Ngày 19-9-2008, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Truyền thông châu Á và Thông tấn xã Việt Nam đã phối hợp tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 2”. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải đã tham dự Diễn đàn.

Với chủ đề “Duy trì tăng trưởng”, Diễn đàn được tổ chức nhằm đưa ra những quyết sách giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra và giữ vững mục tiêu tăng trưởng, phát triển.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, con đường để vượt qua khó khăn trước mắt, tạo ra sự phát triển ổn định trong tương lai vẫn còn nhiều chông gai. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và ổn định kinh tế mô. Diễn đàn lần này là cơ hội giúp Việt Nam có nhiều thông tin, tầm nhìn dài hạn để giải quyết những thách thức nêu trên.
 
Trong bài phát biểu, Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi đã phân tích những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế Mỹ tới thương mại và sự phát triển của châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo ông Supachai, cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ sẽ làm giảm tính thanh khoản của thị trường tài chính, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Để hạn chế những tác động xấu này, Việt Nam cần phải đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống đồng thời tìm kiếm mở rộng các thị trường mới. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam không phải quá lo ngại về sự suy giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà nên tập trung coi trọng chất lượng các dự án FDI trong khi thu hút đầu tư.
 
Diễn đàn Kinh tế lần này tập trung vào những vấn đề chính là phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tài chính và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Đây là những nội dung có ý nghĩa hết sức thiết thực, không chỉ cho sự phát triển trong giai đoạn trước mắt mà cho cả tương lai lâu dài.

1. Tài chính cho phát triển

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi những sụt giảm kinh tế toàn cầu, giá dầu, giá lương thực tăng cao khiến cho lạm phát kinh tế gia tăng, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nhưng, với những giải pháp điều hành của Chính phủ như chính sách tiền tệ chặt chẽ, kiểm soát tỷ lệ nhập siêu, cắt giảm chi tiêu công, tăng cường hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo... kinh tế Việt Nam vẫn là một thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 8 tháng qua đã đạt 47,7 tỉ USD, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ lạm phát đã giảm xuống mức 1,56% trong tháng 8 (so với mức bình quân trên 3% mỗi tháng, trong 6 tháng đầu năm). Nhập siêu trong tháng 7 và tháng 8 chỉ ở mức 0,85 tỉ USD mỗi tháng (so với mức 2,377 tỉ USD mỗi tháng trong 6 tháng đầu năm). Sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm cũng đạt mức tăng trưởng 16,3%.

Nhằm cải thiện hơn nữa những diễn biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam, trong diễn đàn lần này Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã công bố những chiến lược mới nhất nhằm bình ổn thị trường tài chính Việt Nam cũng như những chính sách kích thích thị trường tài chính phục hồi. Đó là:

- Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tài chính tiền tệ thắt chặt để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất, dự trữ bắt buộc và các công cụ thị trường mở cùng với cắt giảm chi đầu tư công, bao gồm cả việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách giá cả theo cơ chế thị trường, linh hoạt theo lộ trình phù hợp.

- Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tài chính, tín dụng, thị trường chứng khoán, mà tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng, các định chế tài chính để tránh rủi ro hệ thống và khủng hoảng tài chính; tiếp tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xem xét thời điểm phù hợp của các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

- Chính phủ tập trung nâng cao chất lượng tín dụng bất động sản thông qua việc kiểm soát quy trình, giám sát nghiêm việc cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống.

- Giải quyết hợp lý bài toán nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Về đầu tư công, trong thời gian tới cùng với những nỗ lực cơ cấu lại chi tiêu công, tập trung cho an sinh xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh lại cơ cấu chi đầu tư phát triển, trong đó tập trung vào khu vực nông nghiệp và nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế; kết hợp với khu vực tư nhân nhưng tránh đầu tư chồng chéo vào những lĩnh vực khu vực tư nhân có thể tự đầu tư và thu hồi vốn.

- Tăng cường khả năng cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp là yếu tố cơ bản và gốc rễ của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp chủ động, tích cực trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro về tỷ giá, lãi suất. Nhà nước tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ nguồn tín dụng; hỗ trợ khoa học - công nghệ cơ bản; hỗ trợ cung cấp và đào tạo nguồn nhân lực; hệ thống thông tin thị trường và kết cấu hạ tầng.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính là điều kiện quan trọng trong việc góp phần phát triển sản xuất, tăng cung và điều hòa thị trường trong nước; tăng cường pháp chế, chống tham nhũng và bảo đảm thực thi nghiêm chỉnh pháp luật. Việc bảo đảm hệ thống hành chính hoạt động có chất lượng và hệ thống luật pháp thực thi có hiệu quả, có thể coi là cú hích quan trọng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm cơ chế thị trường vận hành hiệu quả, góp phần đưa nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng khó khăn và hướng tới quỹ đạo phát triển bền vững.

Hai vấn đề khác là xây dựng cơ bản và đào tạo nguồn lực có trình độ cao và lành nghề cho phát triển kinh tế lâu dài cũng là chủ đề thảo luận chính trong diễn đàn này.

2. Phát triển nguồn nhân lực

Với việc chỉ ra những khó khăn và thuận lợi trong việc đào tạo nhân lực hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra 2 giải pháp để phát triển nguồn nhân lực hiện nay là: Xác lập các yêu cầu mới về chuẩn tri thức, kỹ năng và hành vi của giáo dục phổ thông và đào tạo nghề nghiệp; triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Trong đó, những biện pháp cần triển khai ngay trong năm 2008 là:

Thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, đào tạo theo hợp đồng đặt hàng từ doanh nghiệp. Đổi mới tài chính với nội dung trọng tâm là điều chỉnh học phí, tăng cường đầu tư của Nhà nước cho học sinh, cho sinh viên nghèo vay vốn để học nghề, hình thành quỹ đào tạo tại địa phương, áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đào tạo nhân lực cho mình.

Xây dựng và triển khai các dự án phát triển giáo viên dạy nghề để đến năm 2015 có đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đây là giải pháp đột phá, mang tính cách mạng đối với dạy nghề.

Hình thành các trung tâm đào tạo quốc tế do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng, áp dụng chương trình tiên tiến của nước ngoài gắn với sự ưu tiên phát triển ngành kinh tế và thế mạnh, nhu cầu của đối tác.

Hình thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trình độ cao gắn với thành lập Hội đồng các Hiệu trưởng các trường đào tạo theo lĩnh vực: công nghệ thông tin, cơ khí đóng tàu, tài chính - ngân hàng và du lịch.

Hình thành Trung tâm quốc gia về Dự báo và Thông tin thị trường lao động tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; hình thành Trung tâm Dự báo Nhu cầu đào tạo tại Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; hình thành Trung tâm Hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các Trung tâm cung ứng nhân lực tại các địa phương có dự án đầu tư.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã phác hoạ khá rõ nét kế hoạch phát triển hạ tầng sắp tới của Việt Nam. Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, trong những năm qua, thực hiện chủ trương đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trước một bước, tạo tiền đề, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Sau nhiều năm liên tục phấn đấu, giao thông vận tải của đất nước đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực: vận tải, công nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của đất nước, sự đi lại của nhân dân, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc phòng.

Để giao thông vận tải trong thời gian tới là khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong xu thế hội nhập sâu hơn, rộng hơn với quốc tế cũng như khu vực, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra hai chiến lược phát triển ngành giao thông - vận tải trong giai đoạn tiếp theo. Đó là vận tải và hạ tầng giao thông. Trong đó, về vận tải, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chỉ ra rằng, cần phát triển cân đối các phương thức vận tải và dịch vụ vận tải, bảo đảm tận dụng lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, hội nhập với quốc tế trên cơ sở đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đa dạng, với mức tăng trưởng ngày càng cao, bảo đảm chất lượng tốt, giảm giá thành; sử dụng hợp lý các phương thức vận tải, ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các phương tiện vận tải hành khách công cộng với khối lượng lớn.

Về hạ tầng giao thông, Bộ trưởng nêu rõ, phải hoàn thành, nâng cấp, mở rộng, xây mới các tuyến đường bộ, đường biển, đường sắt cao cấp, mở rộng các cảng cửa ngõ quốc tế, các sân bay quốc tế tại khu vực phía Bắc, Trung - Tây Nguyên và Nam bộ. Xây dựng các chiến lược cụ thể về phát triển giao thông vận tải đô thị, giao thông nông thôn, bảo đảm an toàn giao thông, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải.

Ngày 20-9-2008, các đại biểu quốc tế sẽ tham quan một số khu công nghiệp và khu chế xuất ở tỉnh Hải Dương. Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư tìm hiểu tiềm năng đầu tư, tiếp xúc với lãnh đạo địa phương và tận mắt chứng kiến một số mô hình đầu tư đã và đang thực hiện tại Việt Nam./.