TCCSĐT - Ngày 06-12-2017, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Phát triển khu công nghệ thông tin tập trung tại Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long - Định hướng liên kết thành viên chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung”.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo Công viên phần mềm Quang Trung (thành phố Hồ Chí Minh), các doanh nghiệp công nghệ thông tin viễn thông đến từ thành phố Hồ Chí Minh, các nhà khoa học và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông thành phố Cần Thơ Đỗ Hoàng Trung cho biết: Hội thảo này là cơ hội để Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan Trung ương có liên quan, các địa phương, các chuyên gia về công nghệ thông tin viễn thông, các doanh nghiệp cùng nhau đối thoại, thảo luận, đánh giá về những tiềm năng, lợi thế và đề xuất các phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin và khu công nghệ thông tin tập trung tại thành phố Cần Thơ cũng như Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm qua 15 xây dựng và phát triển của Khu Công viên phần mềm Quang Trung, 10 năm xây dựng và phát triển Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thành tựu, hạn chế và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng các khu công viên phần mềm này và các khu công nghệ thông tin của một số quốc gia trên thế giới, Hội thảo đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình xúc tiến xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ - trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long:

Thứ nhất, địa điểm xây dựng là yếu tố rất quan trọng. Thực tế cho thấy, hầu hết các khu công nghệ thông tin tập trung thành công trên thế giới đều nằm ngay bên trong hoặc bên cạnh các khu đô thị phát triển, có hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển cao, có nguồn nhân lực đồi dào và nhiều nguồn cung ứng các dịch vụ hỗ trợ khác.

Thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố sống còn. Sở hữu nguồn cung nhân lực có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt, có kỷ luật lao động tốt, với mức chi phí có tính cạnh tranh cao; nguồn nhân sự quản lý có năng lực và kinh nghiệm phù hợp là những yếu tố quyết định sự thành công của nhiều khu công nghệ thông tin tập trung.

Thứ ba, phải xác định được thị trường tiềm năng. Một khu công nghệ thông tin tập trung không nên làm tất cả mọi thứ cho mọi thị trường mà nên tập trung vào một vài lĩnh vực mà khu vực, vùng hoặc địa phương đó có thế mạnh và tập trung vào một số thị trường nhất định.

Thứ tư, phải tạo ra được sự khác biệt. Muốn thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào các khu công nghệ thông tin, chính quyền địa phương phải tạo ra được những sự khác biệt mà nhà đầu tư khó có thể tìm được ở nơi khác. Muốn vậy, các khu công nghệ thông tin tập trung cần liên kết các nguồn lực, biết cách vận động chính sách để phát huy tối đa thế mạnh của vùng, miền, mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, Sở Thông tin và truyền thông thành phố Cần Thơ đã giới thiệu Đề án thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ và các chính sách của Thành phố về hỗ trợ, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư và khu công nghệ thông tin này. Theo quy hoạch, Khu Công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ có diện tích hơn 20ha, tọa lạc tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, bao gồm nhiều hạng mục như: khu phát triển phần mềm và nội dung số; khu lắp ráp, sản xuất các thiết bị điện tử, viễn thông; khu đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin; khu triển lãm giới thiệu thành tựu công nghệ thông tin; trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại;…Đề án nêu ra 3 kịch bản phát triển:

- Kịch bản 1: Khu Công nghệ - thông tin tập trung thành phố Cần Thơ là trung tâm dịch vụ và hạ tầng phát triển kinh tế thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kịch bản này hướng đến mục tiêu đưa Khu Công nghệ - thông tin tập trung thành phố Cần Thơ trở thành trụ cột để phát triển Cần Thơ thành trung tâm dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long và hướng tới khu vực Đông Nam Á. Theo đó, ngành công nghệ - thông tin sẽ phát triển theo hướng đủ sức phục vụ các dịch vụ có tầm vóc khu vực như; dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính, dịch vụ hàng không, dịch vụ dầu khí, dịch vụ du lịch, dịch vụ kinh tế biển.

- Kịch bản 2: Khu Công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ là trụ cột của hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, với mục tiêu phát triển Cần Thơ thành trung tâm của ngành nông nghiệp hiện đại của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, Cần Thơ cần xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, trở thành một khâu trong chuỗi giá trị của ngành và kết nối với chuỗi cung ứng của ngành công nghệ thông tin; thu hút các nhà đầu tư nông nghiệp hiện đại; tạo môi trường vốn, hạ tầng, nhân lực, chính sách cho các sản phẩm công nghệ thông tin và internet vạn vật (IoT) trong nông nghiệp hiện đại.

- Kịch bản 3: Khu Công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ là trụ cột của hệ sinh thái logistics hiện đại cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và hướng tới khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Thành phố cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại, thu hút và phát triển nhiều nhà đầu tư logistics hiện đại; tạo môi trường vốn, hạ tầng, nhân lực, chính sách cho các sản phẩm công nghệ thông tin và internet vạn vật (IoT) trong nông nghiệp hiện đại.

Hội thảo thống nhất nhận định: Xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ trên cơ sở định hướng liên kết với chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung và học tập, chia sẻ kinh nghiệm từ các khu công nghệ thông tin tập trung trên thế giới là cần thiết, nhằm xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm khoa học - công nghệ của vùng đồng bằng sông Cửu Long theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, ngành công nghệ thông tin được xác định là ngành công nghiệp quan trọng, mũi nhọn cần được ưu tiên phát triển trong thời gian tới./.