Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Thượng viện Bhutan và dự Hội nghị đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội
TCCSĐT - Ngày 13-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Thượng viện Bhutan Tashi Dorji đang ở thăm Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019; dự Hội nghị “Các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
*** Sáng 13-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Thượng viện Bhutan Tashi Dorji đang ở thăm Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019.
Thủ tướng chúc mừng những thành tựu mà Bhutan, đất nước nhỏ bé, dân số ít nhưng lại có chỉ số hạnh phúc cao nhất trên thế giới, đã đạt được.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ toàn diện, nhiều mặt với Bhutan. Hai nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, do đó có thể hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch Thượng viện Bhutan Tashi Dorji bày tỏ đây là chuyến thăm đầy ý nghĩa và nồng ấm đối với ông kể từ khi đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Thượng viện.
Chủ tịch Thượng viện Bhutan đánh giá cao công tác tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 của Việt Nam, bày tỏ mỗi thời khắc tại Việt Nam là thời khắc tuyệt vời.
Ông cho biết, Bhutan hiện chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với 36 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông nhất trí cho rằng, hai bên có nhiều nét tương đồng về cảnh quan, tôn giáo, con người, là điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ hai nước.
Chủ tịch Thượng viện Bhutan cho biết, phía Bhutan đang hợp tác, làm việc chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam trong việc thiết lập cơ chế tham vấn song phương giữa hai Bộ Ngoại giao.
Bhutan đang đẩy mạnh cải cách, cơ giới hóa nông nghiệp, do đó mong hợp tác với Việt Nam về nông nghiệp, bao gồm nhập khẩu máy móc nông nghiệp từ Việt Nam và học hỏi kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp.
Ông khẳng định, việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp giữa hai bên là hết sức quan trọng. Ông cho biết, lượng du khách Việt Nam sang thăm Bhutan ngày càng nhiều.
Đánh giá cao ý kiến của Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ông quan tâm thúc đẩy một số hoạt động, như thúc đẩy trao đổi, tiếp xúc cấp cao cũng như các cấp và giao lưu nhân dân.
Thủ tướng đề nghị hai bên sớm ký thỏa thuận miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và cơ chế tham vấn song phương giữa hai Bộ Ngoại giao để tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ trên nhiều lĩnh vực.
Trong bối cảnh hợp tác kinh tế, thương mại song phương còn khiêm tốn, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực Bhutan có nhu cầu như máy móc và phụ tùng ngành nông nghiệp và sản xuất, đồ gỗ nội thất.
Hai bên thúc đẩy hợp tác du lịch, các chuyến bay charter nhằm khai thác các điểm đồng về văn hóa, đặc biệt là Phật giáo; mong muốn phía Bhutan tiếp tục tạo điều kiện để công dân Việt Nam sinh sống, làm việc ở sở tại, đóng góp vào nền kinh tế Bhutan và làm cầu nối cho quan hệ hai nước.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trên lĩnh vực nông nghiệp với Bhutan.
Thủ tướng mong Bhutan sẽ tiếp tục ủng hộ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để hai nước có tiếng nói đồng thuận tại các tổ chức mà hai bên là thành viên.
*** Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị “Các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trì với sự tham dự của các nhà khoa học, các nhà quản lý và hoạch định chính sách.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là Hội nghị rất quan trọng để các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Từ góc độ khách quan, khoa học, Thủ tướng mong muốn Hội nghị sẽ bàn luận, góp ý thẳng thắn, chân thành và đề cập đến ba vấn đề chính: Đánh giá, thực trạng kinh tế đất nước; làm rõ những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới hiện nay tác động đến Việt Nam, tập trung xem xét một số hạn chế, điểm nghẽn lớn của mô hình tăng trưởng cũ, nếu không khắc phục sẽ làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tới; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị về định hướng chiến lược tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Phó Giáo sư - Tiến sỹ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn chỉ ra năm điểm hạn chế về kinh tế.
Dù tăng trưởng cao, nhưng từ năm 2011 - 2020 mục tiêu tăng trưởng 7% vẫn chưa đạt được, trong giai đoạn tới cần giữ được mức cũ và tăng trưởng cao hơn.
Nguồn gốc của tăng trưởng trong các năm 2011 - 2018 chủ yếu dựa vào vốn, tỷ lệ chi ngân sách cho khoa học công nghệ có xu hướng giảm (năng lực sáng tạo của Việt Nam xếp hạng ở cuối nhóm; mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp); chất lượng lao động còn thấp, mức tăng năng suất lao động thua khá xa so với các nước trong khu vực, cơ cấu lao động không hợp lý, thừa thầy thiếu thợ, đào tạo nhiều tiến sỹ, thạc sỹ...
Đặc biệt, việc cải thiện thể chế dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng còn thua các nước khu vực Đông Nam Á (cụ thể như chỉ số hiệu quả của Chính phủ; chỉ số kiểm soát tham nhũng...).
Hơn nữa, việc thực hiện tăng trưởng xanh còn hạn chế, ô nhiễm môi trường còn tiếp diễn. Do vậy, thời gian tới Việt Nam cần tạo các đột phá chính: Đột phá về tính ưu tiên (để bảo đảm tăng trưởng nhanh, sáng tạo và bền vững cần ưu tiên phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng giai đoạn tới); đột phá về nhân lực (phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao và có kỹ năng phù hợp); đột phá về động lực của tăng trưởng (tận dụng cơ hội của kỷ nguyên số và xu hướng chuyển đổi số)...
Đóng góp về lĩnh vực xã hội, Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng Việt Nam vẫn coi nhẹ phát triển xã hội so với phát triển kinh tế.
Về thể chế, hiện nay chưa có bộ máy quản lý tổng thể về vấn đề phát triển và quản lý xã hội theo đúng nghĩa, vai trò giám sát, tham gia của xã hội trong quá trình triển khai quản lý xã hội còn yếu kém... Do đó, muốn phát triển nhanh và bền vững cần đổi mới, hoàn thiện an sinh xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển mới.
Còn theo ý kiến của Tiến sỹ Võ Đại Lược, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam vẫn là cơ chế “xin cho”, tham nhũng, lãng phí còn nhiều. Trong khi đó, các nền kinh tế trên thế giới dựa doanh nghiệp tư nhân là nền tảng.
Việt Nam cần tạo bước phát triển đột phá, tăng trưởng mạnh hơn nữa, cần có chiến lược trọng dụng nhân tài. Đặc biệt là cần coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng bậc nhất của tăng trưởng, xóa bỏ các loại độc quyền trong tiếp cận các nguồn lực (trừ lĩnh vực an ninh quốc phòng) và tiếp cận cơ hội phát triển, đảm bảo công bằng, minh bạch cho tất cả các thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm xác định lại các điều kiện, thời cơ để tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế dựa trên các xu hướng mới và trên nền tảng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với tư duy mới, sáng tạo, hiện đại và tiến bộ...
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hội nghị đã có những góp ý rất khoa học và hiệu quả cho báo cáo của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, trong đó đã đề câp, thảo luận nhiều vấn đề mở, sát thực tế, có nhiều phát hiện mới. Tuy nhiên, Hội nghị nên đề cập, đánh giá nhiều điểm sáng của nền kinh tế, tìm ra các giải pháp tạo động lực phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế, cụ thể cần chú trọng phát triển hơn lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, du lịch, văn hóa, xã hội...
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực, năng suất lao động để nền kinh tế không “tụt hậu” so với các nước trong khu vực, bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 06 đến ngày 12-5-2019  (13/05/2019)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến 12-5-2019)  (13/05/2019)
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về điều tra dân số  (13/05/2019)
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về điều tra dân số  (13/05/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam