TCCSĐT - Ngày 26-6, ngay sau khi trực tiếp thị sát tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh tỉnh Lai Châu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu và huyện Tam Đường.

Tại buổi làm việc, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt thiên tai vừa qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị chết, mất tích.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay mới là đầu mùa mưa lũ, thời gian tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường; để nhanh chóng khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra, các bộ, ngành Trung ương phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu và các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 2 và các lực lượng đóng chân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.

Các bộ: Bộ Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, bảo đảm thông tuyến nhanh nhất; bảo đảm cơ số thuốc dự phòng, tổ chức khám chữa bệnh và tập trung cứu chữa miễn phí đối với những người bị thương; bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là học sinh đang thi tốt nghiệp; đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, khôi phục sản xuất nông nghiệp; vận hành an toàn các hồ đập thủy điện...

Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét các vùng miền núi, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, lập bản đồ cảnh báo thiên tai làm cơ sở cho việc rà soát quy hoạch bố trí, sắp xếp lại dân cư, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người mất tích. Các địa phương, lực lượng chức năng di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói.

Các lực lượng chức năng, các địa phương bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu, không để thiệt hại đáng tiếc về người; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ. Các lực lượng tại địa phương phải chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công trình hạ tầng hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, bệnh viện, trường học, công trình giao thông, thủy lợi, điện để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân.

Tính đến trưa ngày 26-6-2018, mưa lũ đã làm 17 người chết, 11 người mất tích, thiệt hại hơn 140 tỷ đồng. Thiệt hại về tài sản, nhà bị đổ, cuốn trôi: 83 nhà (Hà Giang: 26 nhà; Lai Châu: 26 nhà; Thái Nguyên: 24 nhà; Điện Biên: 7 nhà); nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp: 508 nhà; nhà bị ngập nước: 962 nhà.

Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản: thiệt hại 1.207 ha lúa và hoa màu; bị cuốn trôi, chết 97 con gia súc, 5.400 con gia cầm bị chết và 46 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông, cụ thể: Tại Lai Châu: quốc lộ 4D; Quốc lộ 32; Quốc lộ 279; quốc lộ 4H; quốc lộ 4C; tỉnh lộ 127; tỉnh lộ; tỉnh lộ 129B; tỉnh lộ 136; tỉnh lộ 133 đoạn Km2-K72; tỉnh lộ 134; 03 cầu treo, 03 cầu bê tông nhỏ bị lũ cuốn trôi.

Tại Hà Giang: quốc lộ 4C; quốc lộ 279, ỉnh lộ thuộc địa phận xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ; đường Xín Cái - Sơn Vĩ đến Mèo Vạc; một số tuyến đường liên xã thuộc huyện Yên Minh: Ngam La, Hữu Vinh - Sủng Cháng, Ngán Chải - Sủng Là, Tráng Kìm - Đường Thượng.

Tại Lào Cai: quốc lộ 279 tại Km140+300, Km144+350 qua huyện Văn Bàn.

Tại Điện Biên: một số tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé.

Đến sáng 26-6 về cơ bản các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đã được khắc phục tạm thời để thông xe. Hiện còn tuyến QL12 tại Km10, Km56, Km63 hiện vẫn bị ách tắc do đá rơi, sạt trượt; QL4H tại cầu Hua Bum Km303+60 bị đứt đường dẫn, dự kiến đến 27-6 mới thông xe.

Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 141 tỷ đồng (Hà Giang: 25 tỷ đồng, Lai Châu: 95 tỷ đồng, Thái Nguyên: 0,32 tỷ đồng, Lào Cai: 6,3 tỷ đồng, Cao Bằng 0,16 tỷ đồng, Điện Biên: 2 tỷ đồng, Tuyên Quang: 10 tỷ đồng).

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành văn bản số 274/TWPCTT-VP gửi Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai và chủ tịch UBND các Huyện nằm trong khu vực lũ quyét sạt lở đất yêu cầu tăng cường thông tin truyền thông cảnh báo người dân về tình hình sạt lở và khuyến cáo các kỹ năng phòng tránh lũ quyét sạt lở đất nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản trong diễn biến phức tạp của mưa lũ.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, gây sạt lở, chia cắt nhiều nơi và làm thiệt hại về người, tài sản, đặc biệt là các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu; Bộ Y tế đã có công điện số 614/ CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang và các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực phía Bắc yêu cầu triển khai công tác y tế trong ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố có tên trên và các đơn vị thuộc Bộ khu vực phía Bắc cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, triển khai công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ, tập trung cùng các cấp, ban ngành tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, tuyệt đối không để người dân bị đói, bị thiếu thuốc khi ốm đau.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương củng cố lại những cơ sở y tế bị ảnh hưởng do mưa lũ, đảm bảo lại cơ sở vật chất để nhanh tróng phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng ảnh hưởng.

Đồng thời tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất.

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mưa lũ cần chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như: sốt xuất huyết, đau mắt đỏ và những bệnh về đường tiêu hóa…; chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra./.