Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri và làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng
TCCSĐT - Ngày 10-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã có buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và tham dự các hoạt động kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13-5)
*** Ngày 10-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã có buổi tiếp xúc, gặp gỡ cử tri huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng để báo cáo tóm tắt dự kiến chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV và hoạt động của Ðoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng từ kỳ họp thứ sáu đến nay; đồng thời tiếp thu, giải đáp các kiến nghị của cử tri một số vấn đề về chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Báo cáo tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc vào ngày 20-5 kết thúc ngày 14-6 tới.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Từ sau kỳ họp thứ sáu đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tổ chức 11 cuộc giám sát, khảo sát về 4 chuyên đề; tổ chức 8 hội nghị tiếp xúc cử tri tại các quận, huyện; tiếp 40 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận 21 đơn thư của công dân.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã nhận được văn bản của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương trả lời 82/82 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ủy ban Nhân dân thành phố đã trả lời 32/32 nội dung kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng.
Cử tri huyện Kiến Thụy hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tại Kỳ họp thứ sáu. Đồng thời, bày tỏ phấn khởi trước những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố đã đạt được trong những năm qua.
Những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng hiệu quả, bám sát đời sống dân sinh, tạo nên nhiều chuyển động tích cực ở các cấp, các ngành. Cán bộ, đảng viên đã nỗ lực công tác với tinh thần vì một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Cử tri Phạm Văn Kiểm, thị trấn Núi Đối chia sẻ, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhất là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã luôn sâu sát với cơ sở, với nhân dân; quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Nhờ vậy, đất nước ta vẫn tiếp tục vững bước đi lên và đạt được nhiều thành tựu to lớn; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.
Tuy nhiên, cử tri Phạm Văn Kiểm còn băn khoăn trước những khó khăn của nền kinh tế đất nước, nhất là những tác động bất lợi từ tình hình kinh tế thế giới; bên cạnh đó sự thay đổi về mô hình tăng trưởng của nền kinh tế nước ta chưa cao; cơ cấu kinh tế vẫn phụ thuộc không nhỏ vào sản xuất nông nghiệp và khu vực nhà nước.
Cử tri mong muốn Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp, có những giải pháp quyết liệt hiệu quả hơn, để thực hiện thắng lợi toàn diện mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh - xã hội của đất nước trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Cử tri Nguyễn Văn Thơm, thị trấn Núi Đối bày tỏ phấn khởi khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cử tri đề nghị Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết số 45 đã đề ra. Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương có kế hoạch, chương trình cụ thể phối hợp chặt chẽ với thành phố Hải Phòng trong việc triển khai nghị quyết, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược kết nối liên vùng.
Về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động của Hợp tác xã, cử tri Nguyễn Thị Hà, xã Thụy Hương đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xem xét trong thời gian tới có chính sách đào tạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, nhất là định hướng đầu ra sản phẩm nông nghiệp trên thị trường; đồng thời quan tâm đến chế độ, chính sách đối với cán bộ Hợp tác xã, để các hợp tác xã hoạt động hiệu quả cao đáp ứng với yêu cầu và để Luật Hợp tác xã đi vào cuộc sống.
Quan tâm tới những vấn đề cải cách thủ tục hành chính, khởi nghiệp của giới trẻ, xây dựng bộ máy nhà nước chuyên chính vì dân, xây dựng nông thôn mới…, các cử tri Phạm Văn Thơm (xã Minh Tân), Chung Nhật Lệ (Huyện Đoàn Kiến Thụy), Trịnh Thị Thu Huyền (ngành Tổ chức - Nội vụ huyện Kiến Thụy), Đặng Nam (thị trấn Núi Đối) đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ hơn để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững, nhất là có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tiễn nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới.
Nhiều cử chi đề nghị Chính phủ có chính sách phát triển mạng lưới giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt xây dựng các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học chất lượng cao tại Hải Phòng.
Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu sớm sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị định liên quan cho phù hợp với Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Từ đó, giúp bảo đảm tính pháp lý, tính đồng bộ liên thông từ Trung ương đến địa phương.
Cảm ơn những ý kiến đóng góp của cử tri huyện Kiến Thụy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự quan tâm, theo dõi sát sao của cử tri đối với các Kỳ họp Quốc hội và công tác quản lý, điều hành Chính phủ. Điều này thể hiện trách nhiệm của người công dân đối với tình hình đất nước.
Ghi nhận những kiến nghị, nguyện vọng của cử tri được nêu ra tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng cho rằng đây là những ý kiến chính đáng, thẳng thắn, đầy trách nhiệm, có tầm nhìn xa với mục tiêu chung là chung tay cùng các cơ quan chính quyền đưa đất nước tiến lên. Những ý kiến này góp phần tạo niềm tin cho cán bộ các cấp từ Trung ương đến địa phương trong quá trình quản lý, điều hành.
Thông tin đến cử tri những nét chính về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh các cân đối lớn của nền kinh tế, dự trữ quốc gia và các mặt của đời sống xã hội được Đảng và Nhà nước chăm lo, quan tâm. Quốc phòng an ninh được bảo đảm, đặc biệt công tác xây dựng Đảng được chăm lo, có nhiều thành công lớn.
Công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện hết sức quyết liệt, mang lại niềm tin lớn trong nhân dân. Niềm tin của nhân dân đối với đất nước ngày được củng cố.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng năm 2018, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 16,25%, cao nhất từ trước đến nay và gấp hơn 2,4 lần bình quân cả nước. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của thành phố là 4.277 USD/năm. Nhiều dự án lớn được thực hiện ở Hải Phòng cho thấy sức hấp dẫn của một thành phố Cảng văn minh, năng động, hiện đại.
Thành công của Hải Phòng trong nhiệm kỳ qua, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao về sự phát triển toàn diện, nội bộ lãnh đạo thành phố đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Đại hội Đảng thành phố lần thứ XV với những bước đi, cách làm quyết liệt, sáng tạo, bền bỉ, với những giải pháp đồng bộ.
Thủ tướng nhấn mạnh, cái gốc cuối cùng của sự phát triển là để phục vụ người dân, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần nhân dân tốt hơn nữa. Hải Phòng đã cùng cả nước thực hiện tốt điều này.
Với Kiến Thụy, Thủ tướng đánh giá huyện là địa phương có văn hóa lịch sử lâu đời, địa linh nhân kiệt nổi tiếng không chỉ của Hải Phòng mà của cả nước. Nhiều chỉ tiêu quan trọng của thành phố giao cho Kiến Thụy đã hoàn thành, nhất là các mục tiêu kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng được quan tâm thực hiện.
Để tạo sức bật mới, xứng đáng với truyền thống, với sự phát triển chung của thành phố Hải Phòng, Thủ tướng đề nghị Hải Phòng tiếp tục đầu tư đồng bộ hơn nữa, nhất là hệ thống giao thông để Kiến Thụy phát triển, phát huy tiềm năng lợi thế.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng nâng cao tay nghề, năng suất lao động; sử dụng đất đai hiệu quả hơn, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các dịch vụ khác; phát triển hệ thống giao thông, đón bắt thời cơ đường ven biển đi qua.
*** Chiều cùng ngày, nhân dịp tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và tham dự các hoạt động kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13-5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành báo cáo với Thủ tướng những kết quả toàn diện mang tính đột phá trên mọi lĩnh vực, đưa Hải Phòng vượt qua giai đoạn trầm lắng, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2019 của Hải Phòng tăng 15,05%; thu ngân sách nội địa đạt 8.523,6 tỷ đồng, tăng 33,7%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 23,01%; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,38 tỷ USD, tăng 25,52%. Hải Phòng có 9 chỉ tiêu kinh tế chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố đã đề ra cho năm 2020 đều hoàn thành trước thời gian.
Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn gặp phải những bất cập, khó khăn trong quá trình xây dựng, phát triển, như vấn đề hệ thống giao thông nội đô, hệ thống giao thông kết nối vùng của Hải Phòng hiện đã quá tải, không đáp ứng được yêu cầu; quỹ đất các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Hải Phòng còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư các doanh nghiêp trong và ngoài nước vào thành phố thời gian tới.
Từ thực tế của thành phố, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành kiến nghị với Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời mong muốn sớm được quan tâm triển khai các công trình giao thông trọng điểm kết nối cảng Hải Phòng với các địa phương như: Đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. Đây là tuyến giao thông rất quan trọng liên quan tới việc xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng biển quốc tế Lạch Huyện.
Những vấn đề khác như: Triển khai xây dựng các bến còn lại của cảng biển quốc tế Lạch Huyện, mở rộng nhà ga hành khách, ga hàng hóa cảng hàng không quốc tế Cát Bi; cho phép mở rộng khu công nghiệp Tràng Duệ; sớm ban hành Nghị định hướng dẫn về thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT… cũng được thành phố Hải Phòng kiến nghị với Thủ tướng quan tâm xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và sớm giải quyết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành Trung ương và báo cáo của thành phố, cho rằng sự phát triển đột phá, mạnh mẽ thời gian qua của Hải Phòng là minh chứng cho sự quyết liệt, sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị theo hướng phục vụ cho phát triển, vì lợi ích nhân dân. “Những kết quả của Hải Phòng mới chỉ là bước đầu, chưa phải là đỉnh cao. Hải Phòng vẫn còn một số bất cập và đang đứng trước nhiều thách thức. Do đó, Hải Phòng không được chủ quan, không thể tạm dừng lại mà cần đầu tư, dày công suy nghĩ, tập trung nguồn lực lớn để phát triển”, Thủ tướng nói.
Gợi mở hướng phát triển bền vững cho Hải Phòng, Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư phát triển công nghệ và thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Hải Phòng phải là một trong những thành phố đi đầu trong nền kinh tế số của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng quan tâm đến dịch vụ logistic, hướng tới trở thành trung tâm dịch vụ logistic lớn nhất; phát triển cảng biển hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; thu hút thêm nhiều hãng hàng không, mở thêm nhiều chuyến bay nội địa và quốc tế đến sân bay quốc tế Cát Bi.
Ngoài ra, Hải Phòng cần tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng du lịch, dịch vụ với tầm vóc cao hơn, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực xã hội hóa với các khách sạn tiêu chuẩn, khu nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí cao cấp và tạo ra những sản phẩm đặc sắc riêng Hải Phòng.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm, lãnh đạo Hải Phòng cần suy nghĩ về chiến lược, lộ trình để có tầm nhìn xa hơn, từ đó chỉ đạo thành phố tiếp tục phát triển, hướng tới trở thành thành phố văn minh, hiện đại, bền vững ngang tầm các thành phố trong khu vực châu Á.
Thủ tướng tin tưởng những thành công ấn tượng, quan trọng, toàn diện của Hải Phòng thời gian qua sẽ tạo đà cho thành phố tiếp tục thực hiện tốt và toàn diện hơn những chỉ tiêu đã đề ra trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ; đồng thời chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ tới.
*** Nhân chuyến công tác tại Hải Phòng, chiều cùng ngày, Thủ tướng đã dự lễ khởi công xây dựng nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao Haphofood tại Cụm công nghiệp huyện Tiên Lãng và cắt băng khai trương 3 đường bay từ Hải Phòng đi Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ của hãng hàng không Bamboo Airways./.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh thăm và làm việc tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo)  (10/05/2019)
Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân  (10/05/2019)
Bế mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/05/2019)
Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam  (10/05/2019)
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ tăng công suất sản xuất sợi DTY lên 900 tấn/tháng  (10/05/2019)
Nâng cao ý thức chính trị cho thanh niên Công an nhân dân hiện nay  (10/05/2019)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên