TCCSĐT - Ngày 02-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bệnh viện Phổi Trung ương; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ khánh thành dây chuyền số 2 Nhà máy xi măng Thành Thắng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng, tỉnh Hà Nam.

Phòng chống lao, bệnh phổi phát huy hiệu quả y tế cơ sở

 
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá việc triển khai chương trình chống lao đã góp phần phát huy hiệu quả hệ thống y tế cơ sở, mạng lưới y tế dự phòng.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bệnh viện Phổi Trung ương, sáng 02-7, Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, tâm huyết, sự chuyên nghiệp và hết sức trách nhiệm của các thế hệ thầy thuốc, nhà khoa học, cán bộ y tế trong công tác phòng chống bệnh lao, bệnh phổi, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật cao với phương pháp điều trị đơn giản, điều trị gắn với dự phòng, tuyến trên phối hợp chặt với cơ sở, tuyên truyền, thuyết phục đi kèm các giải pháp chuyên môn, giúp hệ thống các bệnh viện phổi và bệnh lao không quá tải dù số bệnh nhân tăng gấp 3 lần trong những năm qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây là kinh nghiệm quý giá cần được tham khảo, học hỏi, nhân rộng trong hệ thống y tế, không những giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện mà quan trọng hơn là phát huy thực sự hiệu quả hệ thống y tế cơ sở, mạng lưới y tế dự phòng.

Là đơn vị chuyên khoa đầu ngành lao và bệnh phổi được thành lập năm 1957, Bệnh viện Phổi Trung ương là đơn vị nòng cốt trong việc triển khai 2 nhiệm vụ song song là khám chữa bệnh và chỉ đạo thực hiện Chương trình chống lao quốc gia, thực hiện các hoạt động liên quan đến 2 lĩnh vực chuyên khoa không thể tách rời đó là bệnh lao và bệnh phổi.

Bệnh viện đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành đơn vị chuyên khoa đầu ngành về lao và bệnh phổi; làm chủ được những kỹ thuật phức tạp, hiện đại như điều trị ung thư phổi hay chuẩn bị cho chương trình ghép phổi; đồng thời làm tốt vai trò chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới; chủ trì Chương trình chống lao tại cộng đồng.

Đến nay, Bệnh viện và Chương trình chống lao đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Chương trình chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được Chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Đã có 45/63 tỉnh, thành trên toàn quốc thành lập bệnh viện phổi, bệnh viện lao và bệnh phổi. Đặc biệt, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới được duy trì ở mức cao (89,8%), đạt mục tiêu đề ra là trên 85%. Đồng thời, Bệnh viện đã triển khai Chương trình phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em - một bệnh phổi gây tử vong cao cho trẻ em dưới 5 tuổi và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống Nhi khoa hợp tác triển khai có hiệu quả, giảm tử vong đáng kể cho trẻ em...

Bệnh viện cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quản lý, không chỉ xây dựng được môi trường làm việc năng động, trách nhiệm, tất cả vì người bệnh trong Bệnh viện mà còn góp phần quan trọng giảm quá tải thông qua các giải pháp căn cơ từ tuyến dưới, kết hợp giữa kỹ thuật cao với phương pháp điều trị đơn giản, điều trị gắn với dự phòng, tuyến trên phối hợp chặt với cơ sở, tuyên truyền, thuyết phục đi kèm các giải pháp chuyên môn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây chính là những giá trị cốt lõi rất riêng có của hệ thống y tế xã hội chủ nghĩa “được phát huy tương đối tốt ở lĩnh vực bệnh phổi và chống bệnh lao” và cần thúc đẩy, nhân rộng những giá trị tốt đẹp này.

“Sắp tới Trung ương sẽ bàn về đề án đổi mới ngành y tế, công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đặt y tế cơ sở, y tế dự phòng đúng vị trí, vai trò vốn có”, Phó Thủ tướng cho biết.

Về công tác phòng chống bệnh lao, bệnh phổi, Phó Thủ tướng đề nghị với vai trò nòng cốt, là cơ sở đầu ngành, Bệnh viện Phổi Trung ương cùng với hệ thống các cơ sở y tế điều trị bệnh lao, phổi phấn đấu với quyết tâm, nỗ lực cao nhất để đạt và vượt trước mục tiêu đã đặt ra đến năm 2020 số người tử vong do lao ở Việt Nam còn 10.000 người và đến năm 2030 Việt Nam sẽ thanh toán được bệnh lao, sớm hơn 5 năm so với thế giới.

“Điều này đòi hỏi các đồng chí phải nỗ lực gấp đôi để tiến tới xóa bỏ bệnh lao, căn bệnh từ ngày xưa có thể nói rằng vẫn là một nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân Việt Nam”.

Từ kinh nghiệm của Chương trình phòng chống lao về vai trò vô cùng quan trọng của việc phát hiện bệnh sớm, Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm sao thông qua chương trình, người dân ý thức hơn trong phòng bệnh, khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.

“Không chỉ vậy, mà nhiều người bệnh rất nghèo nên khi phát hiện bệnh rồi thì công tác điều trị cũng phải gần với nơi ở, thuận tiện cho bệnh nhân. Đây là câu chuyện vận động quần chúng không chỉ liên quan đến hệ thống y tế cơ sở mà đòi hỏi sự vào cuộc các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đến từng thôn làng”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện cũng như cơ sở y tế chuyên điều trị lao, bệnh phổi cả nước kế thừa truyền thống, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa “để không còn bệnh lao vào năm 2030. Mọi người dân Việt Nam đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay từ đầu và không còn căn bệnh nào là bệnh nan y đe dọa đến mọi gia đình”.

Bảo vệ môi trường là yêu cầu đầu tiên trong sản xuất xi măng

 
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Hồng Hà và các đại biểu tại lễ đốt lò dây chuyền số 2, Nhà máy xi măng Thành Thắng.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại lễ khánh thành dây chuyền số 2 Nhà máy xi măng Thành Thắng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng, tỉnh Hà Nam.

Tham dự sự kiện có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Hồng Hà, lãnh đạo một số ban, bộ ngành Trung ương và tỉnh Hà Nam.

Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng được thành lập năm 2005. Từ một doanh nghiệp với vốn điều lệ 36 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá vật liệu xây dựng thông thường, đến nay, Công ty đã tăng vốn điều lệ lên 1.680 tỷ đồng và đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực hoạt động.

Hoạt động của doanh nghiệp trong hơn 10 năm qua đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Nam và của ngành xây dựng.

Công ty đã thành công trong việc khôi phục hoạt động và phát triển của một doanh nghiệp và một nhà máy xi măng đứng trước nguy cơ phá sản, qua đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện Quy hoạch phát triển ngành xi măng; cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh của tỉnh Hà Nam.

Dây chuyền số 2 Nhà máy sản xuất xi măng Thành Thắng vừa được khánh thành sử dụng công nghệ hiện đại nhất của Nhật Bản, đạt công suất 1,3 triệu tấn/năm. Với hai dây chuyền, tổng công suất của Nhà máy là 1,75 triệu tấn/năm.

Nếu tính cả dây chuyền số 2 này, tổng công suất sản xuất xi măng của tỉnh Hà Nam năm 2017 đạt 13,5 triệu tấn, đứng đầu cả nước.

Thông qua việc mở rộng, phát triển sản xuất, doanh nghiệp đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động, đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương. Đến nay, chỉ riêng Nhà máy xi măng Thành Thắng đã tạo công ăn việc làm cho hơn 600 lao động với mức thu nhập ổn định, đóng góp vào sự ổn định an ninh, trật tự và phát triển kinh tế khu vực.

Doanh nghiệp cũng đã quan tâm, có sự đầu tư đáng kể để đổi mới công nghệ, hạn chế tác động của quá trình khai thác, sản xuất đến môi trường; tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường; đầu tư hệ thống xử lý chất thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; đổi mới thiết bị để giảm rung, khói bụi, tiếng ồn…

Với những đóng góp và kết quả đạt được, tại sự kiện hôm nay, Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Phát biểu tại sự kiện này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương và chúc mừng những kết quả, đóng góp quan trọng của Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng trong thời gian qua.

Theo Phó Thủ tướng, xi măng là loại vật liệu quan trọng trong lĩnh vực xây dựng. Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định rõ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam “theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững, có công nghệ tiên tiến, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường; tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp; bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên”.

Trong đó, yêu cầu phải sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, tiết kiệm tối đa nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất. Đồng bộ hệ thống tận dụng nhiệt khí thải trong các nhà máy xi măng để phát điện.

Quy hoạch yêu cầu phải phát triển các nhà máy có quy mô công suất lớn, các dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clanker/ngày, đồng thời khuyến khích hình thành các tổ hợp sản xuất xi măng lớn từ các dự án hiện có bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm xi măng Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

“Việc triển khai thực hiện Quy hoạch này đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề đối với cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất xi măng”, Phó Thủ tướng nói.

Nhằm đáp ứng yêu cầu xi măng cho phát triển đất nước, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cũng như các yêu cầu bảo vệ môi trường phát triển bền vững, trong buổi lễ hôm nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng tổ chức rà soát việc thực hiện các quy hoạch hiện có, cập nhật tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, trên cơ sở đó tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2035 và Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2025.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng trên cả nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về bảo vệ môi trường cả trong quy trình khai thác nguyên liệu, sản xuất và vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.

“Cần ưu tiên đầu tư nguồn lực phù hợp để đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong bảo đảm an toàn sản xuất, bảo vệ môi trường. Phải coi bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn là yêu cầu đầu tiên trong sản xuất xi măng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải bám sát nhu cầu thị trường để điều chỉnh quy mô sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt xi măng cho các nhu cầu xây dựng, phát triển hạ tầng, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Coi đây là “chìa khoá” để phát triển doanh nghiệp, nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị doanh nghiệp thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm xã hội với địa phương thông qua việc nộp ngân sách; hỗ trợ phát triển; thực hiện các chương trình an sinh xã hội; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ./.