TCCS - Đến cuối năm 2009, toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 99.966 cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn, chiếm 92,25% số cơ sở công nghiệp toàn vùng, tăng 15.931 cơ sở so với năm 2005. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp ở nông thôn toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2009 đạt 61.293 tỉ đồng, chiếm 53,1% giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng, tăng 20%/năm trong giai đoạn 2006 - 2008.

Những thành quả đạt được

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà trọng tâm là phát triển các khu công nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước đưa tỷ trọng công nghiệp từng địa phương ngày một tăng, sau hơn 20 năm, đến nay hầu hết các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đều cố gắng thành lập các khu công nghiệp - cụm công nghiệp và xem đó như là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện các mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tính đến tháng 4-2010, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã quy hoạch và hình thành được 111 khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng diện tích 24.091 ha, tập trung nhiều nhất và với quy mô lớn là tỉnh Long An, Kiên Giang, Cà Mau, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang. Trong số đó, tỉnh Long An có số lượng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và diện tích nhiều nhất: 24 khu, với diện tích gần 8.278 ha, chiếm 35% diện tích các khu công nghiệp, cụm công nghiệp toàn vùng. Thứ đến là Kiên Giang có 9 khu, diện tích 7.111 ha, chiếm 29% diện tích các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các khu công nghiệp (kể cả cụm công nghiệp) đã thu hút được 494 dự án gồm: 70 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 7,66 tỉ USD và 424 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 5.867 tỉ đồng, tạo việc làm cho hơn 52.000 lao động. Việc phát triển các khu công nghiệp trong vùng đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về công nghiệp hóa, thực sự là động lực phát triển nông thôn, góp phần đáng kể vào phát triển nông nghiệp, đổi mới nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long, trực tiếp là các ngành công nghiệp

chế biến.

Năm 2009, tổng thu ngân sách nhà nước của đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 19.591 tỉ đồng (tăng hơn 12% so với năm 2005), kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,59 tỉ USD (tăng 11,5%), GDP tăng 12,33%. Hằng năm, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp vào GDP cả nước là 19,8% (đứng thứ 3 sau vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng).(1)

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2009, tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long còn chậm, nông nghiệp vẫn chiếm trên 40% cơ cấu GDP, trong khi bình quân cả nước chỉ có trên 20%, tỷ lệ hộ nghèo của vùng là 12,85%. Khảo sát tại 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy khoảng 39% số hộ nghèo không có đất sản xuất và có nguy cơ ngày càng gia tăng.

Còn nhiều việc phải tập trung giải quyết

Thực tiễn xây dựng và phát triển các khu công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long những năm qua đang đặt ra nhiều vấn đề phải tập trung giải quyết đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cụ thể như:

Một là, đối với phát triển nông nghiệp, các khu công nghiệp đã phần nào góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển, thay đổi diện mạo nông thôn, nhưng vẫn chưa giúp được nhiều cho sự nghiệp hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long có một số mô hình liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nhưng nhìn chung còn lỏng lẻo và hiệu quả chưa cao.

Các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ra vẫn thường xuyên trong tình trạng canh cánh nỗi lo “được mùa mất giá”; và ngược lại các sản phẩm công nghiệp phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững. Nông dân vẫn còn sản xuất tự phát, nhưng khi thị trường diễn biến xấu thì "trồng theo phong trào, chặt theo thị trường". Trồng rồi chặt, chặt rồi trồng là một vòng luẩn quẩn ám ảnh đối với người nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

Khi đánh giá về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển khu công nghiệp gây ra lãng phí quỹ đất đai. Việc lấy đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở vùng đất thâm canh, tăng vụ có năng suất lúa cao, có hệ thống thủy lợi đầy đủ đang gây khó khăn cho nông dân tại chỗ nói riêng và cả ngành nông nghiệp nói chung. Thêm vào đó, nhiều khu công nghiệp được triển khai ồ ạt, thiếu tính toán, chạy theo cạnh tranh gây ra tình trạng quy hoạch các khu công nghiệp bị “treo” quá lâu. Như vậy, lợi ích do phát triển khu công nghiệp đem lại đối với nông nghiệp chưa tương xứng với chi phí (cả trước mắt và lâu dài) nông nghiệp là lĩnh vực phải chịu nhiều thiệt thòi.

Hai là, đối với mục tiêu phát triển nông thôn, các khu công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, góp phần nào tạo nên một diện mạo nông thôn mới, mang lại văn minh đô thị, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho khu vực rộng lớn được đô thị hóa. Nhưng thực tế đang cho thấy, các khu công nghiệp được xây dựng trong những năm qua lại chủ yếu bám vào các vùng ven, những đô thị có sẵn hoặc những vị trí thuận lợi như ven đường, ven sông, gần trục lộ chính. Điều đó đã dẫn đến một hệ quả là, mối quan hệ giữa các khu công nghiệp với nông thôn chưa rõ nét. Các khu công nghiệp đã góp phần đô thị hóa nông thôn nhiều hơn là hiện đại hóa nông thôn. Việc quy hoạch và xây dựng đồng bộ các khu dân cư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội gắn với các khu công nghiệp chưa được chú trọng.

Vấn đề nổi cộm nhất đang đặt ra là, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn tăng hai lần, giữa người nghèo và người giàu tăng tám lần... Trong số những người nghèo đói, đa số là nông dân, và chủ yếu tập trung tại các tỉnh nghèo, huyện nghèo, xã nghèo. Đặc biệt, nhiều vùng nông thôn đang bị thiếu thốn về văn hóa - thông tin - giáo dục. Vì vậy, sau nhiều năm đổi mới, bộ mặt nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy đã khá hơn trước, nhưng vẫn chưa mang dáng dấp của một nông thôn trên con đường công nghiệp hóa.

Ba là, việc làm và nâng cao đời sống nông dân là một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận nhất, cả mặt tích cực, lẫn mặt hạn chế. Việc phát triển khu công nghiệp đã góp phần tạo sự chuyển biến khá rõ trong cơ cấu GDP từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm liên tục trong 10 năm (từ 1999 - 2009), khu vực I giảm được 12% trong GDP và 7% trong cơ cấu lao động; trong khi đó khu vực II tăng được 7,3% trong GDP và 3,5% trong cơ cấu lao động; khu vực III tăng được 5% trong GDP và 3,5% trong cơ cấu lao động(2).

Tuy vậy, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch nhưng chậm hơn cơ cấu GDP. Tỷ lệ lao động tập trung trong nông nghiệp vẫn khá cao; thời gian nông nhàn của lao động nông thôn còn lớn. Để giải quyết vấn đề này, các tỉnh đều coi việc phát triển khu công nghiệp là một giải pháp quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, giúp nông dân “ly nông” nhưng không “ly hương”. Những năm qua đã tạo ra tạo việc làm cho hơn 52.000 lao động (có đến 90% lao động có độ tuổi từ 18 đến 35), góp phần giảm các tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây nên. Nếu tính cả số lao động gián tiếp và những công việc “ăn theo” nhờ việc mở mang khu công nghiệp thì con số thoát nghèo lên đến 100 ngàn người.

Mặc dù vậy, vẫn đang tồn tại một thực tế là, việc phát triển các khu công nghiệp đã lấy đi một diện tích đất rất lớn, mà chủ yếu là đất nông nghiệp trực tiếp tác động mạnh và sâu tới một bộ phận không nhỏ nông dân. Những năm qua đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng 24.091 ha đất nông nghiệp. Nếu tính cả phần diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng vào việc đô thị hóa xung quanh các khu công nghiệp thì con số này 32.600 ha. Đứng trên quan điểm phát triển, việc thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp là chủ trương đúng đắn, góp phần tích cực chuyển một bộ phận lao động ở nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp. Nhưng nếu xét riêng một bộ phận nông dân bị thu hồi đất, thì quá trình đó đang làm cho không ít nông dân đang bị mất đất, mất việc làm, không tìm được việc làm mới. Hệ quả là, có đến 74% số hộ nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long phải sống trong các nhà tranh, tre tạm bợ; 32% số hộ không có nước sạch dùng; 86% số hộ nghèo không có công trình vệ sinh; ở một số tỉnh trẻ em cấp tiểu học cơ sở phải đi từ 5 - 7 km bằng đường sông để đến trường trong mùa mưa lũ; còn có 4 tỉnh có tỷ lệ nghèo ở mức trên 20%, trong đó có nhiều xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% (3).

Một số giải pháp khắc phục

Để góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong quá trình phát triển các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, về thực hiện chính sách đền bù, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long cần khẩn trương thực hiện Nghị định số 69/NĐ-CP và Nghị định số 88/NĐ-CP của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho việc quy hoạch sử dụng đất tốt hơn. Các chính sách bồi thường khi thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư cần được quy định cụ thể sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước thực thi Luật Đất đai được minh bạch hơn, giá đất được tính sát với giá thị trường. Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, khi thu hồi đất, cần được công khai rõ ràng hơn. Làm tốt điều này người bị thu hồi đất giảm thiệt thòi, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài làm ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Thứ hai, về nguyên tắc, đền bù phải thỏa đáng và cân bằng giữa các lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân. Thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa mức đền bù giải phóng mặt bằng và mức đấu giá đất làm khu công nghiệp, khu đô thị - dịch vụ. Giả định mức giá đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất là 1; doanh nghiệp sau khi lấy đất, chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng hạ tầng đô thị - dịch vụ đem đấu thầu cho các nhà đầu tư thứ cấp với mức giá là 20; Nhà nước sẽ dùng công cụ thuế và phí điều tiết lại thu nhập (địa tô chênh lệch). Ví dụ, có thể tính theo công thức 4:5:11; tức Nhà nước hưởng 4 phần, nông dân hưởng 5 phần, doanh nghiệp hưởng 11 phần trong toàn bộ mức chênh lệch giá (tổng mức tăng giá).

Thứ ba, trách nhiệm của Nhà nước, nhà hoạch định chính sách phát triển khu công nghiệp là phải có chiến lược xử lý chủ động, tích cực vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động - việc làm trong nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Có 3 phương án khác nhau: Chuyển dịch tuyệt đối, đưa nông dân vào làm công nghiệp, dịch vụ ở thành thị hoặc đi xuất khẩu lao động nước ngoài, xuất khẩu lao động trong nước (gia công và làm cho doanh nghiệp FDI); chuyển dịch tương đối, “ly nông bất ly hương”; mở ra ngành nghề và dịch vụ kết hợp ngay trong nông thôn. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đồng bằng sông Cửu long có thể và cần kết hợp cả tất cả các phương án sao cho hài hòa, uyển chuyển, đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

Thứ tư, đột phá về thị trường và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản; hoàn thiện các thể chế lưu thông, nhất là đối với lưu thông lúa gạo, nông sản thực phẩm. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rất cần Nhà nước xây dựng và hoàn thiện các thể chế điều hành vĩ mô và tổ chức tốt các thể chế lưu thông thị trường để điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt. Trong ngành hàng lúa gạo, tiếp tục kiện toàn các tổ chức và thể chế cơ bản sau đây: a) hộ nông dân trồng lúa; b) các kênh đại lý thu mua lúa gạo; c) hợp tác xã hay Hiệp hội những người sản xuất lúa gạo; d) Nhà nước và cơ quan quản lý điều hành xuất nhập khẩu lúa gạo. Các tổ chức này tương tác và chế ước lẫn nhau, mà Nhà nước là trung tâm (đề ra luật chơi và điều hành, kiểm tra, giám sát). Trong bối cảnh giá gạo tăng cao, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước nên chuyển việc điều tiết bằng hạn ngạch hiện nay sang điều tiết bằng thuế xuất nhập khẩu, sẽ có lợi cho người sản xuất và ổn định được thị trường gạo trong nước./.