TCCSĐT - Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, ngày 10-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội đàm với các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo cao cấp của các nước.

* Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, sáng 10-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia Malcom Turnbull.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Australia Malcom Turnbull tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng, cảm ơn Chính phủ Australia đã tích cực phối hợp, hỗ trợ Việt Nam tổ chức Năm APEC 2017.

Nhân dịp này, Thủ tướng Malcom Turnbull đã chuyển lời thăm hỏi đến nạn nhân của các tỉnh miền Trung Việt Nam vừa chịu thiệt hại do cơn bão Damrey.

Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam - Australia kể từ sau khi ký Tuyên bố chung về Đối tác Toàn diện Tăng cường 2015.

Trên nền tảng vững chắc của mối quan hệ này và tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước, hai bên nhất trí sẽ sớm nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên Đối tác Chiến lược.

Hai Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao hai nước tiếp tục trao đổi để lãnh đạo hai nước có thể ký kết văn kiện Đối tác chiến lược vào thời gian sớm nhất.

Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về việc kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng tích cực, đạt 5,2 tỷ USD năm 2016 so với 32,3 triệu USD năm 1990, đưa Australia trở thành bạn hàng thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam; hợp tác quốc phòng - an ninh ngày càng tin cậy, thực chất; hợp tác giáo dục - đào tạo, lao động, du lịch và giao lưu nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Australia mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư, kinh doanh với Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, năng lượng, khai khoáng, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, tăng hơn nữa mức đầu tư của Australia tại Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Australia.

Thủ tướng cũng đề nghị Australia tiếp tục duy trì viện trợ phát triển chính thức (ODA) và cung cấp học bổng cho Việt Nam.

Nhân dịp này, hai bên đã thảo luận và chia sẻ nhiều đánh giá về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt nhằm thúc đẩy xu hướng đối thoại và hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định và trật tự khu vực dựa trên luật lệ.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc pháp lý.

Cùng ngày, tại cuộc tiếp các doanh nghiệp hàng đầu của Australia trong các lĩnh vực y tế, sản xuất, chế tạo, khai khoáng, dầu khí, hàng không và chế biến nông sản chất lượng cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp Australia sang Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao CEO trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao APEC 2017; đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Australia.

Lắng nghe các chia sẻ và đề xuất của các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật của Việt Nam, nước sở tại và các tiêu chuẩn, quy định của thế giới.

Thủ tướng cũng khẳng định Lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Tăng cường giữa Việt Nam và Australia, trong đó xác định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trụ cột rất quan trọng, theo đó hai bên quyết tâm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD thời gian tới.

Nhấn mạnh tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục tìm cơ hội đầu tư và làm ăn hiệu quả, minh bạch và lâu dài, cùng có lợi tại Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và kỹ thuật cao thân thiện với môi trường.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Australia đã thành công ở Việt Nam làm cầu nối cho các doanh nghiệp khác của Australia tăng cường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời góp phần thúc đẩy Chính phủ Australia tăng cường kinh tế thương mại và đầu tư với Việt Nam vì lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp hai nước.

* Sáng 10-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng mới được bầu của New Zealand, bà Jacinda Ardern.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Công Đảng và cá nhân Thủ tướng Jacinda Ardern đã giành được thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử vừa qua; bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường và củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện tốt đẹp hiện có giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ và nhân dân New Zealand đã hỗ trợ 500.000 đôla New Zealand cho các địa phương Việt Nam bị ảnh hưởng của cơn bão Damrey.

Thủ tướng New Zealand đánh giá cao Việt Nam trong vai trò chủ nhà Năm APEC 2017; bày tỏ tin tưởng thành công của Hội nghị Cấp cao APEC lần này sẽ góp phần tạo động lực mới và duy trì đà tăng trưởng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đề nghị hai bên hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm khi New Zealand đăng cai Năm APEC 2021.

Thủ tướng New Zealand cũng đánh giá cao việc Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc họp của lãnh đạo 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước thành viên khác để đề ra hướng đi phù hợp cho TPP trong thời gian tới.

Hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam - New Zealand đang phát triển tốt đẹp và ngày càng đi vào thực chất; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cũng như giao lưu nhân dân; thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 1,7 tỷ USD vào năm 2020 như đã đề ra.

Hai Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký Chương trình Hành động Việt Nam - New Zealand giai đoạn 2017 - 2020 nhân dịp này và giao các bộ, ngành hữu quan hai bên triển khai hiệu quả, đầy đủ, đưa hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu.

Thủ tướng Jacinda Ardern khẳng định sẽ tiếp tục duy trì ODA, cung cấp học bổng cho Việt Nam; ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc tạo điều kiện cho các mặt hàng trái cây nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường New Zealand, trước mắt là quả chôm chôm.

Hai bên cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có Biển Đông; nhất trí cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Jacinda Ardern thăm chính thức Việt Nam vào thời gian sớm nhất; Thủ tướng Jacinda Ardern mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức New Zealand trong dịp Thủ tướng thăm Australia.

* Ngày 10-11, tại Trung tâm Hội nghị Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh bà Christine Lagarde Giám đốc IMF đã tham dự và đóng góp tích cực tại các hội nghị của Tuần lễ Cấp cao APEC.

Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả các hoạt động giám sát, đánh giá, tư vấn của IMF đối với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế vĩ mô cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho Việt Nam...

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục nỗ lực phát huy nội lực, kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Với mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị IMF tiếp tục tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế vĩ mô, hoàn thiện các công cụ tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính-ngân hàng; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam về quản lý kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân hàng.

Cảm ơn đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các hoạt động của IMF trong thời gian qua, Giám đốc Điều hành IMF C. Lagarde cho biết, ngoài hỗ trợ về tài chính, IMF đang nghiên cứu đẩy mạnh hỗ trợ cho Việt Nam về kỹ thuật và đào tạo.

Khẳng định hoàn toàn ủng hộ các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam về giảm bất bình đẳng xã hội và tăng cường hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, bà C. Lagarde khuyến nghị Việt Nam cần tiếp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ trong phát triển kinh tế.

* Ngày 10-11, tại Trung tâm Hội nghị Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-Ngor), Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong nhân dịp sang Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao APEC.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-Ngor), Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong. Ảnh: TTXVN

Tại buổi tiếp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp tích cực của nền kinh tế Hong Kong vào thành công của Năm APEC 2017 tại Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng trước những kết quả đáng khích lệ trong hợp tác giữa hai bên, Thủ tướng khẳng định Khu hành chính đặc biệt Hong Kong là một trong những đối tác kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng hàng đầu của Việt Nam; mong muốn trong nhiệm kỳ này của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, vị trí của Hong Kong với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ 9 và đối tác FDI lớn thứ 6 của Việt Nam sẽ còn được nâng cao hơn nữa.

Để tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai bên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực của Hong Kong mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như dịch vụ vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến… trên cơ sở bảo đảm các tiêu chí về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; mở rộng hợp tác về tài chính tiền tệ, chứng khoán, ngân hàng...

Thủ tướng mong phía Hong Kong tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lao động Việt Nam, tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày; ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch tại Hong Kong; mở rộng trao đổi, hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, lao động, du lịch giữa hai bên.

Về phần mình, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp; bày tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đánh giá cao công tác tổ chức Năm APEC Việt Nam 2017.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng khẳng định Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong coi trọng phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch./.