TCCSĐT - Sau hàng loạt sức ép, Tổng thống Zimbabwe R. Mugabe đã chấp nhận từ chức. Động thái này chấm dứt gần 4 thập niên cầm quyền đầy bất ổn của vị Tổng thống 93 tuổi, đồng thời đặt ra thách thức đối với nhà lãnh đạo mới của quốc gia miền Nam châu Phi này.

Bất ổn chính trị, kinh tế yếu kém - những thách thức cho lãnh đạo mới Zimbabwe

 
 Ông E. Mnangagwa chính thức nhậm chức Tổng thống Zimbabwe ngày 24-11-2017. Ảnh: CNN

Ngày 21-11, Tổng thống Zimbabwe R. Mugabe đã tuyên bố từ chức ngay sau khi Quốc hội bắt đầu tiến trình luận tội đối với ông. Trong phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Zimbabwe J. Mudenda thông báo, Tổng thống R. Mugabe đã từ chức trong bức thư gửi đến Quốc hội, đồng thời dừng tiến trình luận tội. Trước đó, trong một cuộc bỏ phiếu, 230 nghị sĩ của đảng ZANU-PF cầm quyền trong tổng số 260 nghị sĩ Quốc hội Zimbabwe đã thông qua kiến nghị luận tội tổng thống, trong khi hàng nghìn người dân Zimbabwe cũng tập trung trước Quốc hội để biểu tình yêu cầu ông R. Mugabe từ chức.

Việc Tổng thống R. Mugabe chấp nhận từ chức đã chấm dứt thời gian cầm quyền kéo dài gần 40 năm tại Zimbabwe. Ông R. Mugabe là nhà lãnh đạo duy nhất của Zimbabwe kể từ khi quốc gia châu Phi này giành độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1980. Ông R. Mugabe từng đóng vai trò là người lãnh đạo cuộc chiến tranh giành độc lập của Zimbabwe và được ca ngợi là một trong những nhà lập quốc vĩ đại và anh hùng giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, các chính sách điều hành đất nước của Tổng thống R. Mugabe ngày càng thất bại đẩy Zimbabwe đi vào “ngõ cụt”. Trong 37 năm cầm quyền, ông R. Mugabe đã biến Zimbabwe từ một trong những đất nước giàu có nhất châu Phi thành một nền kinh tế yếu kém và bất ổn chính trị. Dư luận cho rằng, nguyên nhân là do sự quản lý yếu kém cùng với nhiều chính sách kinh tế chưa phù hợp, nạn tham nhũng tràn lan cùng những bất đồng chính trị. Thực tế cho thấy, trong suốt 10 năm qua, tình hình Zimbabwe vẫn liên tục căng thẳng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và những bất ổn chính trị. Những bất đồng chính trị dẫn tới hàng loạt vụ bạo lực thời gian qua, nhất là sau các cuộc bầu cử cũng đang đẩy đất nước Zimbabwe vào tình cảnh khó khăn chồng chất và gây ra nhiều bất ổn xã hội. Các nhà phân tích cho rằng, hàng loạt khó khăn này là những thách thức không nhỏ đối với Tổng thống mới của Zimbabwe trong thời gian tới.

Ngày 24-11, cựu Phó Tổng thống E. Mnangagwa đã chính thức nhậm chức Tổng thống Zimbabwe. Sự kiện này đánh dấu chương cuối cùng trong tiến trình chuyển giao chính trị không dẫn tới bạo lực và đổ máu tại Zimbabwe. Ông E. Mnangagwa sẽ đảm đương phần còn lại trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống R. Mugabe cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, theo kế hoạch được tổ chức vào tháng 9-2018. Phát biểu trước những người ủng hộ, ông E. Mnangagwa khẳng định, Zimbabwe đang bước vào giai đoạn mới của nền dân chủ. Ông cam kết sẽ phục vụ nhân dân, đồng thời đề nghị người dân đoàn kết nhằm bảo đảm thịnh vượng cũng như thúc đẩy kinh tế để tạo việc làm. Theo ông E. Mnangagwa, người dân Zimbabwe cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm tái thiết nền kinh tế, đồng thời cho biết đã bắt đầu nhận được cam kết hỗ trợ từ một số nước trên thế giới.

Nhiệm vụ sắp tới của Tổng thống E. Mnangagwa sẽ là lãnh đạo chính phủ đoàn kết lâm thời với trọng tâm tái thiết các mối quan hệ với thế giới bên ngoài và ổn định nền kinh tế vốn đã suy thoái nghiêm trọng của Zimbabwe. Ông E. Mnangagwa sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhằm giải quyết được mọi vấn đề khó khăn của Zimbabwe hiện nay.

Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu hướng tới thập niên năng động

 
 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á - Âu lần thứ 13 (ASEM 13). Ảnh: TTXVN

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á - Âu lần thứ 13 (ASEM 13) đã kết thúc tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nhiều quyết định quan trọng, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu hướng tới thập niên năng động, đồng thời định hướng cho hợp tác của Diễn đàn trong thời gian tới.

Hội nghị ASEM 13 đã diễn ra trong hai ngày 21 và 22-11, tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar). Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững”, các bộ trưởng ngoại giao đã tiến hành phiên họp về “Các vấn đề quốc tế và khu vực”, đặc biệt các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh hàng hải… Các thành viên chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp tại Trung Đông - Bắc Phi, Ukraine, khủng hoảng nhập cư, tác động của việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Hoa Đông. Hội nghị nhất trí về nhu cầu cấp thiết cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, khẳng định cam kết cùng nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại, đề cao các biện pháp xây dựng lòng tin, nguyên tắc kiềm chế sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Hội nghị đánh giá cao vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 đã đề ra những định hướng và các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả, cũng như nâng tầm hợp tác của ASEM trong thập niên phát triển mới của Diễn đàn. Những kết quả tích cực đạt được tại Hội nghị tiếp tục chứng tỏ vai trò của ASEM là một cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng. Các thành viên đều khẳng định quyết tâm chung tăng cường quan hệ đối tác năng động và gắn kết giữa hai châu lục Á - Âu trong giai đoạn mới. Tại phiên bế mạc, các thành viên hoan nghênh EU đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 vào năm 2018 và Tây Ban Nha đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 vào năm 2019, đồng thời khẳng định cùng nỗ lực phối hợp bảo đảm thành công của các hội nghị.

Đại hội đối thoại dân tộc - giải pháp cho nền hòa bình Syria

 
 Các nhà lãnh đạo Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc gặp thượng đỉnh. Ảnh: Reuters

Với hy vọng sẽ tạo được nền tảng về một tương lai tốt đẹp cho Syria, ngày 22-11, tại thành phố Sochi (Nga), Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh về vấn đề Syria. Cuộc gặp thượng đỉnh này được tổ chức sau thành công từ một loạt cuộc đối thoại hòa bình do Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan trong những tháng qua.

Tại Hội nghị, Tổng thống Nga V. Putin, Tổng thống Iran H. Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan đã thảo luận các bước đi tiếp theo để bảo đảm cho tiến trình bình thường hóa lâu dài tình hình tại Syria, bao gồm khởi động tiến trình chính trị, các yêu cầu để tổ chức Đại hội Đối thoại dân tộc Syria, tình hình tại các khu vực giảm căng thẳng, đặc biệt là tại các nơi có lực lượng người Kurd vũ trang, giúp đỡ nhân đạo cho Syria.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Nga V. Putin khẳng định có “cơ hội thực sự” để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài nhiều năm qua tại Syria. Thừa nhận tiến trình cải cách sẽ không đơn giản, Tổng thống V. Putin nhấn mạnh “cần sự đồng thuận và nhượng bộ từ tất cả các bên, trong đó bao gồm chính phủ Syria”. Ông V. Putin cũng bày tỏ tin tưởng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nỗ lực hết sức để biến điều này thành hiện thực. Theo Tổng thống Nga, chiến dịch quân sự quy mô chống lực lượng khủng bố ở Syria đang vào giai đoạn kết thúc, nhờ có nỗ lực của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ mà Syria đã thoát khỏi nguy cơ bị chia cắt, ngăn chặn được bước chiếm đóng của khủng bố quốc tế cũng như tránh được thảm họa nhân đạo. Ông V. Putin cũng ghi nhận vai trò đặc biệt của hai người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình Astana, cũng như trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thành lập các khu vực giảm căng thẳng. Ông bày tỏ hy vọng 3 nước sẽ tiếp tục nỗ lực tối đa để “Đại hội Đối thoại dân tộc Syria” đạt kết quả tốt nhằm tạo điều kiện cho nhân dân Syria tự lựa chọn tương lai và thống nhất các nguyên tắc thể chế nhà nước.

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Iran H. Rouhani cho rằng, cần chấm dứt mọi sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc xung đột tại Syria, nhấn mạnh sự hiện diện quân sự của nước ngoài chỉ có thể được chấp nhận nếu là do Chính phủ Syria mời đến. Ông H. Rouhani cũng nhấn mạnh cần “nhổ rễ” các nhóm khủng bố cuối cùng tại Syria và chuẩn bị không gian cho giải pháp chính trị, đồng thời nhấn mạnh, số phận của Syria hoàn toàn do người dân Syria quyết định, chứ không phải các nước bên ngoài.

Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan cho biết, các quyết định quan trọng sẽ được đưa ra nhằm đạt một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời cho biết, cuộc gặp này đóng vai trò quan trọng để các bên phối hợp tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Kết thúc hội nghị, lãnh đạo 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua tuyên bố chung, trong đó xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác về vấn đề Syria. Tổng thống Nga, Tổng thống Iran và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đều ủng hộ sáng kiến triệu tập Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi, đồng thời nhất trí xem xét vấn đề về thời gian và thành phần tiến hành sự kiện quan trọng này, nhằm bảo đảm sự tham gia rộng rãi của các phe phái ở Syria.

Các nhà phân tích cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về vấn đề Syria cho thấy, nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đồng thời tiếp tục củng cố vị thế ở khu vực Trung Đông của cả ba nước. Hiện tại, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang chiếm ưu thế trên “bàn cờ” Syria sau thắng lợi lớn tại một loạt thành phố được coi là thành trì của IS ở Syria của quân đội Syria dưới sự hỗ trợ của lực lượng quân đội Nga. Thực tế cho thấy, Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Sochi nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết khủng hoảng ở Syria được tổ chức sau thành công của một loạt cuộc đối thoại hòa bình về Syria do ba nước này bảo trợ diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Trong khuôn khổ tiến trình đàm phán hòa bình Syria này, các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký kết thỏa thuận thiết lập và giám sát 4 vùng giảm căng thẳng ở Syria. Nhờ đó, tình trạng bạo lực đã giảm đáng kể tại Syria. Cộng đồng quốc tế hy vọng, với những nỗ lực không ngừng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm qua ở Syria cướp đi sinh mạng của khoảng 330.000 người sẽ sớm kết thúc.

Dự án đường dẫn dầu Keystone XL: gỡ bỏ những tranh cãi giữa Mỹ và Canada

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

Ngày 20-11, các nhà điều phối của bang Nebraska đã cấp giấy phép cho Tập đoàn TransCanada xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL giữa Canada và Mỹ. Đây là trở ngại hành chính cuối cùng đối với dự án gây tranh cãi vốn bị trì hoãn nhiều năm này.

Dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối Mỹ và Canada do Tập đoàn TransCanada Corp của Canada và Tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008, có tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, với tổng chiều dài 3.462 km, chạy từ tỉnh Alberta của Canada tới Vịnh Mexico ở miền Nam nước Mỹ, đi qua 6 bang của nước này và kết thúc tại các nhà máy lọc dầu ở thành phố Houston và cảng Athur, bang Texas. Tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn và khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu ở Canada tới các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu, dự án đường ống dẫn dầu xuyên quốc gia hợp tác giữa hai nước láng giềng Mỹ và Canada này đã trở thành vấn đề chính trị gây tranh cãi tại Mỹ. Thậm chí, đã có một “cuộc chiến” giữa Nhà Trắng với lưỡng viện Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát vốn ủng hộ xây dựng đường ống Keystone XL liên quan đến vấn đề này.

Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa coi dự án Keystone XL là ưu tiên hàng đầu và cho rằng, đây là dự án giúp tạo thêm việc làm cũng như tăng sự độc lập về năng lượng của Mỹ. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống mãn nhiệm B. Obama, đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ tính hiệu quả của dự án Keystone XL khi cho rằng, dự án này sẽ không phục vụ cho các lợi ích quốc gia của Mỹ, không đóng góp vào tăng trưởng kinh tế dài hạn hay làm giảm giá khí đốt cũng như bảo vệ môi trường. Trong 8 năm lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống B. Obama đã bốn lần dùng quyền hành pháp để phủ quyết dự luật xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL dù đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua.

Dự án Keystone XL cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm hoạt động về môi trường ở Mỹ và Canada phản đối vì lo ngại dự án sẽ phá hủy môi trường và hệ sinh thái những nơi đường ống chạy qua. Theo các nhà hoạt động môi trường Mỹ, dự án này cũng sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng để chiết xuất dầu và có thể dẫn tới thảm họa sinh thái nếu xảy ra sự cố tràn dầu, đe dọa tầng nước ngầm tại các bang thuộc khu vực cao nguyên rộng lớn ở miền Trung nước Mỹ, gây nguy hiểm cho các thị trấn ở nông thôn cũng như cho người dân địa phương. Năm 2011, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường từng tổ chức cuộc biểu tình ngay trước Nhà Trắng. Do đó, chính quyền Mỹ đã nhiều lần trì hoãn phê duyệt dự án này trong năm 2011 và 2012. Nhưng theo báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự án Keystone XL do Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành mới đây, những lo ngại về môi trường là không đáng kể và cũng không ảnh hưởng đến sản lượng dầu cát hay việc tiêu thụ dầu của Mỹ. Trong khi đó, Canada cho rằng, dự án Keystone XL sẽ giúp tạo ra hàng nghìn việc làm cho cả hai nước và tăng cường an ninh năng lượng cho khu vực Bắc Mỹ. Phản ứng lại quyết định phủ quyết dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối giữa Mỹ và Canada của chính quyền Mỹ, Chính phủ Canada đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ sự thất vọng. Các nhà phân tích cho rằng, với việc bang Nebraska đã cấp giấy phép cho Tập đoàn TransCanada xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL giữa Canada và Mỹ, quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng và môi trường giữa Mỹ và Canada đã vượt qua được trở ngại./.