TCCSĐT - Quốc hội Israel đã thông qua một dự luật nhằm hợp pháp hóa hàng chục khu định cư Do Thái ở Bờ Tây ngày 06-02, sau khi thông báo với Mỹ về vấn đề này.

Israel và Palestine: Căng thẳng gia tăng

 
 Khu định cư Do thái ở Bờ Tây. Ảnh: TTXVN

Trong một phiên họp, Quốc hội Israel đã thông qua dự luật gây tranh cãi nhằm mở đường cho nước này thừa nhận khoảng 4.000 ngôi nhà định cư được xây dựng bất hợp pháp trên vùng đất của người Palestine. Không những vậy, trước đó, ngày 05-02, Bộ Quốc phòng Israel đã hoàn thành việc xây dựng 10km hàng rào chắn nằm ở phía Nam khu Bờ Tây thành phố Hebron. Hàng rào chắn kéo dài từ trạm kiểm soát Tarqumiya ở phía Tây Hebron đến hướng Nam trạm kiểm soát Meitar, với tổng chiều dài lên đến 42km chạy dọc theo đường tránh 35 ở khu Bờ Tây.

Ngay lập tức, ngày 07-02, Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt chỉ trích quyết định trên, cho rằng điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tiến trình hòa bình Trung Đông. Phái viên Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông N. Mladenov cho rằng, đạo luật trên đã “vượt qua ranh giới đỏ” nhằm tiến đến việc sáp nhập khu Bờ Tây vào Israel, qua đó, tạo ra một “tiền lệ vô cùng nguy hiểm”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres bày tỏ “rất lấy làm tiếc” trước việc Israel thông qua điều luật mới hợp pháp hóa hàng chục khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây thuộc Palestine, cho rằng hành động này vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ gây ra những hậu quả pháp lý sâu rộng đối với Israel. Người đứng Liên hợp quốc một lần nữa nhấn mạnh việc cần phải tránh bất kỳ hành động nào làm “chệch hướng” giải pháp hai nhà nước, đồng thời cho rằng, các vấn đề phải được giải quyết thông qua đàm phán.

Liên đoàn Arab cũng lên án việc Israel, cho rằng đạo luật này không khác gì là “một vỏ bọc cho hành vi chiếm đoạt đất đai và tài sản xứng đáng của người dân Palestine”. Trong một tuyên bố, người đứng đầu Liên đoàn Arab A. Gheit nhận định, đạo luật trên là một trong những chính sách của Israel nhằm xóa bỏ mọi cơ hội cho một giải pháp hai nhà nước, cũng như việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) chỉ trích đạo luật của Israel hợp pháp hóa hàng nghìn nhà định cư Do Thái xây dựng trên phần đất của người Palestine ở Bờ Tây là “sự hợp pháp hóa vi phạm” đối với đất đai của Palestine. Tổng thống Palestine M. Abbas tuyên bố, Chính phủ Palestine sẽ tiếp tục phối hợp với các tòa án quốc tế để bảo vệ quyền lợi của người dân Palestine. Bộ Ngoại giao Iran lên án động thái của Quốc hội Israel, đồng thời nêu rõ, các hành động xây dựng khu định cư của Tel Aviv là một “rào cản nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định” trong khu vực. Về phía Mỹ, cho tới nay, chính quyền của Tổng thống D. Trump vẫn từ chối bình luận về động thái này của Israel.

Có thể thấy, trong nhiều thập niên qua, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã nhiều lần bị đình trệ rồi lại tái khởi động. Những bất đồng giữa hai bên chủ yếu trong các vấn đề mấu chốt bao gồm: đường biên giới cho nhà nước Palestine trong tương lai, các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây, số phận người tị nạn Palestine tại các vùng đất do Israel chiếm đóng, quy chế đối với thành phố Jerusalem, vấn đề trao trả tù nhân… Các cuộc đối thoại giữa Israel và Palestine đã gần như sụp đổ kể từ tháng 9-2010, khi Israel coi các khu định cư của người Palestine được xây dựng mà không có sự chấp thuận của chính phủ Israel là phạm pháp. Sau 3 năm bế tắc, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã được nối lại kể từ tháng 7-2013, nhờ những nỗ lực của cựu Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine lại tiếp tục bị đổ vỡ từ tháng 4-2014, sau khi Palestine thông báo việc thành lập một chính phủ đoàn kết với phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza. Thất bại của các vòng đàm phán khiến các nhà phân tích nhận định, những bất đồng vốn đã tồn tại từ lâu giữa Israel và Palestine rất khó để hóa giải. Tháng 10-2015, bạo lực giữa người Palestine và Israel bùng phát và liên tục xảy ra, nhất là tại khu vực thánh địa Jerusalem và Bờ Tây khiến hàng trăm người thiệt mạng. Căng thẳng giữa Israel và Palestine càng bị đẩy lên cao khi trong năm 2016, Israel đã xây dựng hàng nghìn nhà định cư ở bên trong và xung quanh Đông Jerusalem. Trong bối cảnh căng thẳng giữa người Palestine và người Do Thái chưa có hồi kết, việc Israel thông qua dự luật hợp pháp hóa các khu định cư Do Thái đã khiến hy vọng của cộng đồng quốc tế về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Trung Đông giữa Israel và Palestine ngày càng trở nên xa vời.

Nhật Bản - Mỹ khẳng định quan hệ đồng minh

 
 Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản S. Abe và Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: TTXVN

Nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ tin cậy, ngày 10-02, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thực hiện chuyến thăm Mỹ và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật.

Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên với Thủ tướng S. Abe tại Nhà Trắng, trong đó, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến thương mại và quan hệ an ninh giữa hai nước. Phát biểu với báo giới, Tổng thống D. Trump đã nhấn mạnh tới mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước, đồng thời khẳng định cam kết của Washington đối với an ninh Nhật Bản. Hai nước cũng nhất trí những cam kết về bảo vệ Nhật Bản của Mỹ sẽ được áp dụng cho quần đảo Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.

Các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng S. Abe diễn ra trong bối cảnh Tokyo lo ngại về những nguy cơ tiềm tàng trong quan hệ kinh tế, thương mại và cả an ninh với Mỹ khi Tổng thống D. Trump đã có những tuyên bố mang tính cứng rắn về mối quan hệ đồng minh thân thiết. Mới đây nhất, ngày 23-01, Tổng thống Mỹ D. Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận tự do thương mại được 12 quốc gia ven Thái Bình Dương ký kết năm 2015, mà Nhật Bản là nước đầu tiên hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước để phê chuẩn văn kiện này. Tuy nhiên, bày tỏ “sự lạc quan” về những kết quả thuận lợi sau cuộc gặp thượng đỉnh, Thủ tướng S. Abe khẳng định, ông nắm rõ việc Tổng thống D. Trump quyết định rút lui khỏi TPP, và Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí về một khuôn khổ mới liên quan đến đối thoại kinh tế. Đồng thời, Mỹ và Nhật Bản khẳng định cần đi đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc tạo ra thị trường tự do và công bằng dựa trên các quy tắc. Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khu vực trên cơ sở các sáng kiến hiện có.

Về an ninh, chuyến thăm Nhật Bản ngày 04-02 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis cùng với lời trấn an đồng minh đã phần nào giảm bớt những quan ngại trong chính phủ, cũng như trong dư luận Nhật Bản về mối quan hệ an ninh song phương với Mỹ. Và tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này, Tổng thống D. Trump và Thủ tướng S. Abe đều nhất trí rằng, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. Tổng thống D. Trump khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật đóng vai trò nền tảng đối với hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, hai bên tái khẳng định liên minh an ninh khi trước đó, ngày 06-02, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu hoạt động xây dựng ở ngoài khơi trong kế hoạch tái bố trí căn cứ Futenma của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại tỉnh Okinawa. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis ngày 03-02, Thủ tướng S. Abe đánh giá kế hoạch tái bố trí căn cứ Futenma theo thỏa thuận với Washington là “giải pháp duy nhất” để loại bỏ các nguy hiểm mà căn cứ này có thể gây ra đối với địa phương mà không làm tổn hại sức mạnh của mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật.

Chiến lược phát triển kinh tế của Singapore

 
 Họp báo công bố bảy chiến lược phát triển kinh tế của Ủy ban Kinh tế tương lai (CFE) Singapore. Ảnh: Channel News Asia

Ủy ban Kinh tế tương lai (CFE), một hội đồng có 30 thành viên đứng đầu các cơ quan kinh tế chủ chốt tại Singapore, đã công bố một báo cáo bao gồm bảy chiến lược trình lên Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 09-02, nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước này vốn đang có tốc độ tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và 2009.

Đây được cho là một bước đi kịp thời bởi ngày 06-02 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết, ước tính tăng trưởng kinh tế của Singapore giảm xuống 1% - 1,5% trong năm 2016, thay vì từ mức 1% - 2% đưa ra trước đó. Nguyên nhân là do nền kinh tế Đảo quốc sư tử mặc dù tăng trưởng cao hơn mức dự kiến trong quý III-2016 với GDP tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015, song so với quý II trước đó (tăng 2,2%), nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, theo Bộ Nhân lực Singapore (MOM), số người bị mất việc làm tại Singapore cũng ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và 2009. Cụ thể, từ tháng 01 đến tháng 10-2016, số lao động bị sa thải đã lên tới 13.730 người, tăng khá cao so với con số 10.220 người của cùng kỳ năm 2015. Số người bị mất việc làm này chủ yếu là do tình trạng trì trệ trong các ngành sản xuất và xây dựng.

Bảy chiến lược mới được CFE đưa ra tập trung vào các lĩnh vực: Đào sâu và đa dạng hóa các kết nối quốc tế nhằm tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới; hình thành các kỹ năng chuyên sâu cho người lao động; tăng cường năng lực doanh nghiệp để đổi mới và mở rộng quy mô; tạo lập một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ; xây dựng một thành phố sôi động và kết nối các cơ hội; chuyển đổi cơ cấu thúc đẩy các ngành công nghiệp; xây dựng các quan hệ đối tác để cùng nhau phát triển và đổi mới.

Lý giải về việc đưa ra các chiến lược mới này, CFE lưu ý rằng, sự tăng trưởng trên toàn thế giới bị chững lại cùng với chuỗi giá trị toàn cầu đang thay đổi, công nghệ mới có thể thay thế công nhân thậm chí nhiều cơ hội mới được tạo ra...; trong đó đáng lo ngại nhất là chính sách bảo hộ thương mại gia tăng ở châu Âu và Mỹ. “Xu hướng chống toàn cầu hóa sẽ làm suy yếu thương mại quốc tế, gây tổn thương cho các nền kinh tế, nhất là đối với Singapore - một nền kinh tế nhỏ nhưng lại có độ mở lớn”, báo cáo của CFE nhấn mạnh. Tuy môi trường toàn cầu đầy thách thức, song CFE cho biết vẫn có nhiều cơ hội để Singapore đổi mới, phát huy được tiềm năng, duy trì kết nối và giữ được sự gắn kết với thế giới.

Bản báo cáo này đã nhận được sự đồng tình của Thủ tướng Lý Hiển Long khi ông cho biết, chính phủ sẽ theo đuổi tất cả các mục tiêu mà bản báo cáo đề cập tới. Người đứng đầu Chính phủ Singapore nhấn mạnh thêm rằng, điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện việc chuyển đổi nền kinh tế một cách thành công.

Phản ứng trước việc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo

 
 Người dân theo dõi thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên qua truyền hình. Ảnh: Reuters

Ngày 12-02, Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa đạn đạo chưa rõ chủng loại. Thông tin trên do Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin quân đội nước này cho biết. Các bên liên quan đã có những phản ứng.

Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, nước này đã trao công hàm phản đối Triều Tiên về vụ phóng tên lửa. Phát biểu tại cuộc họp báo khẩn, ông Y. Suga cho biết, tên lửa trên dường như đã rơi xuống biển Nhật Bản nhưng không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Ông Y. Suga khẳng định, việc vụ phóng diễn ra ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật chứng tỏ đây là một hành động nhằm khiêu kích Nhật Bản và khu vực.

Trong phản ứng mới nhất, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên, khẳng định hành động này đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và là một sự vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tại Seoul, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cho biết, Seoul đang làm hết sức mình để đáp trả “một cách tương xứng nhằm trừng phạt Triều Tiên về vụ phóng tên lửa”.

Phân tích động thái trên của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng của Triều Tiên có thể là hành động nhằm “thử phản ứng” của chính quyền mới ở Mỹ. Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, Tổng thống Mỹ D. Trump đã khẳng định cam kết ủng hộ Nhật Bản. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản S. Abe tại thành phố West Palm Beach, bang Florida (Mỹ), Tổng thống D. Trump nêu rõ: “Tôi muốn mọi người hiểu, và biết rõ rằng Mỹ 100% ủng hộ Nhật Bản - đồng minh lớn của chúng tôi”. Một quan chức Mỹ cho biết thêm, chính quyền Tổng thống D. Trump sẽ xem xét một loạt phương án để phản ứng với vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Theo đó, Tổng thống D. Trump và các cố vấn sẽ cân nhắc một loạt các biện pháp phản ứng, trong đó có các lệnh trừng phạt mới nhằm siết chặt kiểm soát tài chính, tăng cường khí tài trên biển và trên không của Mỹ ở trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên, đồng thời đẩy nhanh triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Hàn Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí phối hợp chặt chẽ trên cả phương diện song phương lẫn đa phương với Mỹ và Liên hợp quốc trong việc xử lý vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm ngay sau có thông tin về vụ phóng thử tên lửa, Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản K. Kanasugi và Đại diện đặc biệt của Hàn Quốc phụ trách vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Kim Hong Kyun đã nhất trí hối thúc Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu nước này không tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Hiện chưa có xác nhận từ phía Triều Tiên về vụ phóng thử này. Tuy nhiên, trong thông điệp mừng năm mới 2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định, nước này đã bước vào giai đoạn cuối của việc chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), trong khi truyền thông Triều Tiên cho hay một vụ phóng như vậy có thể diễn ra vào bất cứ thời gian nào. Gần đây hơn, ngày 15-01, nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, tuyên bố Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng rocket có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

Theo nguồn tin quân đội Hàn Quốc cung cấp, nước này đang phối hợp với Mỹ xác định xem đây là tên lửa thuộc loại Musudan tầm trung được cải tiến hay tên lửa Rodong có tầm bắn ngắn. Nhận định bước đầu cho thấy, đây có thể không phải là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)./.