Bài 1: Nhận diện “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội

Cao Văn Thống*, TS. Trần Duy Hưng** *Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, **Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương
17:00, ngày 11-01-2018
TCCSĐT - “Lợi ích nhóm” là một cụm từ, một thuật ngữ được nhắc nhiều trong các văn kiện của Đảng gần đây. Nhận diện “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở để đề ra các giải pháp đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm” một cách hiệu quả.

"Lợi ích nhóm” là một cụm từ, một thuật ngữ đang được nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý và các tầng lớp nhân dân quan tâm nhìn nhận, mổ xẻ dưới nhiều cách nhìn với các cấp độ, góc độ khác nhau. Lợi ích thường liên kết con người với nhau hoặc phân chia ra các nhóm, giai tầng khác nhau. Nhưng không có lợi ích nào là lợi ích riêng hay lợi ích chung tuyệt đối mà thường là có hai mặt, tức vừa chung, vừa riêng, hoặc trong đó có một lợi ích chủ yếu. Từ lợi ích nhóm có thể hình thành nên nhóm lợi ích, nhóm xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường, do sự phân hoá, tác động mặt trái của nó, làm xuất hiện ngày càng nhiều nhóm lợi ích khác nhau, các nhóm này vừa có thể có lợi ích chung, vừa có lợi ích riêng, có lợi ích tích cực, có lợi ích tiêu cực. Theo từ điển Bách khoa Toàn thư BRITANICA, nhóm lợi ích là bất kỳ sự tập hợp nào của các tổ chức hay các cá nhân, thường được thành lập một cách chính thức trên cơ sở chia sẻ một hay nhiều mối quan tâm nhằm ảnh hưởng đến chính sách công trong lĩnh vực mình quan tâm. Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng, nhóm lợi ích là nhóm tác động đến chính sách công. Như vậy, có thể hiểu, "Lợi ích nhóm là lợi ích của một nhóm người liên kết với nhau, hỗ trợ nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó". Xét về mục đích và bản chất, lợi ích nhóm có thể chia thành lợi ích nhóm tích cực và lợi ích nhóm tiêu cực. Lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp của một nhóm người. Còn lợi ích nhóm tiêu cực là "lợi ích" mà nhóm thu được nhằm vào các "tình huống" hay "phi vụ" nhạy cảm, không lành mạnh, mờ ám, thiếu minh bạch. Lợi ích nhóm có trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập đến lợi ích nhóm trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, biểu hiện "lợi ích nhóm" trong xây dựng nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. Trong xây dựng nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích nhóm có thể xuất hiện trong tất cả các công đoạn, các khâu, các bước. Từ khâu đề xuất ý tưởng, lập kế hoạch, khảo sát, nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, kết luận vấn đề,… ra chủ trương, quyết sách (ban hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận,...). Chẳng hạn, có địa phương vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ mà cấp uỷ đã ra nghị quyết về một số chính sách thu hút đầu tư trái với cả nghị quyết của Đảng, của Trung ương trong chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư về cấp đất, cấp phép, về ưu đãi thuế, thậm chí bất chấp cả quy hoạch chung của quốc gia, quy định về loại đất sử dụng cho việc thu hút đầu tư nước ngoài như: đất cho xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, đất đầu tư phát triển sân gôn, tổng diện tích đất cấp, số lượng sân gôn... Từ đó, dẫn đến có lợi cho cấp uỷ, cho một số cán bộ trong cấp uỷ, uỷ ban nhân dân (rộng ra là cho địa phương đó), nhưng lại thiệt hại cho đa số dân cư, cho quy hoạch chung của cả nước, cho chính sách thuế, thu hút đầu tư chung của cả nước theo nghị quyết của Đảng.

Đây là hệ quả tất yếu của tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ và lợi ích nhóm trong thời gian qua ở một số địa phương. Một số địa phương, đơn vị thông qua nhiều hình thức đã “chạy” để được cấp trên ban hành kết luận, nghị quyết, quyết định “đặc thù” để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có một số lợi ích mang tính chất "ưu đãi" cho địa phương, có lợi, hấp dẫn hơn so với các địa phương, đơn vị khác. Và như vậy, không loại trừ trong đó có lợi ích của một số cán bộ của cấp tham mưu cho việc ban hành nghị quyết, kết luận về các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, đơn vị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư ở các địa phương, đơn vị đó, thậm chí kể cả doanh nghiệp là người thân, "sân sau" của cán bộ tham mưu của cấp trên ở các địa phương, đơn vị đó cũng có thị phần.

Việc tạo lợi ích nhóm ở lĩnh vực này tuy chưa nhiều, chưa phổ biến ở tất cả các địa phương, đơn vị, nhưng cũng đã gây ra hậu quả, hệ luỵ rất nguy hại, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, đơn vị, ảnh hưởng đến việc phân bổ và quản lý, sử dụng nguồn lực trong phạm vi quốc gia. Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình ở một số địa phương thời gian qua cũng đã thấy biểu hiện lợi ích nhóm trong vấn đề trên ở một số địa phương, nhất là những địa phương có nhiều tài nguyên rừng, khoáng sản, đang có sự chi phối không chỉ nhóm lợi ích ở các cán bộ có chức, có quyền của địa phương, mà còn có cả sự chi phối của một số cán bộ tham mưu thoái hoá, biến chất ở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Điều đó không chỉ làm phá vỡ quy hoạch chung trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn phá vỡ cả quy hoạch của từng ngành, từng vùng và quy hoạch chung của từng địa phương, thu lợi cho một nhóm cán bộ, công chức, cho một số doanh nghiệp "sân sau", do có nhiều "tiềm năng, thế mạnh" hơn các doanh nghiệp khác, gây thiệt hại chung cho quốc gia, cho từng địa phương và cho đại đa số doanh nghiệp làm ăn chân chính và người dân.

Thứ hai, biểu hiện "lợi ích nhóm" trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. Trong thực hiện nghị quyết của Đảng về tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong đó có việc đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, phát triển các cảng biển, sân gôn, các khu du lịch,... cấp uỷ, chính quyền một số địa phương, một mặt, tranh thủ các bộ, ngành Trung ương về cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, quy hoạch, về huy động vốn, về chính sách ưu đãi thuế, thu hút kêu gọi đầu tư; mặt khác, tìm cách lách luật, ban hành và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách không đúng với cơ chế, chính sách, quy định chung của Trung ương. Thậm chí từng địa phương còn ban hành, tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách của mình mang tính "hấp dẫn" riêng để cạnh tranh với các địa phương khác, gây thiệt hại chung cho nền kinh tế đất nước, cho các địa phương xung quanh và cho việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực chung của đất nước, từ đó dẫn đến thất thoát, lãng phí trên nhiều mặt: tài nguyên sử dụng không hiệu quả, nhân lực không được huy động, sử dụng đúng thực chất, nguồn vốn huy động sử dụng không hiệu quả.

Sự liên minh của các quan chức trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với các doanh nghiệp "sân sau" để trục lợi, tham nhũng theo kiểu "lợi ích nhóm" đang gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước, cho Nhân dân, nhất là nông dân bị thu hồi đất cho thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và đầu tư bất động sản... Đây là biến tướng nguy hiểm của mối quan hệ họ hàng, thân quen thời hiện đại. Sự liên kết này có thể xuất phát từ các quan hệ gia đình, họ hàng, bố mẹ làm chính trị, chính quyền, con cái, người thân, bạn bè làm kinh tế. Họ giàu lên một cách nhanh chóng nhờ "tài kinh doanh" của những người con, người thân. Đằng sau cái "tài kinh doanh" đó bao giờ cũng có hình bóng của những ông bố, bà mẹ làm chính trị, có vị trí trong bộ máy chính quyền. Vị trí lãnh đạo, vị thế nghề nghiệp, công tác của những ông bố, bà mẹ tạo "sân sau" đưa lại cho người thân của họ những hợp đồng béo bở, những mối quan hệ, những phi vụ làm ăn thuận lợi nhưng không chính đáng, không minh bạch, không công bằng. Nhiều tài nguyên của đất nước bị một bộ phận quan chức nhà nước thoái hoá, tìm cách chuyển cho các công ty tư nhân do con, cháu, người thân, bạn bè của họ thành lập.

Ở nước ta hiện nay, dường như những mối quan hệ thân quen, họ hàng giữa những người làm chính trị, chính quyền với những người làm kinh tế ở đâu cũng thấy. Có không ít công ty tư nhân cũng từ chỗ thân quen, họ hàng đã nhanh chóng phất lên nhờ sự đỡ đầu của các quan chức nhà nước. Khi bị các nhóm lợi ích thao túng sẽ xuất hiện lợi ích nhóm tiêu cực, các lợi ích chính đáng của sự phát triển bị thâu tóm bởi những nhóm này. Những lợi ích của các nhóm khác có liên quan bị xâm phạm sẽ tạo ra sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Điều này làm méo mó những quan hệ xã hội lành mạnh, làm tăng khoảng cách giàu nghèo và từ đó gây bất ổn, bất an, bất bình trong xã hội.

Việc hình thành lợi ích nhóm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết nói trên có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, trước hết là do một số nghị quyết, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhưng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, nên bị một số cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc cán bộ làm công tác tham mưu lợi dụng để tham mưu, lách luật, ban hành những nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của cấp dưới có lợi cho lợi ích của cán bộ lãnh đạo hoặc người thân của họ hoặc cho chính cán bộ làm công tác tham mưu, cơ chế, chính sách có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của cấp dưới mang tính cục bộ hoặc cho một nhóm người nhằm mục đích trục lợi.

Một số nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội có tính ổn định không cao hoặc không đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, nên dễ bị lợi dụng để ban hành những nghị quyết, quy định, chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội của cấp dưới trong những lúc giao thời nhằm mục đích vụ lợi cho bản thân, người thân, một nhóm lợi ích nào đó; hoặc ban hành các nghị quyết, quy định, chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội mang tính cục bộ cho địa phương này, gây tổn thất chung cho nền kinh tế đất nước, cho địa phương, đơn vị khác.

Một số quy định của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội còn chung chung, không rõ ràng, dễ bị lợi dụng để ban hành những chủ trương, chính sách, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của cấp dưới có lợi cho một số ít người cùng "cánh hẩu với nhau", thực chất là lợi ích nhóm tiêu cực. Hoặc tạo kẽ hở cho cấp dưới lợi dụng để tổ chức thực hiện việc phát triển kinh tế - xã hội không đúng, không đầy đủ, với những biểu hiện lợi ích nhóm để trục lợi.

Quá trình lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới đang đặt ra nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn trong phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc. Do chưa có những quy định phù hợp, dẫn đến tổ chức đảng, cán bộ đảng viên dễ bị tác động, lôi cuốn vào vòng xoáy tiêu cực. Nếu cán bộ không nêu cao ý thức cảnh giác, tính chủ động phòng ngừa sẽ dễ dẫn đến việc lợi dụng sự sơ hở của chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách để trục lợi, gây thiệt hại cho Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hoá đến môi trường công tác, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên diễn ra hàng ngày, hàng giờ, nếu cán bộ không tỉnh táo phân biệt rõ phải trái, đúng sai, các chuẩn mực thì sẽ dẫn đến thực hiện không đúng quy định của Đảng và Nhà nước trong tổ chức thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị.

Về nguyên nhân chủ quan, trước hết là do một số cán bộ tham mưu hoặc cán bộ lãnh đạo, quản lý mặc dù nhận thức đúng, đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm đã cố tình không thực hiện đúng, đã chỉ đạo hoặc chủ động tham mưu ban hành những chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội ở cấp mình nhằm vụ lợi cho bản thân, người thân, “sân sau” hoặc "cánh hẩu" của mình; mà không vì lợi ích chung của cơ quan, tổ chức, của toàn Đảng, toàn đất nước. Một số cán bộ làm công tác tham mưu về chủ trương, chính sách thấy cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ đạo tham mưu ban hành các quy định về phát triển kinh tế - xã hội chưa đúng, chưa phù hợp (có lợi cho một số ít người, cho doanh nghiệp sân sau hoặc doanh nghiệp là người thân, thậm chí là doanh nghiệp của họ) nhưng do nể nang, sợ bị trù dập không dám báo cáo, phản biện hoặc thấy có lợi cho một số cán bộ, trong đó có bản thân mình nên tham mưu cho lãnh đạo ban hành không đúng quy định nhằm vụ lợi.

Tình trạng người đứng đầu một số cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị tự quyết định việc chỉ định thầu, giao thầu cho một số doanh nghiệp là người thân, sân sau của một số cán bộ tham mưu, lãnh đạo để trục lợi là hiện tượng đã diễn ra hiện nay, bất chấp nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp uỷ cơ quan, đơn vị trong thảo luận, ra nghị quyết hoặc cho ý kiến chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, lĩnh vực được phân công phụ trách. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý không chấp hành nghiêm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ trong phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh.

Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc cán bộ tham mưu tuy nhận thức đúng nhưng do động cơ, mục đích không trong sáng, không vuợt lên được chính mình, đã ban hành cơ chế, chính sách, chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội ở cấp, địa phương, đơn vị mình không đúng, mang tính chất lợi ích nhóm để trục lợi cho bản thân, "cánh hẩu của mình", hoặc cho người thân, “sân sau” của mình, gây thiệt hại cho tập thể, cho lợi ích chung của cộng đồng.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra cấp trên chưa chú trọng quan tâm tăng cường kiểm tra, giám sát cấp dưới, cán bộ dưới quyền, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức nhà nước trong thực hiện công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội; hoặc người có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, thẩm quyền quyết định về phát triển kinh tế - xã hội. Sự lơi lỏng trong kiểm tra, giám sát hoặc xem xét, xử lý chưa nghiêm minh các trường hợp vi phạm, có biểu hiện lợi ích nhóm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng lợi ích nhóm tiêu cực phát triển. Một nguyên nhân tiếp theo là cấp ủy các cấp chưa kịp thời chỉ đạo nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định về chủ trương, chính sách, cơ chế phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị để bảo đảm thực hiện đúng quy định, từng bước ngăn ngừa phát sinh lợi ích nhóm trong các lĩnh vực này (còn nữa).