Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực
TCCSĐT - Trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng, chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua yêu nước ở trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta với những nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, phù hợp và đã đem lại hiệu quả thiết thực.
1- Tháng 8-1945, trong hoàn cảnh kinh tế, tài chính của chính quyền cách mạng non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động các phong trào “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo cứu đói”. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến. Ngày 27-3-1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
Lời kêu gọi thi đua của Người không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước trong quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn có giá trị chỉ đạo, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, với cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và rất sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến một cách toàn diện những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một phong trào thi đua yêu nước từ mục đích, yêu cầu, nội dung, cách làm, lực lượng đến kết quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của thi đua ái quốc là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Trong bối cảnh tình hình đất nước lúc đó thì cả 3 loại giặc này đều nguy hiểm, phải “diệt” để bảo đảm cho sự giải phóng, tồn tại và phát triển của đất nước, của nhân dân, của chế độ mới. Để thực hiện mục đích đó, Người yêu cầu mọi người dân Việt Nam, cả sĩ, nông, công, thương, binh phải “Làm cho mau. Làm cho tốt. Làm cho nhiều”. Yêu cầu đó không chỉ đặt ra về mặt số lượng, chất lượng mà còn xác định cả yêu cầu về thời gian thực hiện.
Để thực hiện mục đích và yêu cầu thi đua ái quốc, thấm nhuần sâu sắc quan điểm Mác - Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, vận dụng kinh nghiệm của ông cha ta về sức mạnh của nhân dân trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra cách làm là dựa vào, lực lượng của dân, tinh thần của dân và phải đem lại hạnh phúc cho dân mới động viên, cổ vũ, khích lệ được dân đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ rõ lực lượng thi đua ái quốc là mọi người dân Việt Nam cả “sĩ, nông, công, thương, binh”, không bất kể “già, trẻ, trai, gái”, mà Người còn chỉ rõ hoạt động thi đua ái quốc phải được diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỗi người dân Việt Nam đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, nhằm thực hiện khẩu hiệu “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Đồng thời, Người còn chỉ rõ, thi đua ái quốc phải được thể hiện trong sự kết hợp, gắn bó chặt chẽ giữa nhiệm vụ “kháng chiến” nhằm thực hiện mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ chế độ xã hội mới với nhiệm vụ “kiến quốc”, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chế độ xã hội mới trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những nhấn mạnh thi đua ái quốc là bổn phận của mọi người dân Việt Nam, mà còn chỉ rõ mỗi đối tượng cụ thể phải làm gì. Người yêu cầu các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Đồng bào phú hào thi đua mở doanh nghiệp. Đồng bào công nông thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh. Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân. Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Như vậy là, mọi người đều phải thi đua ái quốc vì mục tiêu chung là kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công, nhưng phải tùy thuộc vào mỗi lĩnh vực hoạt động cụ thể của mỗi người mà xác định mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, biện pháp thi đua cho phù hợp nhằm đem lại kết quả cụ thể, thiết thực.
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, biện pháp, lực lượng thi đua, Người còn chỉ ra kết quả mà phong trào thi đua đạt được sẽ là toàn dân đủ ăn, đủ mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt giặc ngoại xâm; toàn quốc sẽ độc lập hoàn toàn để đi tới thực hiện mục tiêu “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Người còn dự báo phong trào thi đua ái quốc sẽ lan tỏa sâu rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, trở thành một phong trào to lớn, sôi nổi, mạnh mẽ, lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước để đi đến thắng lợi cuối cùng. Người hết sức tin tưởng vào tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên quyết của nhân dân ta, của quân đội ta, chúng ta nhất định thắng lợi. Chính niềm tin của Người là sức mạnh để động viên, cổ vũ, khích lệ toàn dân, toàn quân ta hăng hái thi đua yêu nước.
Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta, quân đội ta đã sôi nổi thi đua thực hiện nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua quan trọng, thiết thực và đem lại những kết quả to lớn. Đó là các phong trào thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Đại phong”, “Duyên hải”, “Ba nhất”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Dạy tốt, học tốt”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”; sau đó là các phong trào “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”… Điều đáng nói là các phong trào thi đua đó đã được tổ chức, phát động, chỉ đạo và triển khai thành những phong trào sâu rộng, sôi nổi, liên tục, có sức lan tỏa lớn, lay động lòng người. Các phong trào thi đua yêu nước đó đã thực sự động viên, cổ vũ, khích lệ toàn dân và toàn quân ta phát huy cao độ truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
2- Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những có giá trị, có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong giai đoạn cách mạng trước đây mà vẫn còn giữ nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta hiện nay. Trong giai đoạn hiện nay, vận dụng những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước nói chung, về nội dung tư tưởng trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11-6-1948 nói riêng, cần quan tâm làm tốt những vấn đề sau đây:
Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm của các tầng lớp nhân dân, của lực lượng vũ trang nhân dân về sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của phong trào thi đua yêu nước; trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai phát động các phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo nên sức mạnh mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hai là, phải thường xuyên nắm vững đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng nói chung, của từng cơ quan, đơn vị nói riêng trong mỗi thời kỳ, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, cụ thể để xác định đúng mục tiêu, yêu cầu, nội dung, hình thức, biện pháp, lực lượng và kết quả cụ thể trong tổ chức, phát động, triển khai các phong trào thi đua nhằm đem lại hiệu quả thiết thực; tránh qua loa, đại khái, phô trương, hình thức, “đầu voi, đuôi chuột”, “đánh trống, bỏ dùi”, có “phát” mà không “động”.
Ba là, qua các phong trào thi đua yêu nước cần sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ ra được những cách làm hay, những tấm gương điển hình, tiên tiến trong các phong trào thi đua; qua đó kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân, tổ chức lập nhiều thành tích xuất sắc và tổ chức rút kinh nghiệm, cả kinh nghiệm thành công và chưa thành công; từ các kinh nghiệm thành công để tiếp tục nhân rộng phong trào, nhân rộng các điển hình tiến tiến trong các phong trào thi đua yêu nước./.
Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương  (26/06/2018)
EVNNPC thông tin về ảnh hưởng của mưa lớn, sạt lở đất tại Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn  (26/06/2018)
EVNNPC thông tin về ảnh hưởng của mưa lớn, sạt lở đất tại Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn  (26/06/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 18 đến ngày 24-6-2018)  (25/06/2018)
Đẩy mạnh chống tham nhũng - Mọi việc đều xuất phát từ dân, vì dân  (25/06/2018)
Khuyến nghị xu hướng mới trong phòng vệ thương mại ở Hoa Kỳ  (25/06/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển