TCCSĐT - Facebook đang đối mặt với khó khăn liên quan tới vấn đề bảo mật thông tin khi tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook. Vụ việc đã gây chấn động dư luận, khiến các nước vào cuộc điều tra, đồng thời khiến giá cổ phiếu của hãng này bị sụt giảm mạnh.

Bảo mật thông tin - Facebook đối mặt với sức ép điều tra


 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Boursonama

Facebook đang đối mặt với dư luận cũng như chịu sức ép điều tra từ giới chức Anh, Mỹ và châu Âu liên quan tới thông tin đưa ra ngày 19-3-2018 cho rằng, Cambridge Analytica (CA), hãng phân tích dữ liệu của Anh có trụ sở ở thủ đô London, được ê kíp tranh cử của Tổng thống Mỹ D. Trump thuê trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, đã thu thập và sử dụng trái phép thông tin của 50 triệu người dùng Facebook.

Ngày 20-3, Ủy ban Kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao thuộc Hạ viện Anh đã yêu cầu nhà sáng lập Facebook M. Zuckerberg trình diện trước cơ quan này để cung cấp bằng chứng về vụ việc. Cùng ngày, ông A. Nix, Giám đốc điều hành (CEO) của CA, đã bị đình chỉ công tác để phục vụ cuộc điều tra liên quan đến vụ bê bối tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu người dùng Facebook vừa bị phanh phui. CA cũng tuyên bố hãng không sử dụng các dữ liệu của Facebook phục vụ chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông D. Trump hồi năm 2016. CA đồng thời bác bỏ việc sử dụng dữ liệu với mục đích sai trái, khẳng định đã xóa bỏ toàn bộ dữ liệu của Facebook từ một ứng dụng thứ 3 vào năm 2014, sau khi nhận ra rằng, việc sử dụng thông tin này là trái với quy định bảo vệ dữ liệu.

Trước vụ bê bối về bảo mật thông tin của Facebook, giới chức Anh, Mỹ và châu Âu đã vào cuộc điều tra về việc liệu Facebook có bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng hay không, và liệu khi phát hiện ra tình trạng dữ liệu bị đánh cắp, Facebook có thông báo và đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời hay không. Phát biểu trước Hạ viện Anh, Thủ tướng Anh T. May đã kêu gọi Facebook và CA tuân thủ các yêu cầu trong cuộc điều tra của Văn phòng Cao ủy thông tin của Anh về cáo buộc thu thập trái phép thông tin của 50 triệu người dùng Facebook. Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi mở một cuộc điều tra khẩn cấp. Ủy viên EU phụ trách về kỹ thuật số M. Gabriel cho biết, các quan chức EU đang theo dõi vụ việc, đồng thời khẳng định bảo vệ thông tin cá nhân là “giá trị cốt lõi” của EU. Trong khi đó, báo Wall Street Journal đưa tin Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC), cơ quan giám sát cạnh tranh và tiêu dùng thị trường, sẽ điều tra để xác định trong vụ hãng phân tích dữ liệu CA thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu người dùng Facebook, mạng xã hội này có vi phạm các điều khoản của một sắc lệnh quy định Facebook phải nhận được sự đồng ý của người dùng về việc thu thập và chia sẻ dữ liệu cá nhân của trên tài khoản hay không. Còn theo báo Washington Post, nếu FTC kết luận Facebook thực sự đã phá vỡ thỏa thuận này, công ty có thể phải nộp phạt lên tới 40.000 USD cho mỗi lần vi phạm.

Kể từ khi chính thức ra mắt vào năm 2003, đến nay Facebook đã thu hút được 2 tỷ người sử dụng trên toàn thế giới và trở thành trang mạng xã hội lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, danh tiếng của Facebook bị tổn hại kể từ năm 2016, sau khi những nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được tiết lộ, nhất là thông qua việc phát tán các thông tin giả và các dạng thông tin sai sự thật khác trên mạng xã hội. Mọi việc trở nên đặc biệt xấu đi sau những thông tin được công bố vừa qua về việc dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook đã được công ty tư vấn chính trị CA sử dụng, đưa đến những kêu gọi điều tra đối với các bên liên quan. Vụ việc liên quan tới hãng CA đã cho thấy, bảo mật thông tin tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của Facebook, đặc biệt trong bối cảnh ngày 25-5 tới quy định Bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR) sẽ chính thức có hiệu lực, đánh dấu việc lần đầu tiên kiểm tra các quy định về quyền riêng tư đối với dữ liệu cá nhân kể từ khi internet ra đời. Theo đó, GDPR sẽ tăng đáng kể mức phạt đối với các công ty bị phát hiện vi phạm luật bảo vệ dữ liệu, thậm chí có khả năng tăng lên mức 4% doanh thu toàn cầu hoặc 20 triệu euro.

Chưa rõ kết quả cuộc điều tra sắp tới ra sao, song những thông tin bất lợi trong những ngày vừa qua ít nhiều đã gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của Facebook và nhà sáng lập Facebook Zuckerberg sẽ phải tập trung vào một sứ mệnh là khắc phục những vấn đề mà Facebook đang gặp phải nhằm tiếp tục duy trì vị thế là mạng xã hội lớn nhất và được ưa chuộng nhất thế giới.

Những thách thức trong nhiệm kỳ thứ tư của tổng thống Nga

 
 Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: i24News

Mặc dù chiến thắng vang dội trong cuộc Bầu cử Tổng thống Nga 2018, song theo các nhà phân tích, Tổng thống V. Putin sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong nhiệm kỳ thứ 4. Đó là phải tiếp tục duy trì được trật tự xã hội, mang lại đời sống thịnh vượng cho người dân và không ngừng nâng tầm vị thế nước Nga trên trường quốc tế.

Mặc dù kinh tế của Nga đã ổn định kể từ đợt suy thoái 2015 - 2016, song các dự báo tăng trưởng vẫn chỉ giới hạn ở mức 1% - 2%, thấp hơn các mục tiêu mà Điện Kremlin đặt ra. Nền kinh tế tăng trưởng 1,5% vào năm 2017 sau khi giảm 0,2% vào năm 2016. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 3%. Nga vẫn phải phụ thuộc vào việc bán dầu khí. Hơn nữa, khoảng 20 triệu người dân, ước tính chiếm khoảng 14% dân số Nga, đang sống dưới mức nghèo khổ. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống V. Putin đã đề cập đến một vấn đề quan trọng của nền kinh tế Nga, đó là chính sách nhân khẩu. Trên thực tế, nước Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng. Với dân số hiện tại là 146,9 triệu người, Nga đã bị “hao hụt” hơn 5 triệu dân kể từ năm 1991 - hậu quả của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng diễn ra sau khi Liên Xô tan rã. Tuổi nghỉ hưu cũng là một thách thức đối với nền kinh tế Nga. Hiện độ tuổi nghỉ hưu ở Nga - 55 đối với nữ và 60 tuổi đối với nam - là một trong những mức thấp nhất trên thế giới. Mặc dù lương hưu khá thấp, cùng với sự sụt giảm nhân khẩu học, song hệ thống lương hưu vẫn là một gánh nặng đang ngày càng lớn đối với ngân sách liên bang.

Về lĩnh vực thu hút đầu tư, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Nga cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài và tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm bớt tình trạng quan liêu. Theo Cơ quan thống kê Rosstat, mặc dù đầu tư đã tăng 4,4% trong năm 2017, song tăng trưởng của Nga chủ yếu nhờ vào các dự án lớn.

Căng thẳng trong quan hệ Nga - phương Tây leo thang ngay trước cuộc Bầu cử Tổng thống Nga cũng là một thách thức. Vào tuần trước cuộc bầu cử, Bộ Quốc phòng Nga đã cảnh báo về khả năng Mỹ không kích Syria và đe dọa sẽ đáp trả sự xâm lược của lực lượng quân đội Mỹ. Về phần mình, Anh - theo sau là Mỹ, Đức và Pháp - đã cáo buộc Moscow liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên S. Skripal cùng con gái ông ta ở Anh và tổ chức tấn công trên lãnh thổ Anh. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra các hình thức trừng phạt tiếp theo dành cho các công dân Nga bị cáo buộc là tấn công mạng trên lãnh thổ Mỹ. Giới quan sát nhận định, quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện ở mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô tan rã cách đây 26 năm, đặc biệt trong bối cảnh cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Mặt khác, Nga càng trở nên mạnh mẽ hơn trong những cuộc biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về bất cứ điều gì được coi là đi ngược lại các lợi ích của Moscow. Tuyên bố của Tổng thống V. Putin cách đây vài tuần - rằng Nga đã phát triển các vũ khí hạt nhân có khả năng tránh lá chắn tên lửa của Mỹ - rõ ràng cho thấy quyết tâm của ông V. Putin muốn củng cố sức mạnh của Nga để trấn áp tinh thần các đối thủ. Các nhà phân tích cũng cho rằng, một trong những thách thức về đối ngoại khó khăn nhất đối với Tổng thống V. Putin là quan hệ giữa Nga với Mỹ và Trung Quốc - một siêu cường thế giới và một đối thủ mới nổi cạnh tranh quyền lãnh đạo thế giới. Tổng thống V. Putin đã gia tăng nỗ lực tạo bước đột phá về chất cho quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung sau khi phương Tây, đứng đầu là Mỹ, tìm cách cô lập ngoại giao Nga. Tuy nhiên, Tổng thống V. Putin cũng đặt ra yêu cầu phải có được quan hệ xây dựng với Mỹ để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Ở điểm này, thành công không đến với ông. Quan hệ Nga - Mỹ luôn ở xu thế đi xuống tính từ thời đỉnh cao năm 2001 - 2002. Rõ ràng, đây là những câu chuyện thách thức Moscow khi tiếp tục khẳng định vị thế của nước Nga.

Bước ngoặt về Brexit của Anh và EU

 
 Ngày 19-3, EU và Anh đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt về việc Anh rời khỏi EU. Ảnh: The Independant

Sau một loạt các thương lượng căng thẳng trong vài tháng qua, EU và Anh đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, với giai đoạn chuyển giao kéo dài tới gần 2 năm. Đây được coi là bước tiến mới trong đàm phán Brexit.

Ngày 19-3, đại diện đàm phán của Anh và EU thông báo hai bên đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về giai đoạn chuyển tiếp của Brexit. Theo đó, giai đoạn chuyển tiếp sẽ tính từ ngày Anh rời EU vào ngày 29-3-2019 và kết thúc vào ngày 31-12-2020. Trong khoảng thời gian này, Anh sẽ không tham gia vào các tiến trình hoạch định chính sách của EU, tuy nhiên vẫn sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi của nước thành viên và được tiếp cận thị trường chung châu Âu cũng như liên minh hải quan.

Hai bên cũng đã nhất trí về nội dung các văn bản pháp lý liên quan đến hai vấn đề đã được thông qua vào hồi tháng 12-2017 là quyền của các kiều dân và thanh toán tài chính. Các công dân của Anh sang EU và công dân 27 nước EU sang Anh trong giai đoạn chuyển tiếp cũng được hưởng các quyền lợi và nhận được sự bảo đảm giống với những người đã tới trước Brexit. EU và Anh cũng đạt được sự nhất trí về những điểm quan trọng liên quan đến các thủ tục về thuế quan, lưu thông và kiểm soát hàng hóa, các cam kết của London về hạt nhân và bảo vệ các nhãn hàng châu Âu.

Hiện vẫn còn hai vấn đề đang vướng mắc liên quan đến đường biên giới Ireland và quản trị Thỏa thuận rút lui của nước Anh. Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, ông M. Barnier cho biết, cần phải thiết lập một cơ chế quản trị Thỏa thuận rút lui trên tất cả các vấn đề được quy định trong thỏa thuận. Ông M. Barnier bày tỏ tin tưởng EU có thể đạt được khung hợp tác “đầy tham vọng” cho tương lai chính sách an ninh và đối ngoại giữa Anh và EU trong thời kỳ chuyển đổi. Đối với vấn đề Ireland, phía Anh đã nhất trí sẽ bảo đảm để Bắc Ireland vẫn nằm trong khối thị trường chung đơn lẻ và liên minh thuế quan EU.

Các cuộc đàm phán về việc Anh rời EU đã chính thức được khởi động từ ngày 19-6-2017. EU và Anh đã nhất trí được về các vấn đề ưu tiên, lịch trình và cách thức tổ chức đàm phán. Theo đó, tiến trình đàm phán Brexit sẽ phải kết thúc vào tháng 10-2018 để cho phép Anh và EU phê chuẩn thỏa thuận cuối cùng về Brexit vào tháng 3-2019. Cho đến nay, hai bên đã tiến hành 6 vòng đàm phán về Brexit tại Brussels (Bỉ). Sau nhiều vòng đàm phán cam go, ngày 08-12-2017, Thủ tướng Anh T. May cuối cùng cũng tháo gỡ được bế tắc để đưa Anh đi theo đúng lịch trình đã vạch ra khi hai bên đã đạt được những “tiến bộ đầy đủ” trong đàm phán 3 vấn đề mấu chốt, gồm tình trạng đường biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland; quyền lợi của các công dân EU đang sinh sống tại Anh và các cam kết tài chính của Anh đối với 27 thành viên còn lại trong khối, để mở ra giai đoạn hai đàm phán bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại với nước Anh. Thỏa thuận đạt được ngày 08-12 có thể coi là “thành công” đầu tiên cho tiến trình đàm phán Brexit. Trong khi đó, dù được xem là ở “thế thượng phong”, lãnh đạo các nước EU cũng không muốn dồn bà T. May vào thế bí, bởi nếu EU quá căng, thất bại trong đàm phán Brexit cùng sự rạn nứt trong nội các, trong nội bộ đảng Bảo thủ và quốc hội Anh lên cao sẽ khiến bà T. May có thể bị mất chức. Đối với EU, bà T. May là đối tác đàm phán đáp ứng được hầu hết các yêu cầu mà EU đặt ra.

Sau nhiều tháng đàm phán gian nan, cuối cùng thì cả Chính phủ Anh và EU đều đã đạt được mục tiêu quan trọng trong ngắn hạn, hoàn tất đàm phán giai đoạn 1 trước khi bước sang giai đoạn cam go hơn, đó là đàm phán về quan hệ thương mại.

Căng thẳng ngoại giao Nga - Anh tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng

 
 Căng thẳng ngoại giao Nga - Anh tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng. Ảnh: TTXVN

Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Anh liên quan đến vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal bị đầu độc tại Anh tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng khi Moscow cáo buộc London liên quan tới vụ đầu độc này, đồng thời lên án các phát biểu của Anh cùng việc Bộ Ngoại giao Nga mời đại sứ các nước tại Moscow tới trụ sở bộ này để thảo luận làm rõ vụ việc nhưng bị từ chối. Đây có thể xem như “giọt nước tràn ly” đối với mối quan hệ Nga - Anh.

Ngày 21-3, phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp các đại sứ nước ngoài tại Bộ Ngoại giao Nga về vụ đầu độc, Giám đốc Vụ không phổ biến và kiểm soát vũ khí Bộ Ngoại giao Nga V. Ermakov tuyên bố chính quyền Anh hoặc không có khả năng bảo đảm an ninh cho công dân, hoặc chính họ trực tiếp hoặc gián tiếp đạo diễn nên vụ tấn công hôm 04-3 nhằm vào bà Y. Skripal, con gái cựu điệp viên Nga tị nạn tại Anh S. Skripal.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã mời đại sứ các nước tại Moscow tới trụ sở bộ này gặp lãnh đạo và chuyên gia Vụ các vấn đề giải trừ và kiểm soát vũ khí để thảo luận làm rõ vụ đầu độc diễn ra tại Anh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, mặc dù Anh liên tục cáo buộc Nga trong vụ việc, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng xuất hiện nhiều ý kiến, đánh giá của các chuyên gia, song cho tới nay không ai biết chính xác loại chất độc nào đã được sử dụng, cũng không rõ tình hình của cựu điệp viên S. Skripal và con gái. Đại sứ quán Anh tại Nga cho biết Đại sứ Anh L. Bristow sẽ không tham dự cuộc họp trên tại Bộ Ngoại giao Nga. Đại sứ quán Mỹ tại Nga cũng cho biết, Đại sứ Mỹ tại Nga J. Huntsman cũng không tham dự cuộc gặp. Đại sứ quán một số nước phương Tây như Đức, Pháp... cử đại diện. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ H. Nauert cho rằng, Moscow phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc. Trước đó, ngày 20-3, Thủ tướng Anh T. May cũng tuyên bố các bộ trưởng và đại diện cấp cao của nước này, cụ thể là các thành viên Hoàng gia, sẽ không tới Nga tham dự Vòng chung kết giải bóng đá thế giới (World Cup) 2018 vào tháng 6 tới vì những cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc trên.

Phản ứng trước các phát biểu trên, Đại sứ quán Nga tại Mỹ ngày 22-3 bày tỏ ngạc nhiên trước “đánh giá vô căn cứ” của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ H. Nauert, đồng thời yêu cầu Washington cung cấp bằng chứng về cái gọi là “những hành động bất hợp pháp” của Nga trong vụ đầu độc cựu điệp viên. Trong khi đó, đề cập đến phát biểu của Ngoại trưởng Anh Johnson tại Quốc hội so sánh Vòng chung kết World Cup 2018 tại Nga với Thế vận hội Berlin 1936 thời Đức quốc xã, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố đó là phát biểu “xúc phạm và đáng ghê tởm”, “không thể chấp nhận được”, không thích hợp với vị thế Bộ trưởng Ngoại giao của một nước. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga M. Zakharova tuyên bố London cho thấy ý định tẩy chay World Cup 2018 tại Nga bằng hành động khiêu khích, xúc phạm, phá hoại luật pháp quốc tế và sự ổn định.

Giới phân tích nhận định, nếu Nga và Anh không thể giải quyết vụ đầu độc cựu điệp viên, vụ việc này không chỉ đẩy quan hệ hai nước rơi xuống một giai đoạn xấu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh mà còn có nguy cơ biến thành khủng hoảng quốc tế. Bởi thực tế cho thấy, bên cạnh việc bày tỏ lo ngại sâu sắc về vụ điệp viên Skripal gây căng thẳng giữa Anh và Nga, kêu gọi Nga hợp tác đầy đủ với phía Anh trong tiến trình điều tra xoay quanh vụ việc gây chấn động này và cho rằng Anh nên tiếp tục duy trì liên lạc, đối thoại với Nga để giải quyết những bất đồng giữa hai bên, các đồng minh của Anh vẫn luôn đứng về phía Anh trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với Nga này.

Rõ ràng, khi sự thật chưa được làm sáng tỏ, Nga và Anh cần một giải pháp kỹ lưỡng trước khi đưa ra các hành động nhằm tránh bị lún sâu vào khủng hoảng ngoại giao, tránh để tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát./.