Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ và tiếp Đại sứ Panama kết thúc nhiệm kỳ
TCCSĐT - Ngày 15-7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ họp bàn các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới và tiếp Đại sứ Panama Servio S. Samudio nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Thường trực Chính phủ họp về bảo đảm cung ứng nguồn điện
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo quan trọng nhất của Chính phủ là yêu cầu Bộ Công Thương, ngành điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được để xảy ra tình trạng thiếu điện đối với sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân trong giai đoạn tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành năng lượng Việt Nam phải tự cường, ít phụ thuộc vào nước ngoài. Ngành điện lực Việt Nam bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư, sản xuất điện, phát triển các nguồn điện và hệ thống truyền tải điện; tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm chủ lực trong việc bảo đảm điện. Các Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải có trách nhiệm tham gia tích cực đầu tư các công trình nguồn điện; đồng thời phải tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển nguồn điện.
Thủ tướng nêu rõ, Thường trực Chính phủ, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo vấn đề này. Nhấn mạnh không thể phủ nhận sự cố gắng bảo đảm điện trong những năm qua, nhất là trong đợt nắng nóng, tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, nhiều chủ trương, biện pháp mà Thường trực Chính phủ, Chính phủ đã kết luận, có thông báo chi tiết nhưng việc triển khai nhiều dự án nguồn điện, nhất là dự án có quy mô lớn (dự kiến hoàn thành năm 2023) đã bị chậm tiến độ khiến xuất hiện nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2022 - 2023, thậm chí ngay từ năm 2021.
Nhận thức tình hình này, Thường trực Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo nhiều giải pháp căn cơ cho ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, nhiều việc, các bộ, ngành, đơn vị triển khai còn chậm, thiếu phối hợp, lúng túng, né tránh trách nhiệm.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu những vấn đề trên cần được các bộ, ngành, đơn vị, nhất là Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không để xảy ra như thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu trong vấn đề bảo đảm điện phải quy trách nhiệm cụ thể; không thể chung chung. Thủ tướng đồng ý chủ trương nếu TKV không cung cấp đủ than, các nhà máy điện có thể được nhập khẩu than để bảo đảm phát điện.
Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải nhận thức đúng đắn nhiệm vụ bảo đảm điện trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không được để thiếu điện trong bất cứ tình huống nào.
Bộ Công Thương, EVN phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân trong việc bảo đảm đủ điện. Bộ Công Thương chủ trì, cùng với EVN, TKV, PVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp đồng bộ cung cấp đủ than, khí cho từng nhà máy, chấm dứt tình trạng thiếu than như đã từng xảy ra trong thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh phong trào tiết kiệm điện, ứng dụng công nghệ hiện đại ít tiêu hao điện, phấn đấu có giá điện cạnh tranh khi thực hiện thị trường bán lẻ điện; tích cực thực hiện lộ trình thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Nhấn mạnh một nền năng lượng tự cường, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương giải quyết nhanh, đơn giản hoá trình tự thủ tục đầu tư các dự án nguồn điện của EVN, dự án đồng bộ nguồn khí, các dự án thuỷ điện. Thường trực Chính phủ đồng ý xem xét cơ chế đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách trong thời gian tới. Các cơ quan liên quan sớm trình Chính phủ xem xét dự thảo.
Thủ tướng đồng ý nguyên tắc mua hết công suất thủy điện nhỏ, điện mặt trời với giá hợp lý và với điều kiện đáp ứng khả năng nối lưới của từng dự án. Bộ Công thương đổi mới phương pháp thực hiện giám sát tiến độ các dự án điện trọng điểm; thường xuyên giao ban, kịp thời báo cáo Chính phủ tiến độ các dự án này; tiếp tục rà soát các dự án điện cấp bách, cần triển khai; bảo đảm đủ nguồn cung than, khí cho các nhà máy điện.
Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương trình phương án xử lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo, trình Chính phủ vấn đề Quy hoạch Điện VIII; báo cáo vấn đề liên quan dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế cho vay vượt hạn mức tín dụng đối với dự án nguồn điện. Các tập đoàn EVN, TKV tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án điện, không được chậm tiến độ. Bộ Công thương ưu tiên tập trung chỉ đạo vấn đề này. Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ tạo điều kiện tối đa về mặt bằng cho các dự án nguồn và lưới điện; thúc đẩy, tháo gỡ kịp thời, báo cáo kịp thời các vấn đề liên quan bảo đảm điện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Panama kết thúc nhiệm kỳ
Trước đó, sáng 15-7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Panama Servio S. Samudio nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Thủ tướng chúc mừng Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, có những đóng góp quan trọng vào thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại Việt Nam - Panama đều phát triển tích cực trong nhiệm kỳ của Đại sứ. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 30% so với năm 2014 khi Đại sứ bắt đầu công tác. Hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, đào tạo được hai bên quan tâm thúc đẩy. Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn Đại sứ đã góp phần thúc đẩy hỗ trợ đào tạo ngôn ngữ Tây Ban Nha tại trường Đại học Hà Nội.
Bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của Việt Nam, một đất nước tươi đẹp, Đại sứ cảm ơn chân thành sự ủng hộ của Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Việt Nam trong nhiệm kỳ công tác của mình. Đại sứ tin tưởng hai bên sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020.
Đại sứ Panama Servio S. Samudio khẳng định, Panama luôn sát cánh, ủng hộ Việt Nam đảm trách tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm sau và mong muốn Việt Nam là cầu nối, cửa ngõ để Panama vào thị trường ASEAN. Panama cũng sẵn sàng là cầu nối, cửa ngõ để Việt Nam vào thị trường Mỹ Latinh.
Đại sứ bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện để hai bên ký hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông (vào tháng sáu vừa qua), qua đó giúp doanh nghiệp, công dân hai nước tăng cường giao lưu, sang thăm lẫn nhau. Đại sứ cho biết, ông đã lên kế hoạch quay trở lại Việt Nam để xem giải đua xe công thức 1 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm sau.
Ghi nhận ý kiến của Đại sứ, Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Panama trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Việt Nam coi trọng tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latinh nói chung và Panama nói riêng; đề nghị hai nước thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, một lĩnh vực còn tiềm năng rất lớn. Hai bên cần tiếp tục thúc đẩy đàm phán đi đến ký kết các văn kiện hợp tác nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hợp tác lâu dài. Thủ tướng cho rằng, Việt Nam không chỉ là cửa ngõ để Panama vào thị trường ASEAN mà còn vào nhiều thị trường khác khi Việt Nam tham gia nhiều FTA./.
Ban Bí thư họp xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2011 - 2016 và nguyên Thứ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Nguyễn Hồng Trường  (16/07/2019)
Khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (16/07/2019)
EVNNPC kêu gọi khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả  (16/07/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam