Chỉ 25 quốc gia trên thế giới có ưu thế tốt nhất để hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo "Sẵng sàng cho tương lai của hoạt động sản xuất" do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 12-01.

Báo cáo của WEF đánh giá mức độ sẵn sàng và ưu thế của các quốc gia trên thế giới khi đón nhận những lợi ích từ sự thay đổi lớn trong hệ thống sản xuất toàn cầu.

Kết luận của WEF dựa trên việc đánh giá hai yếu tố chính là cấu trúc sản xuất và động lực sản xuất, hai yếu tố then chốt giúp xác định một quốc gia có thể hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong số 100 quốc gia và nền kinh tế được WEF đánh giá, ba quốc gia châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nằm trong tốp 5 quốc gia đứng đầu về cơ sở sản xuất hiện tại, khi lần lượt đứng vị trí số 1, 2 và 5. Hai quốc gia châu Âu là Đức và Thụy Sĩ lần lượt giữ vị trí thứ 2 và 4, trong khi Mỹ đứng thứ 7.

Về yếu tố các động lực thúc đẩy sản xuất, Mỹ đứng vị trí đầu bảng, tiếp theo là Singapore, Thụy Sĩ, Anh và Hà Lan. Tuy nhiên, không có quốc gia châu Phi, Trung Đông hay Mỹ Latinh nào lọt vào tốp 10 trong cả hai hạng mục trên.

Thực tế này cho thấy dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tương lai của hoạt động sản xuất sẽ ngày càng trở nên phân cực và tạo nên một thế giới tăng trưởng 2 tốc độ.

Trong tuyên bố của mình, WEF cho biết báo cáo trên cung cấp một bức tranh toàn cảnh về hoạt động sản xuất trên toàn cầu hiện nay cùng với mức độ sẵn sàng của các nước.

Trong đó, báo cáo này cũng thừa nhận về sự tác động lớn lao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của các công nghệ tiên tiến đối với hệ thống sản xuất và các mô hình kinh doanh.

WEF nhấn mạnh kết luận của báo cáo này cho thấy các lĩnh vực công và tư nhân cần tích cực thảo luận về những điều kiện và nhân tố cần thiết, cũng như xác định những lĩnh vực cụ thể để phối hợp hành động nhằm đón đầu làn sóng công nghiệp 4.0.

Thế giới hiện đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến...

Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi cơ bản về phương thức làm việc và sản xuất./.