Chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề “Trẻ em và xung đột vũ trang”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh cần có một giải pháp toàn diện dựa trên quan điểm phòng ngừa.

Ngày 17-7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về chủ đề "Trẻ em và xung đột vũ trang". Tham gia phiên thảo luận có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, Đại diện đặc biệt của TTK về trẻ em và xung đột vũ trang Radhika Coomaraswamy, Giám đốc Chấp hành Quĩ Nhi đồng Liên hợp quốc Ann Veneman, Trợ lý TTK về các hoạt động gìn giữ hòa bình E. Mulet, cùng trưởng đoàn các nước thành viên khác của Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc.

Phát biểu khai mạc cuộc thảo luận mở, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định sáng kiến của Việt Nam về tổ chức cuộc họp này nhằm tiếp tục khẳng định cam kết và tăng cường nỗ lực của Hội đồng Bảo an, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế nói chung để đạt được giải pháp lâu bền cho vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang. Phó Thủ tướng cho rằng hoạt động của Hội đồng Bảo an trong việc bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang đã đạt được một số thành công, với việc hàng nghìn trẻ em được giải thoát khỏi các nhóm vũ trang, vấn đề bảo vệ trẻ em trở thành một phần nhiệm vụ của một số phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Phó Thủ tướng bày tỏ lo ngại về tình hình trẻ em chịu tác động của xung đột vũ trang nói chung, trong đó có việc trẻ em hiện nay tiếp tục là nạn nhân của các vi phạm trong các xung đột vũ trang trên thế giới, như tình trạng tuyển mộ và sử dụng trẻ em, giết hại và làm thương tật, hãm hiếp và bạo lực tình dục, bắt cóc, tấn công trường học và bệnh viện. Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần có giải pháp toàn diện dựa trên quan điểm phòng ngừa, gồm phòng ngừa xung đột vũ trang và phòng ngừa tác động của xung đột vũ trang đối với trẻ em; đồng thời, để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột vũ trang, cần thúc đẩy phát triển bền vững, xóa đói nghèo, hòa hợp dân tộc, tái hòa nhập cho những trẻ em từng tham gia các nhóm vũ trang.

Phó Thủ tướng đề cao vai trò hàng đầu của các chính phủ, sự cần thiết của quan hệ đối tác tin cậy giữa các bên liên quan, các nước, các tổ chức khu vực và Liên hợp quốc, tầm quan trọng của việc huy động các nguồn lực cần thiết và việc cải tiến phương pháp làm việc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhóm làm việc của Hội đồng Bảo an trong lĩnh vực này. Phó Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam trên vấn đề bảo vệ và thúc đẩy lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Phó Thủ tướng nhắc lại việc Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước quyền trẻ em, một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư về trẻ em trong xung đột vũ trang, và kêu gọi các nước tham gia nghị định thư này.

Dưới sự chủ trì và trên cơ sở dự thảo của Việt Nam, Hội đồng Bảo an đã thương lượng và nhất trí thông qua Tuyên bố lên án mọi vi phạm đối với quyền trẻ em, ghi nhận tiến bộ đạt được trong thời gian qua; đề cao vai trò quan trọng của công tác giáo dục tại các khu vực xung đột vũ trang trong việc ngăn chặn và chấm dứt tuyển mộ trẻ em; kêu gọi các chính phủ và cộng đồng tài trợ cần chú trọng hơn đến tác động lâu dài của xung đột vũ trang đối với trẻ em; đáp ứng yêu cầu cung cấp chăm sóc y tế thích hợp; tăng cường trao đổi thông tin; dành các nguồn lực, quĩ và trợ giúp kỹ thuật phù hợp để hỗ trợ các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia trong lĩnh vực bảo vệ và phúc lợi trẻ em; kêu gọi các nước tham gia Công ước quyền trẻ em và các nghị định thư liên quan.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm có cuộc gặp trao đổi với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon. Ông Ban Ki Moon chúc mừng những thành công của Việt Nam trên con đường đổi mới kinh tế, cho rằng Việt Nam là mô hình tốt cho các nước đang phát triển; cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả của ta trong việc thực hiện chương trình "Một Liên hợp quốc". Tổng Thư ký tỏ đặc biệt quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và khủng hoảng năng lượng, và mong muốn Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc xử lý những vấn đề này./.