TCCSĐT - Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, các nước còn lại tham gia thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức nhóm họp lần đầu tiên tại Vienna (Áo) ngày 25-5 nhằm cứu vãn thỏa thuận trên bằng việc duy trì dòng đầu tư và các hợp đồng mua bán dầu mỏ bất chấp các trừng phạt của Mỹ.

Theo các nhà ngoại giao, tại cuộc gặp do Liên minh châu Âu (EU) chủ trì, các quan chức Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga sẽ phối hợp với Thứ trưởng Ngoại giao Iran tìm một chiến lược mới nhằm cứu vãn thỏa thuận trên bằng việc duy trì dòng đầu tư và các hợp đồng mua bán dầu mỏ bất chấp các trừng phạt của Mỹ.

Về phần mình, phía Iran muốn tìm kiếm các bảo đảm từ phía châu Âu rằng họ có thể bảo vệ các hợp đồng thương mại, đồng thời muốn được đảm bảo rằng các bên liên quan sẽ tiếp tục mua dầu của Iran. Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif trước đó đã bày tỏ hy vọng các nước còn lại sẽ đưa ra "một gói mới" trong khuôn khổ thỏa thuận đã đạt được mà không đưa thêm vào "bất cứ vấn đề nào khác". Một quan chức Iran cho biết: "Đây là một cuộc gặp rất quan trọng, cho thấy các bên liên quan có nghiêm túc với thỏa thuận hay không".

Trước thềm cuộc gặp trên, Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei đã nêu ra các điều kiện để Tehran tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, trong đó có điều kiện các ngân hàng châu Âu phải bảo đảm giao dịch với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Trắc trở thỏa thuận hạt nhân Iran

Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) là thỏa thuận giữa Iran và và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đạt được cách đây 3 năm, sau hơn 10 năm đàm phán. Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Thỏa thuận này được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh tại Trung Đông.

Tuy nhiên, ngày 08-5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, cho rằng thỏa thuận này không bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và vai trò của nước này trong các cuộc xung đột tại Trung Đông, cũng như không đề cập tình hình sau khi thỏa thuận hết hiệu lực vào năm 2025. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ "trừng phạt kinh tế ở cấp độ cao nhất" đối với Iran. Bộ Tài chính Mỹ ngày 22-5 thông báo đã áp đặt trừng phạt đối với 5 công dân Iran mà Washington cho là liên quan đến Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC). Trước đó, hôm 10-5, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã áp đặt trừng phạt đối với 9 cá nhân và thực thể Iran bị cáo buộc chuyển hàng triệu USD cho IRGC. Theo Bộ Tài chính Mỹ, đến ngày 07-8 tới, Chính phủ Mỹ sẽ tái áp đặt các biện pháp cấm vận, theo đó cấm Chính phủ Iran mua đồng USD.

Dù có chung các lo ngại trên, nhưng các nước châu Âu cho biết chừng nào Tehran tuân thủ các cam kết của mình, họ sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận. Ngày 24-5, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận, nhưng cần nhanh chóng và chủ động hơn trong việc cho phép các cuộc thanh sát hạt nhân đột xuất.

Trong khi đó, phát biểu tại một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 24-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích châu Âu không có hành động chống lại chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran trong 3 năm qua cũng như không có hành động cụ thể để ủng hộ chiến dịch của Mỹ đưa Iran vào danh sách nước tài trợ khủng bố. Mới đây nhất, Bộ Tài chính Mỹ ngày 24-5 thông báo áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào các công ty của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng một số máy bay của 4 hãng hàng không Iran với lý do để ngăn chặn các nỗ lực của Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Phản đối lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ

Quyết định của Tổng thống Trump đã vấp phải sự phản đối của quốc tế. Nhiều nước lo ngại rằng hành động này có thể làm xói mòn các hiệp định đa phương, đồng thời việc đơn phương áp đặt trừng phạt của Mỹ có thể đe dọa lợi ích kinh tế của các nước khác.

Trước thềm cuộc gặp tại Vienna (Áo) ngày 25-5, ngày 23-5, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định duy trì hợp tác với Iran và lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ Nga chưa bao giờ và sẽ không ủng hộ các lệnh trừng phạt đơn phương bởi điều này là bất hợp pháp, đồng thời nhấn mạnh Moskva quyết tâm hướng tới hợp tác nhiều mặt với Iran.

Theo người phát ngôn, chính quyền Mỹ không chỉ vi phạm các nguyên tắc quốc tế khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), mà còn đặt ra các điều kiện không thể chấp nhận đối với Iran. Moskva bày tỏ quan ngại rằng chiến dịch chống Iran đang ngày càng lớn mạnh tại Washington, vốn luôn theo đuổi chính sách ra tối hậu thư cùng những đe dọa. Điều này đi ngược với tinh thần của JCPOA, cũng như trái ngược với các mối quan hệ đa phương thông thường. Bên cạnh đó, Nga cũng ủng hộ tuyên bố của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogherini rằng châu Âu quyết tâm bảo toàn JCPOA.

Cùng ngày 23-5, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo thái độ cứng rắn của Mỹ với Iran đã tạo nên những căng thẳng nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh trong khu vực. Theo ông Le Drian, các biện pháp trừng phạt chống Iran sẽ không giúp thúc đẩy đối thoại, ngược lại sẽ chỉ tăng tầm ảnh hưởng của phe bảo thủ tại Iran trong khi làm suy yếu vị thế của Tổng thống Hassan Rouhani, người luôn ủng hộ các nỗ lực đàm phán. Điều này đe dọa đẩy khu vực vào tình thế nguy hiểm hơn.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cùng ngày cho rằng các nhóm chủ trương gây sức ép tại Mỹ đang vạch ra chính sách đối ngoại của Washington.

Phát biểu với báo giới, nhà ngoại giao Zarif nhận định những tuyên bố chống Iran của người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo là phi lý. Theo ông, cho đến thời điểm này, Mỹ đã thất bại trong việc gây chia rẽ giữa người dân Iran thông qua việc áp đặt lệnh trừng phạt, đồng thời khẳng định người dân nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ kiên quyết chống lại những áp lực trên. Ông nêu rõ Washington cũng đã thất bại trong việc đưa ra những lời dối trá nhằm thiết lập liên minh quốc tế để gây sức ép với Iran. Tuyên bố trên được đưa ra 2 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Washington sẽ áp đặt "các lệnh trừng phạt mạnh tay nhất trong lịch sử" nếu Tehran không hạn chế ảnh hưởng khu vực cũng như chương trình tên lửa của nước này.

Tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran

Sự kiện các quốc gia cùng ký thỏa thuận hạt nhân Iran tổ chức cuộc họp đầu tiên kể từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này, rất được chờ đợi bởi nó có ý nghĩa quan trọng trong cuộc "chạy đua" mà các nước liên quan vẫn đang nỗ lực theo đuổi nhằm duy trì thỏa thuận vốn được coi là thành quả quý giá sau hơn chục năm nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ của các bên liên quan. Tại cuộc họp, các quan chức Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc cùng thảo luận với Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif để vạch ra một chiến lược cụ thể nhằm cứu vãn thỏa thuận thông qua việc đảm bảo các dòng chảy đầu tư và trao đổi thương mại không bị gián đoạn, đồng thời tìm cách "vô hiệu hóa" những biện pháp trừng phạt của Mỹ vốn có thể gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho Iran.

Kết quả cuộc gặp tại Vienna (Áo) ngày 25-5 chưa có gì cụ thể, ngọai trừ việc các nước tham gia nhất trí tiếp tục gặp gỡ để giải quyết vấn đề. Kết quả này không nằm ngoại dự đoán của giới phân tích, xét đến tính chất phức tạp của vấn đề hạt nhân Iran cũng như tương quan giữa các cường quốc trong quan hệ quốc tế hiện nay.

Trong hơn 2 tuần qua, cả Iran và 5 nước còn lại đều đã có hàng loạt cuộc gặp gỡ ngoại giao cũng như một số bước đi thể hiện quyết tâm tìm mọi cách để “cứu” thỏa thuận hạt nhân. Điều này không khó lý giải bởi các bên đều có lợi ích về kinh tế và an ninh khi tham gia thỏa thuận này. JCPOA đem lại cơ hội lớn để nền kinh tế Iran, vốn kiệt quệ do nhiều năm bị cấm vận, có cơ hội phục hồi. Bên cạnh đó, thông qua thỏa thuận này, Tehran có có thể mở rộng quan hệ với các nước phương Tây, gia tăng vị thế. Với Trung Quốc - khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Iran, và Nga - một đồng minh thân cận của Tehran, cũng đều có những lợi ích cả trước mắt và lâu dài về kinh tế, chính trị khi duy trì quan hệ với Iran dù có hay không thỏa thuận hạt nhân, vì vậy đều không do dự đứng về phía quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, Pháp, Đức hay nhiều nước Liên minh châu Âu khác là những nhà đầu tư tích cực nhất vào Iran kể từ khi thỏa thuận JCPOA có hiệu lực đầu năm 2016. Vì vậy, các nước này đã dễ dàng có được sự đồng thuận mạnh mẽ trong việc tìm đường hướng chung chống lại quyết định của Washington. Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU hồi tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí đưa ra cách tiếp cận chung để duy trì thỏa thuận, cũng như đề xuất hàng loạt phương án để bảo vệ các doanh nghiệp khu vực, như: kích hoạt một đạo luật bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn với Iran khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ, thành lập ngân hàng riêng chuyên kinh doanh với Iran và không phụ thuộc vào giao dịch đồng đôla Mỹ,…

Dù EU đã tuyên bố rất mạnh mẽ, nhưng cả Iran và EU đều hiểu việc đi ngược lại, hay vô hiệu hóa các biện pháp cấm vận của Mỹ là hoàn toàn không dễ dàng. Với vị thế là nền kinh tế số một thế giới, Mỹ nắm trong tay các công cụ đủ để buộc các doanh nghiệp EU phải lựa chọn theo ý mình nếu không muốn bị trả giá. Nhất là khi, những tính toán thực chất của Mỹ là nhằm ngăn cản tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực, được thể hiện trong phát biểu chính sách mới đây của tân Ngoại trưởng Mike Pompeo, chính sách cứng rắn với Iran đã được Washington hiện thực hóa ngay bằng hàng loạt lệnh cấm vận. Mới nhất là các biện pháp trừng phạt vừa được áp đạt ngày 24-5 nhằm vào một số công ty của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nhiều hãng máy bay của Iran. Giới chuyên gia cho rằng, xét về mọi khía cạnh, EU không đủ lực để đối chọi với Mỹ trong “trận địa” này và EU đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trên thực tế, thời gian gần đây, nhiều công ty châu Âu đã bắt đầu rút khỏi các dự án ở Iran.

Hiểu được thế khó của EU trước áp lực của Mỹ, chính quyền Tehran một mặt thúc đẩy các biện pháp ngoại giao, song cũng đưa ra hàng loạt điều kiện để duy trì thỏa thuận hạt nhân. Đến với cuộc họp lần này, Iran muốn tìm kiếm các bảo đảm từ phía châu Âu cho các hợp đồng thương mại và các bên liên quan sẽ tiếp tục mua dầu của Iran, cùng với đó hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT phải tiếp tục hoạt động ở nước này. Ngay trước thềm cuộc gặp ngày 25-5, giới chức Iran đã đề nghị châu Âu trao cho Tehran một gói biện pháp kinh tế cụ thể ngay trong những ngày cuối tháng 5 này.

Dù khó khăn, nhưng các nước châu Âu vẫn thể hiện rõ nỗ lực và quyết tâm không từ bỏ mục tiêu là duy trì thỏa thuận. Trong cuộc hội đàm ngày 24-5 bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế ở St.Petersburg, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Em-ma-nuy-en Ma-crông) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) đều khẳng định lập trường chung cần phải duy trì JCPOA. Nga nhất trí tiến hành đàm phán với Iran về chương trình tên lửa và hạt nhân của Tehran sau năm 2025 cũng như hành động của Iran tại Trung Đông, tuy nhiên các cuộc đàm phán như vậy không được gây tổn hại JCPOA. Tổng thống Pháp cũng khẳng định lập trường nhất quán của Paris và các nước châu Âu khác về việc bảo vệ thỏa thuận với Iran, đồng thời cho rằng JCPOA cần được bổ sung các thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran sau năm 2025 và hành động của Iran trong khu vực. Có quan điểm tương tự, trong chuyến thăm tới Bắc Kinh ngày 24/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đều khẳng định cần phải duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran như một biện pháp quan trọng để đảm bảo giải quyết những hồ sơ an ninh nóng khác trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo cũng cảnh báo hậu quả kinh tế từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Có thể thấy, đường hướng mà các nước châu Âu đề xuất hiện nay là thiết lập một cơ chế đàm phán toàn diện để có thể mở rộng nội dung của thỏa thuận JCPOA, cũng là yêu cầu mà Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng bởi trong tuyên bố cùng ngày, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã khẳng định không xúc tiến các cuộc đàm phán mới nếu liên quan chương trình tên lửa đạn đạo cũng như các hoạt động của Iran ở Trung Đông. Bản thân EU, dù đã có nhiều nỗ lực đối thoại với các quan chức Mỹ trong tuần qua để tìm cách thương lượng giải pháp các bên cùng chấp nhận được, song vẫn chưa thu hẹp được bất đồng để có thể đi đến một giải pháp thỏa hiệp.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc gặp giữa Iran với 5 nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội để kiểm chứng mức độ nghiêm túc, quyết tâm của các bên liên quan đối với với thỏa thuận, cũng như là dịp để các bên đối thoại thẳng thắn hướng tới những bước đi cụ thể trong thời gian tới./.