TCCSĐT - Ngày 06-01-2018, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong bối cảnh Berlin và Ankara đang cố gắng chấm dứt cuộc khủng hoảng gây "nhức nhối" quan hệ song phương.
Ngoại trưởng Cavusoglu trong một bài bình luận trên báo hôm 05-01 đã hối thúc chấm dứt "những tranh cãi ngoại giao" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức, đồng thời mở ra "một sự khởi đầu mới" dựa trên tình hữu nghị và hợp tác giữa "các đối tác bình đẳng."

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin cũng tìm cách "từng bước" nối lại quan hệ hữu nghị và các cuộc hội đàm ngày 06-01 sẽ bao trùm nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề "gai góc."

Theo Reuters, tại cuộc đàm phán các ngoại trưởng Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí dỡ bỏ tất cả những rào cản nhằm cải thiện quan hệ song phương vốn đã bị xói mòn do những tranh cãi về cuộc đàn áp hậu đảo chính của Ankara và những vụ bắt giữ công dân Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã chỉ ra những mối liên kết lịch sử giữa hai quốc gia và nêu rõ: "Cả hai chúng tôi đã nỗ lực hết sức có thể nhằm vượt qua những khó khăn đang tồn tại trong mối quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ và tìm ra thêm những điểm chung trong tương lai bằng cách ghi nhớ mọi thứ đã ràng buộc hai bên."

Về phần mình, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho biết cả hai bên tin rằng có thể giải quyết những leo thang căng thẳng gần đây thông qua đối thoại.

Hai ngoại trưởng đồng thời thừa nhận rằng giữa hai nước vẫn còn tồn tại những bất đồng và theo ông Cavusoglu, một điểm tranh cãi là liệu Ankara có nên được phép gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hay không, động thái mà Berlin đã phản đối.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng nhấn mạnh: "sẽ là điều có lợi khi gác lại những bất đồng sang một bên và tiếp tục con đường của chúng ta. Chúng ta nên tập trung vào những vấn đề có lợi cho đôi bên như Liên minh Hải quan". Trong khi Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng cho biết đã thảo luận cả những vấn đề "gai góc" với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ song không nêu rõ chi tiết.

Quan hệ giữa hai đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này đã trở nên vô cùng căng thẳng, đặc biệt từ sau cuộc đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc trấn áp tiếp sau đó dẫn đến hàng chục nghìn người bị bắt giữ, trong đó có cả những công dân Đức hoặc công dân quốc tịch kép./.