Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Đồng tình lùi thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 02-11, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe và thảo luận Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28-11-2014, của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
* Điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới
Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28-11-2014, của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày nêu rõ: Nghị quyết số 88 của Quốc hội yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Lộ trình cụ thể đối với từng lớp là: Năm học 2018 - 2019: Lớp 1, lớp 6 và lớp 10; Năm học 2019 - 2020: Lớp 2, lớp 7 và lớp 11; Năm học 2020 - 2021: Lớp 3, lớp 8 và lớp 12; Năm học 2021 - 2022: Lớp 4 và lớp 9; Năm học 2022 - 2023: Lớp 5.
Bộ trưởng cho biết đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 88 tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập. Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến; việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn. Nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nếu theo lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới nêu tại Nghị quyết 88 thì việc chuẩn bị giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong 3 năm học đầu tiên của lộ trình, mỗi năm học đều phải triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở 3 lớp thuộc ba cấp học khác nhau, trong khi 2 năm học cuối của lộ trình mỗi năm học chỉ triển khai thêm ở 1 hoặc 2 lớp ở cấp tiểu học.
Mặt khác, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa thông qua Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chính phủ cần có thời gian để chỉ đạo triển khai các nghị quyết này trong ngành giáo dục, đánh giá tác động của chính sách đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và có biện pháp giải quyết.
Để bảo đảm chất lượng, hiệu quả xây dựng và áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đồng thời tạo sự đồng thuận, yên tâm của xã hội, Bộ trưởng nêu rõ: Cần điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Theo Tờ trình, lộ trình cụ thể đối với từng lớp như sau: Năm học 2019 - 2020: Lớp 1; Năm học 2020 - 2021: Lớp 2 và lớp 6; Năm học 2021 - 2022: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2022 - 2023: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2023 - 2024: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
So với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm. Tuy nhiên, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88 là triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học và sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
* Tán thành việc lùi thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới
Qua thảo luận, hầu hết ý kiến các đại biểu Quốc hội đồng tình lùi thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới 1 năm như Chính phủ trình. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị ngành giáo dục phải cam kết chuẩn bị thật tốt các điều kiện để đổi mới giáo dục phổ thông thành công bởi lo ngại dù thêm thời gian nhưng dường như vẫn chưa đủ để ngành giáo dục chuẩn bị, bởi tất cả vẫn còn quá ngổn ngang. “Chỉ lùi 1 năm thì có đủ thời gian thực hiện hay không?. Từ chương trình, sách giáo khoa đều cần thời gian hoàn thiện, thử nghiệm, không thể cập rập; rồi cơ sở vật chất, nhất là đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập”, là băn khoăn của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận). Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, lùi 1 năm, thậm chí 2 - 3 năm không đặt thành vấn đề, nhưng quan trọng là ngành giáo dục phải thay đổi được cơ cấu đầu tư cho giáo dục, bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục...
Nghi ngại việc lùi việc thực hiện có thể làm tăng kinh phí, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đặt câu hỏi “trong 3 năm vừa qua, Bộ đã làm được những gì, tiêu tốn bao nhiêu tiền, còn lại bao nhiêu tiền trong số kinh phí đã được phê duyệt, đề nghị báo cáo Quốc hội”. Theo đại biểu, thêm thời gian chắc chắn là thêm tiền, vì phải có người làm, có thêm việc. “Lùi mấy năm cũng được, nhưng phải bảo đảm không tăng thêm kinh phí, hoặc tăng thêm thì Quốc hội phải kiểm soát được”, đại biểu đề nghị.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông thành công, ngoài việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa bảo đảm chất lượng, cần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực học sinh; giảm sĩ số lớp học... Trong đó, đặc biệt phải chú trọng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, vì đó là yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục. Trong khi đó hiện nay, đội ngũ đang vừa thừa vừa thiếu, một bộ phận không nhỏ chưa đạt chuẩn.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương và một số ý kiến cho rằng, Chính phủ phải rút kinh nghiệm trong việc xây dựng đề án, trình đề án ra Quốc hội vì đã không tính toán đầy đủ các điều kiện, không bảo đảm tính khả thi. “Rút kinh nghiệm, tránh tình trạng phải sửa Nghị quyết của Quốc hội. Đây cũng là vấn đề Quốc hội cần thể hiện thái độ nghiêm khắc để không tạo thành tiền lệ. Phải chuẩn bị kỹ, kể cả nguồn lực thực hiện mới trình ra Quốc hội”, đại biểu Mỹ Hương nêu.
Giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết đây là lần đầu tiên có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, từ đó mới có chương trình từng môn học, sách giáo khoa để giáo viên giảng dạy. Sách giáo khoa lần này cũng chuyển từ phương thức truyền thống là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực học sinh, thực học, thực nghiệp, dân chủ trong giáo dục. “Mới nhưng phải kế thừa, phù hợp với điều kiện đất nước, khắc phục những bất cập, không phải là mới tinh hoàn toàn. Quan trọng nhất là đổi mới phương pháp, có sự liên thông, không chia cắt môn học. Những kiến thức nền tảng, căn bản là ổn định, còn lại tạo độ mở, để các địa phương chủ động 20% kiến thức”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm, sách giáo khoa có hay đến đâu mà giáo viên không tốt cũng khó thành công. Nửa năm nay, ngành giáo dục đã rà soát để có chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ quản lý, trên cơ sở đó các thầy, cô, cán bộ quản lý giáo dục trước hết phải tự hoàn thiện, sau đó mới đến bước bồi dưỡng tập trung của Bộ. Về băn khoăn của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Bộ trưởng cho biết: “Hiện nay mới tiêu hết hơn 50 tỷ đồng. Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ báo cáo để Quốc hội yên tâm”.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua, kể cả nội dung về các phương án lùi 1 năm, 2 năm hay 3 năm./.
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay