Thủ tướng gặp mặt các diễn giả, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn 4.0
Trước thềm Lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2018, chiều 12-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt, làm việc với các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế và đại diện các doanh nghiệp tham dự sự kiện công nghệ quan trọng này.
Cùng dự buổi gặp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp, diễn giả đánh giá cao tầm quan trọng và vai trò của Chính phủ đối với việc định hướng, phát triển công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Các ý kiến bày tỏ tin tưởng thủ tướng và Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách kịp thời, đi tắt đón đầu nhằm đẩy nhanh tốc độ, tạo sự khác biệt với các dấu ấn về chính sách, trí tuệ nhân tạo. Các diễn giả đề xuất chính phủ cần tạo ra một sự đồng thuận rộng rãi trong toàn xã hội, tạo ra những “cơ hội số” mạnh mẽ để doanh nghiệp và mỗi người dân cùng tham gia vào cuộc cách mạng to lớn về công nghệ này.
Giới thiệu những thế mạnh trong các lĩnh vực như công nghệ số, tự động hóa, xây dựng thành phố thông minh…, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn chính phủ đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để cung cấp cho các doanh nghiệp, nhất là nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn chính phủ xây dựng chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin; tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính, giảm đầu mối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong triển khai, ứng dụng công nghệ mới.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Việt Nam sẽ nghiên cứu, xây dựng những chính sách pháp lý đặc thù theo mô hình “môi trường pháp lý 4.0” để tạo điều kiện rộng mở cho các doanh nghiệp, người dân nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm công nghệ trong thời gian tới.
Trân trọng các ý kiến góp ý tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý nghĩa to lớn của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0, nhất là trong bối cảnh ở nhiều nơi còn chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng này.
Bày tỏ hy vọng, Diễn đàn sẽ đưa ra lời giải cho câu hỏi làm thế nào để Việt Nam có thể thành công trong cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng mong muốn các diễn giả, đại biểu, doanh nghiệp sẽ đưa ra những khái niệm cụ thể về cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời đóng góp tích cực vào việc hoạch định chủ trương, chính sách, giải pháp để Việt Nam chủ động bắt nhịp với cuộc cách mạng này, làm cơ sở để áp dụng, triển khai trong thực tế.
Cảm ơn những chia sẻ chân thành, góp ý quan trọng của các diễn giả, doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam là quốc gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với 16 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng GDP cao và chịu sự tác động mạnh của những biến động của kinh tế thế giới trong đó có cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo. Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Đây là những điều kiện quan trọng để Việt Nam tiếp tục hình thành và hoàn thiện chính sách, hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện nhanh chóng cho việc phát triển cách mạng khoa học công nghệ nói chung và cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng.
Thủ tướng nêu rõ, đến thời điểm này hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn thiện, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm…Thông tin với các diễn giả, doanh nghiệp về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2017 của Việt Nam tăng 12 bậc, năm 2018 tăng thêm 2 bậc, Thủ tướng thẳng thắn cho biết, Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện.
Điều này đòi hỏi cần có những phương án triển khai nhanh chóng và quyết liệt hơn, tạo ra sự khác biệt nhằm nâng cao tốc độ áp dụng công nghệ thông tin, nhất là trong đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, doanh nghiệp để có thể bắt kịp các quốc gia có thế mạnh về công nghệ trong khối ASEAN.
Thủ tướng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những cơ hội mới để phát triển nhưng đồng thời sẽ làm nảy sinh những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, dân tộc, doanh nghiệp và mỗi cá nhân.
Do đó, mỗi doanh nghiệp, người dân cần nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề này để từ đó, nghiên cứu, triển khai, áp dụng mạnh mẽ hơn nữa các thành tựu của khoa học công nghệ.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích, ưu đãi, thu hút nhiều hơn nữa các chuyên gia, nhà khoa học, các loại hình doanh nghiệp trong và ngoài nước có thế mạnh về công nghệ để cùng tiến bước trong cách mạng công nghiệp 4.0./.
Bộ Chính trị kỷ luật hai đồng chí Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son  (12/07/2018)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên