Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận đóng góp của cử tri

An An (tổng hợp từ TTXVN)
22:27, ngày 02-05-2019
TCCSĐT - Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, ngày 02-5-2019, các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có buổi tiếp xúc cử tri tại các tỉnh Yên Bái, Lâm Đồng, Tây Ninh, Quảng Ngãi.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tiếp xúc cử tri tỉnh Yên Bái

Tại Yên Bái, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tiếp xúc cử tri tại các phường Nam Cường, Nguyễn Phúc và Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái). Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, đại biểu Triệu Thị Huyền đã thông tin với cử tri về chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp này dự kiến sẽ khai mạc từ ngày 20-5 và bế mạc vào ngày 14-6.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri thành phố Yên Bái đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho các địa phương được tiếp cận các nguồn vốn ODA, để nâng cấp hạ tầng đô thị, đảm bảo an sinh xã hội và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm xem xét, giải quyết để địa phương tổ chức thực hiện các dự án một cách kịp thời. Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ hơn kết quả thực hiện những cam kết của người được chất vấn đã trả lời cử tri tại các kỳ họp; có biện pháp để giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; vấn đề bạo lực học đường và sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái,
Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong thời gian qua tỉnh Yên Bái đã quan tâm đầu tư các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn WB, ODA, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; xây dựng đô thị thành phố Yên Bái trở thành đô thị động lực, kết nối tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tỉnh hiện tại cũng đang tập trung đầu tư xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị thông minh để người dân, doanh nghiệp có thể tương tác tốt hơn với chính quyền.

Về nhóm vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, sử dụng rượu bia…, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong trường học và xã hội; tăng cường các giải pháp phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm. Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sớm giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để Yên Bái tập trung xây dựng và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được phê duyệt.

Tiếp thu và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định, hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua ngày càng được đổi mới, sôi động, đáp ứng được những yêu cầu và nguyện vọng của cử tri; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra dân chủ, công khai và được truyền hình trực tiếp, qua đó nhận được sự quan tâm theo dõi và giám sát của cử tri. Đồng chí mong muốn cử tri tăng cường công tác giám sát các hoạt động của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và chính quyền các cấp để hoạt động của Quốc hội và chính quyền các cấp được tốt hơn. Cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị cán bộ, đảng viên tỉnh Yên Bái đề cao tinh thần gương mẫu trong việc thực hiện cấm sử dụng rượu bia theo quy định.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tiếp xúc cử tri tỉnh Lâm Đồng

Tại Lâm Đồng, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và các thành viên Đại biểu Quốc hội thuộc Tổ 2, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Lộc Thanh (thành phố Bảo Lộc) và xã Hòa Ninh (huyện Di Linh) trước Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc các đại biểu đã lắng nghe những ý kiến của cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục ở địa phương. Đặc biệt, nhiều cử tri quan tâm đến những sự kiện quan trọng của đất nước, những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt như ô nhiễm môi trường, tệ nạn tham nhũng, thực trạng tàn phá rừng ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Những vấn đề mang tính thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân như giá xăng tăng liên tục, cách tính giá điện mới quá cao khiến người tiêu dùng bức xúc, giá nông sản xuống thấp (như cà phê, tiêu ở Tây Nguyên) cũng được đông đảo cử tri đóng góp ý kiến cho các đại biểu Quốc hội.

Thay mặt các đại biểu Quốc hội, đồng chí Trương Thị Mai đã tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri và sẽ chuyển đến Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Đồng chí Trương Thị Mai cũng chia sẻ về những vấn đề mà cử tri quan tâm, giải thích những chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề phòng chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, chống phá rừng… Tại buổi tiếp xúc cử tri, một số ý kiến liên quan đến tỉnh Lâm Đồng đã được lãnh đạo địa phương trực tiếp giải đáp, đồng thời đưa ra những giải pháp xử lý các vấn đề cử tri kiến nghị.

Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên tiếp xúc cử tri tỉnh Tây Ninh


Tại Trung tâm Văn hóa sinh hoạt cộng đồng xã An Hòa (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Đình Chung, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, Đại biểu Quốc hội đơn vị số 1, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đã có buổi tiếp xúc cử tri khối huyện, cụm liên xã của huyện Trảng Bàng để báo cáo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV; kết quả trả lời của một số cơ quan, bộ, ngành trung ương và địa phương đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri trong các đợt tiếp xúc kỳ trước, đồng thời ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc và cho rằng, các ý kiến nêu lên đều rõ ràng và có trách nhiệm; những ý kiến tiếp thu, giải trình của các ngành, địa phương về những vấn đề có liên quan cũng cụ thể, thể hiện trách nhiệm cao.

Lắng nghe phản ánh của cử tri về tình hình an toàn giao thông, tai nạn giao thông, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng tai nạn giao thông cả nước nước ngày một giảm về số vụ, nhưng tính chất và số người chết vẫn còn rất cao, rất đáng lo ngại. Chính phủ và các địa phương cũng đang quyết tâm dùng nhiều biện pháp tổng hợp để ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế và kéo giảm tình trạng này. Về việc cử tri đề nghị xem xét lại việc cấp phép cho các công ty đòi nợ thuê sẽ gây phức tạp xã hội, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, việc đòi nợ thuê của các công ty đòi nợ cũng có quy định của pháp luật, nhưng đòi nợ theo xã hội đen thì pháp luật không cho phép, là vi phạm.

Về ý kiến của cử tri cho rằng tình trạng xâm hại trẻ em là nỗi bức xúc chung của người dân hiện nay, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện nay không chỉ chính quyền, các cơ quan bảo vệ pháp luật mà các cơ quan nghiên cứu, tổ chức chính trị xã hội và người dân đều đang bức xúc. Về việc này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp và cho ý kiến; một số cơ quan của Quốc hội cũng đặt vấn đề để có hướng khắc phục, phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này càng sớm, càng tốt. Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên lưu ý, một huyện tập trung nhiều khu công nghiệp như Trảng Bàng có đến gần 50.000 lao động như hiện nay sẽ phát sinh nhiều yếu tố phức tạp, nên các ngành chức năng cần quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội và môi trường.

Những vấn đề cử tri phản ánh liên quan đến trách nhiệm của địa phương như: môi trường tại các khu công nghiệp, nguồn nước ô nhiễm xung quanh các khu công nghiệp, tình hình thiếu giường bệnh, trang thiết bị và thái độ phục vụ gây bức xúc của người dân tại các bệnh viện; vấn đề quản lý đất đai, thi hành án dân sự, giao thông, giá điện… Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, huyện cần nghiêm túc tiếp thu, xem xét xử lý theo thẩm quyền và trách nhiệm của mình, theo dõi và xử lý sự việc đến nơi, đến chốn, có thời gian rõ ràng, tránh tình trạng né tránh như có ý kiến cử tri đã nêu tại buổi tiếp xúc này.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tiếp xúc cử tri tỉnh Quảng Ngãi

Tại Quảng Ngãi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi gồm các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Thị Thu Trang, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc cử tri tại Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghiệp nặng Doosan Việt Nam và cử tri của hai xã Bình Đông, Bình Thuận huyện Bình Sơn.

Tại các buổi tiếp xúc đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã thông báo nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV và báo cáo tóm tắt về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghiệp nặng Doosan Việt Nam đại diện cử tri đã có nhiều ý kiến, kiến nghị tập trung vào các vấn đề: hoạt động công đoàn cần có nhiều hoạt động vui chơi hơn cho người lao động; hiện tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp khiến nhiều lao động gặp khó khăn; tiền lương cho người lao động còn thấp, đề nghị tăng giờ làm thêm và tiền làm thêm giờ; do thuế của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Doosan cao hơn các công ty khác khi nhập thiết bị từ nước ngoài về Việt Nam nên khó cạnh tranh khi đấu thầu, mong các cơ quan chức năng có ưu tiên cho doanh nghiệp để giảm thuế. Cử tri cũng cho rằng hiện có nhiều phương tiện giao thông của các công ty dăm gỗ, phương tiện chở vật liệu xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất phóng nhanh, vượt ẩu, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông; dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi chậm hoàn thành gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân; nhiều công trình xây dựng lều quán trái phép bên ngoài công ty ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự...

Các cử tri hai xã Bình Đông, Bình Thuận đã có nhiều kiến nghị như: Quốc hội cần có sự điều chỉnh về Luật Cán bộ, công chức để có sự liên thông giữa công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh, huyện; có hình thức xử lý, xử phạt nghiêm đối với những vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người dân; chi phí khám chữa bệnh tăng trong khi chất lượng khám chữa bệnh chưa tăng khiến người bệnh bức xúc; một số hộ dân sống gần các nhà máy, xí nghiệp đang phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn, nước thải bẩn. Cử tri cũng đề nghị cần có chính sách cấp sổ đỏ cho những hộ khai hoang trước năm 1989; đề nghị cho cơ chế để các xã nằm trong Khu kinh tế Dung Quất có hai Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã bởi nơi đây dân số đông, số lượng công nhân tập trung nhiều...

Tại các buổi tiếp xúc đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận, đánh giá cao những kiến nghị của các cử tri; đồng thời giải đáp, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền mà cử tri kiến nghị. Những vấn đề vượt thẩm quyền, Đoàn sẽ chuyển Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương nghiên cứu, giải quyết theo quy định./.