam hiện nay rất phong phú và nền kinh tế việt Nam sẽ được hỗ trợ rất nhiều từ cá dự án này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với Việt Nam hiện nay là làm thế nào hài hòa các dự án đầu tư với nhu cầu của mình một cách có chiến lược và có quy hoạch.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt cho biết trong một thập kỷ qua, Việt Nam luôn là một trong số những nền kinh tế thành công, đạt mức tăng trưởng trung bình 7,5% mỗi năm. Năm 2008, do những khó khăn chung của tình hình thế giới và trong nước, tốc độ tăng trưởng chậm lại, đạt 6,5% trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, ông Đạt cũng nhấn mạnh sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trước những biến động to lớn và khó lường của kinh tế toàn cầu đang đặt ra những vấn đề bức xúc cần giải quyết đặc biệt liên quan đến lĩnh vực tài chính tiền tệ, chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Ông Đạt nói rằng Việt Nam sẽ tiếp thu các kinh nghiệm của quốc tế để sớm khắc phục những hạn chế, đối phó với những thách thức khó khăn để tăng trưởng bền vững trong hiện tại và tương lai.

Trong diễn văn bế mạc Diễn đàn Phó Tổng giám đốc Điều hành Thông tấn xã Việt Nam Trần Mai Hưởng khẳng định Diễn đàn đã thành công tốt đẹp.

Ông Hưởng cũng khẳng định Diễn đàn đã trở thành cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giới truyền thông gặp gỡ, trao đổi ý kiến, thảo luận những vấn đề lớn đã và đang đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam, tìm kiếm những giải pháp, vượt qua khó khăn, tạo cơ hội trong việc thông tin và giới thiệu các vấn đề của Việt Nam ra khu vực nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư trong quá trình hội nhập và phát triển.

Diễnđàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tấn xã Việt Nam, Hiệp hội Truyền thông châu Á và các bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thu hút 500 đại biểu trong và quốc tếđã tham dự./.