TCCSĐT - Ngày 14-9-2017, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 02 dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và Luật An ninh mạng.
Đảm bảo cạnh tranh bình đẳng

Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) nêu rõ, Luật Cạnh tranh sau 12 năm thi hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu quả thực thi, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn tình hình mới.

Việc sửa đổi này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành như: khắc phục hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường trong nước; thay đổi cách tiếp cận để kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh để phản ánh đúng bản chất và tác động của hành vi, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định là sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Dự thảo Luật gồm 121 điều, bố cục trong 9 chương. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều, bãi bỏ 49 điều.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế để khai thác tốt cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh cũng là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc sửa đổi Luật Cạnh tranh là cần thiết bởi luật hiện hành có nhiều hạn chế, bất cập không còn phù hợp với tình hình mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay; việc hoàn thiện thể chế cạnh tranh để tăng cường tính minh bạch, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh

Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để làm rõ hơn mối quan hệ giữa Luật Cạnh tranh và các luật khác có liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự, Luật Viễn thông, Luật Phí và Lệ phí, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng…, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Ban soạn thảo đã làm việc với các bộ, ngành liên quan, tiếp thu để hoàn hiện dự thảo luật. Đối với một số luật khác có khả năng xung đột với luật này như Luật Quảng cáo, dự thảo đã làm rõ cách thức để xử lý khi có những xung đột pháp luật.

Dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành; theo đó, không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam.

Thẩm tra nội dung này, cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Trong thời gian gần đây, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có quy định nghĩa vụ thực thi luật và chính sách về cạnh tranh nhằm bảo đảm điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, đầu tư, phúc lợi người tiêu dùng tại các nước thành viên.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo thêm về tính khả thi của quy định này trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ khác thì áp dụng theo quy định của pháp luật nào; bổ sung số liệu về các hành vi của các tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam trong thời gian qua; nghiên cứu bổ sung quy định về các hành vi cụ thể của các tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam, cụ thể hóa hơn quy định “có khả năng” gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.

Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, dự thảo luật nhằm tạo sự minh bạch, điều kiện để cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh nhưng những quy định của dự luật còn nặng về nội bộ trong nước, nói mở rộng phạm vi điều chỉnh nhưng những quy định để mở rộng phạm vi đối với hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam còn rất ít trong dự luật.

Tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc mở rộng không được chồng chéo, mâu thuẫn với các điều luật khác đã ban hành; việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cả đối với các hành vi xác lập ngoài lãnh hổ Việt Nam thì cần có những cơ chế để đảm bảo sự khả thi của quy định này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá dự luật có sự mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cách tiếp cận mới, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét dự thảo có bổ sung một nội dung rất rộng đó là cơ quan quản lý cạnh tranh xử lý cả cơ quan nhà nước ban hành các văn bản hành chính, các quyết định làm hạn chế cạnh tranh. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong điều kiện cơ quan quản lý cạnh tranh nằm trong Bộ Công Thương, dự thảo luật cần phải thiết kế khác đi để làm sao khi cơ quan này phát hiện sai phạm, sẽ giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương xứ lý, nếu Bộ trưởng không xử lý được phải tham mưu cho Thủ tướng hoặc Chính phủ xử lý...

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Ban soạn thảo cần hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.

*** Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục phiên họp thứ 14, cho ý kiến về Dự án Luật An ninh mạng. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên họp.

Cần thiết ban hành Luật An ninh mạng


Theo báo cáo, tình hình an ninh mạng ở Việt Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nhất là các cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp lớn, làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Trong năm 2016, Việt Nam phát hiện 135.190 cuộc tấn công mạng, tăng gấp 3 lần so với năm 2015; trong đó có 10.276 cuộc tấn công lừa đảo (phishing), 47.135 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại (malware) và 77.779 cuộc tấn công thay đổi giao diện (deface).

Vấn đề sử dụng không gian mạng thực hiện các hành vi chống đối, âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” có chiều hướng gia tăng. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng không gian mạng để hoạt động chống phá, đăng tải các video, thông tin, bài viết sai trái, xuyên tạc tình hình đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động người dân biểu tình, bạo loạn... gây mất ổn định về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh.

Bên cạnh đó, việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội trong thời gian qua cũng gia tăng, nhất là tình hình đối tượng tấn công mạng, xâm nhập cơ sở dữ liệu của các ngân hàng, doanh nghiệp bán hàng, thanh toán trực tuyến để trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, làm thẻ giả để lấy tiền của chủ tài khoản; sử dụng Internet, viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (thông qua kinh doanh, bán hàng, huy động vốn), tống tiền, rửa tiền, đánh bạc, phát tán ấn phẩm đồi trụy, khiêu dâm, buôn bán vũ khí, ma túy, hàng cấm...

Tình hình sử dụng phần mềm độc hại, gián điệp để đánh cắp, thu thập thông tin bí mật Nhà nước, bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên các ứng dụng, phần mềm thiết bị di động, thông qua tin nhắn, thư điện tử hoặc ứng dụng độc hại, mã độc. Từ năm 2001 đến tháng 12/2016, các cơ quan chức năng đã phát hiện 502 vụ lộ, lọt bí mật Nhà nước trên Internet; riêng năm 2016, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý 69 vụ lộ, lọt bí mật Nhà nước trên Internet.

Tại phiên họp, đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng và nhấn mạnh cần tăng cường công tác phòng, chống các hoạt động của các đối tượng phản động, chống đối, các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật An ninh mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đánh giá hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nước ta còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ; công tác quản lý và vận hành chưa tốt và còn nhiều lỗ hổng, sơ hở, có thể bị lợi dụng xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trật tự xã hội, an toàn thông tin trên không gian mạng.

Mặc dù đã có Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử và hơn 40 văn bản chỉ đạo của Chính phủ về lĩnh vực an toàn thông tin nhưng qua khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến của các chuyên gia cho thấy còn nhiều lỗ hổng, sơ hở trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết. Ông Võ Trọng Việt đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các nội dung trong dự thảo Luật để tránh quy định chồng chéo với các luật khác liên quan.

Bảo đảm yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội


Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 61 điều; trong đó quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ an ninh mạng, triển khai hoạt động đảm bảo an ninh mạng, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng, bảo đảm điều kiện triển khai công tác an ninh mạng...

Trình bày tờ trình Dự án Luật An ninh mạng, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Việc ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục những hạn chế, tồn tại liên quan đến bảo vệ an ninh mạng.

Về quan điểm xây dựng luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, xác định hợp lý mối quan hệ giữa luật này và các luật liên quan; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của quốc tế để vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, luồng ý kiến thứ nhất là cần thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng tập trung vào an ninh quốc gia; tuy nhiên cũng có ý kiến, cần xây dựng phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng không chỉ tập trung vào bảo vệ an ninh quốc gia mà phải bảo đảm được trật tự an toàn xã hội.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, không gian mạng đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và hiện diện trong hầu hết các hoạt động của con người. Nếu bảo vệ an ninh mạng chỉ tập trung vào bảo vệ an ninh quốc gia sẽ bỏ sót nhiều đối tượng, mục tiêu, nội dung cần bảo vệ, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Do đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật An ninh mạng xác định phạm vi điều chỉnh là "quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là phù hợp với xu hướng chung của thế giới và khu vực, bảo đảm yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sự cần thiết cần ban hành Luật An ninh mạng trong thời đại công nghệ thông tin phát triển bùng nổ.

Góp ý kiến vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Dự thảo Luật An ninh mạng có nhiều quy định liên quan đến các luật khác như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo luật cần phân tích sâu sắc hơn thực trạng pháp luật quy định trong lĩnh vực an ninh mạng, làm rõ hơn sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng. Những vấn đề đã được quy định trong luật khác thì không cần quy định lại trong Luật An ninh mạng để tránh trùng lặp, chồng chéo.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, do đó dự thảo luật cần bám sát các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan. Những quy định về hạn chế quyền công dân, quyền con người thì phải quy định ngay trong Luật này chứ không để quy định ở các văn bản dưới luật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo luật xem xét, hoàn thiện lại quy định của dự thảo luật về phạm vi điều chỉnh của luật; về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; về phòng ngừa, ứng phó nguy cơ, sự cố an ninh mạng.../.