Măng Đen - “Đà Lạt thứ hai” ở miền Trung đang dần thành hiện thực
Với tiềm năng thiên nhiên đa dạng và đặc thù, có thể nói là lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái và văn hoá, Măng Đen - khu vực trung tâm của huyện Kon Plong (cách tỉnh lỵ Kon Tum hơn 50 km về phía đông bắc) được ví như “Đà Lạt thứ hai” đang hứa hẹn trong tương lai rất gần sẽ trở thành một trung tâm du lịch mới, hấp dẫn ở miền Trung và cả nước.
Tiềm năng để ước mơ thành hiện thực
Cũng như Đà Lạt hay Sa Pa, Măng Đen nằm trên độ cao trung bình khoảng 1.200 mét so với mặt biển, khí hậu mát mẻ với nhiệt độ trung bình quanh năm giao động từ 18 đến 20 độ C - đây là một đặc điểm có lợi thế lớn để Măng Đen trở thành một thành phố du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng khác hai địa danh trên, Măng Đen có vùng rừng nguyên sinh trùng điệp rộng lớn với hơn 100.000 ha gồm hàng loạt cây cổ thụ, những rừng cây gỗ quý hiếm như pơ-mu, cùng với khoảng 4.000 ha rừng thông bạt ngàn chạy dọc theo quốc lộ 24 nối liền các tỉnh duyên hải miền Trung với Tây Nguyên; bên cạnh đó là những loại dược liệu như trầm dó, quế, và những loài động vật hoang dã.., góp phần tạo nên tính đa dạng mà cũng rất đặc thù của Măng Đen. Len lỏi giữa rừng núi Măng Đen có rất nhiều suối thác như Đắc Re, Pa Sĩ, Lô Ba… và các hồ Toong Đam, Toong Dơ Ri, Tông Pô; các thác đá trong xanh như Đắc Ke, Pa Sĩ… làm nên những nét thơ mộng, kỳ ảo cho bức tranh thiên nhiên Măng Đen.
Với đặc thù của khí hậu và điều kiện tự nhiên kể trên, khu vực Măng Đen có khả năng cung cấp nhiều sản phẩm cho ngành du lịch, gồm các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi dưới tán rừng, các loại rau củ (khoai tây, ớt ngọt, bí ngồi, súp lơ, đậu Hà Lan…); một số loại cây ăn quả (hồng, vải, nhãn); các loài hoa xứ lạnh, đặc biệt là các loại hoa như cúc, sa lem, cẩm chướng, hồng, ba-by, địa lan, ly v.v.. Toàn huyện Kon Plong có 9 xã với 89 thôn; dân số tính đến cuối năm 2007 là 20.775 người. Từ lâu đời, các dân tộc thiểu số Mơ Năm, Ca Dong, H’Re… đã sinh sống quanh vùng cao Măng Đen, bên lòng hồ, suối thác hoặc dọc các triền sông với những căn nhà sàn nguyên sơ nương tựa rừng cây, có bến nước, nương rẫy kề cạnh và những ngôi nhà rông truyền thống. Trung tâm Măng Đen có di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Măng Bút, di tích sân bay dã chiến Măng Đen thời Pháp thuộc, sân bay quân sự Măng Bút thời Mỹ - ngụy, trong đó có hầm thông tin, hầm chỉ huy và các hào được xây dựng chủ yếu bằng đá, v.v..
Cao nguyên Măng Đen cách các bãi biển du lịch và ga tàu hỏa Bắc- Nam tại tỉnh Quảng Ngãi từ 120 đến 150 km; cách các trung tâm du lịch Đà Nẵng, Hội An, Quảng Nam từ 300 đến 350 km. Điều đáng nói là, quốc lộ 24 đã được bộ Giao thông vận tải giao cho Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư nâng cấp, mở rộng với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỉ đồng. Sân bay Plây-cu (tỉnh Gia Lai) cách Măng Đen khoảng 100 km; đường bộ từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Măng Đen khoảng 800 km.
Hàng lang kinh tế Đông - Tây đi qua quốc lộ 24 và thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y của tỉnh Kon Tum; từ đây, khách du lịch có thể tới các khu du lịch tại Tây Nguyên, trong đó có Măng Đen và tới các tỉnh miền Trung của Việt Nam, Nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia, đông bắc Thái Lan…
Những tín hiệu khả quan
Những năm gần đây, các tiềm năng, lợi thế nói trên của Măng Đen đang dần được đánh thức, nhất là khi Chính phủ quyết định bổ sung khu vực này vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2006-2015 và đồng ý phê duyệt để mở rộng toàn tuyến quốc lộ 24, trước mắt là cho phép triển khai ngay trong năm 2009 hai tiểu dự án mở rộng đèo VioLắc và đèo Măng Đen.
Với quyết tâm xây dựng Măng Đen trở thành Đà Lạt thứ hai ở miền Trung với thế mạnh vượt trội là phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, giải trí (câu cá, bơi thuyền, leo núi), v.v.. Bộ Văn hóa - Thông tin đã có Quyết định số 06/2000/QĐ-BVHTT, ngày 13-04-2000, phê duyệt công nhận di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen, xã Măng Cành, huyện Kon Plong.
Sở Thương mại và Sở Văn hóa Du lịch và Thể thao tỉnh Kon Tum cũng đã hoàn tất kế hoạch triển khai các dự án xây dựng khu du lịch này với 11 cụm, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án đó khoảng 2.000 tỉ đồng, trong đó, khoảng 75% dự kiến được thu hút từ các nhà đầu tư. Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư từ các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên... đã có mặt tại Măng Đen để triển khai các dự án xây dựng khu du lịch, như xây dựng khách sạn, trồng cây công nghiệp, nuôi cá hồi, xây dựng khu thực nghiệm và nghiên cứu sinh học...
Huyện Kon Plong cũng đang đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng nhằm phục vụ tốt nhất cho mục tiêu phát triển du lịch. Các tuyến đuờng vào những xã vùng sâu như Ngọc Tem, Măng Bút, Đắc Ring, Đắc Nên đang được gấp rút đầu tư xây dựng và mở rộng. Cùng với việc khơi dậy tiềm năng về du lịch, huyện đang tập trung ưu tiên mọi nguồn lực và xúc tiến kêu gọi đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu trung tâm huyện, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để đưa Măng Đen trở thành đô thị trọng điểm du lịch của tỉnh Kon Tum vào năm 2010, đồng thời trở thành đầu mối giao lưu giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Cơ chế của tỉnh Kon Tum mà huyện Kon Plong đang triển khai thực hiện là tập trung quy hoạch và làm đường, sau đó mời gọi các tổ chức, cá nhân đến cho thuê đất 50 năm với giá rất rẻ.
Năm 2006, những lô đất đầu tiên được kêu gọi đầu tư chỉ có giá 19 triệu đồng/lô (1.000 mét vuông). Chỉ sau một thời gian ngắn, đã có trên 150 lô biệt thự bên cạnh những con đường rất đẹp trong rừng thông và quanh các bờ hồ đã được nhanh chóng xây dựng, khoác lên mình Măng Đen chiếc áo mới cảnh quan mới lạ, bộn bề và không kém phần hấp dẫn. Năm 2008 này, tuỳ vào vị trí, các lô đất ở Măng Đen có giá từ 45 đến 90 triệu đồng. Điều kiện ràng buộc của huyện với các nhà đầu tư là phải xây dựng ngay trong 6 tháng, nếu không sẽ bị thu hồi đất. Cùng với nhiều con đường đang mở ra, có 190 lô đất biệt thự đã và đang được đưa vào mời gọi đầu tư.
Giấc mơ biến Măng Đen thành một “Đà Lạt thứ hai ở miền Trung” đang dần trở thành hiện thực, khi chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện, đã có 15 dự án lớn, trong đó có các dự án của các nhà đầu tư tầm cỡ thuộc ngành du lịch, như các dự án khách sạn 5 sao bên cạnh sân gôn 18 lỗ và các khu du lịch sinh thái; cùng với nhiều dự án về nuôi cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm, và các dự án về trồng rau, trồng hoa xứ lạnh, v.v.. đang được triển khai khá nhanh chóng và không kém phần sôi động ở Măng Đen./.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - thực trạng và những vấn đề đặt ra  (08/01/2009)
Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2008 qua những con số  (08/01/2009)
Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2008 qua những con số  (08/01/2009)
Phát triển văn hóa nghệ thuật trong cơ chế thị trường  (08/01/2009)
Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a  (07/01/2009)
Ngày vui chung của hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia  (07/01/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên