TCCSĐT - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm gần đây. Sau đây là nội dung trả lời

Câu hỏi: Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tới Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, trong đó có đề nghị Chính phủ giải quyết nhiều việc, xin Người phát ngôn Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ giải quyết như thế nào đối với các kiến nghị của cử tri mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam đã nêu?

Trả lời: Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tới Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, trong đó có đề nghị Chính phủ giải quyết một số việc. Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành chuẩn bị trả lời các nội dung này để trình bày trong các phiên thảo luận về kinh tế xã hội và phiên trả lời chất vấn. Về 5 vấn đề lớn mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị, xin thông tin với báo chí như sau:

1. Về đẩy mạnh cải cách hành chính. Việc này Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn II (2016-2020), trong đó cải cách mạnh mẽ, đồng bộ, xóa bỏ mọi rào cản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức phải hành động quyết liệt, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động. Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

2. Về nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII, Chính phủ đã có Báo cáo số 419/BC-CP trình Quốc hội trong đó quán triệt tinh thần, kết quả của Hội nghị Trung ương 4, đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể thời gian tới. Chính phủ tiếp tục xác định và chỉ đạo các cấp, các ngành: Phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và là một nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành. Bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII đề ra (về giáo dục chính trị, tư tưởng, phê bình, tự phê bình; hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội) đã được Chính phủ cụ thể hóa trong nội dung chỉ đạo, định hướng công tác phòng chống tham nhũng. Hiện nay Chính phủ đang khẩn trương hoàn chỉnh và trình Quốc hội Luật Phòng chống tham nhũng.

3. Về đề nghị rà soát lại quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, hoạt động của các trung tâm nhiệt điện than trong cả nước, có sự tham gia giám sát và phản biện xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016).

Trong bối cảnh các nguồn thủy điện ở nước ta đã được khai thác tối đa, nhiên liệu khí cho phát điện cũng chỉ ở mức độ nhất định nên nguồn nhiệt điện than được xem xét là giải pháp quan trọng về cung ứng điện của nước ta trong giai đoạn tới. Đồng thời, Chính phủ thực hiện các biện pháp đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo Chiến lược đã được phê duyệt. Trong tổ chức thực hiện Quy hoạch, Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp cụ thể và khuyến khích sử dụng các công nghệ mới ở các nhà máy nhiệt điện than để nâng cao hiệu suất và bảo vệ môi trường, giảm diện tích đất sử dụng cho bãi thải tro xỉ.

Chính phủ tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan thực hiện rà soát quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, hoạt động của các trung tâm nhiệt điện than trong cả nước, trong đó có sự tham gia giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam để báo cáo Quốc hội trong năm tới. Hôm nay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2016,

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương có giải pháp bảo đảm cung ứng đủ, không để thiếu điện trong những năm tới.

4. Về vấn đề giao thông và ngập úng tại Thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, Chính phủ đã rất quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, chính quyền các thành phố đã tập trung giải quyết, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, ngập nước, bước đầu giảm được cả về số điểm, tần suất và thời lượng xảy ra. Tuy nhiên, do thực tế công tác quản lý còn nhiều hạn chế, yếu kém, hạ tầng thiếu đồng bộ, ý thức tự giác chưa cao nên việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, địa phương liên quan nghiên cứu, rà soát quy hoạch, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Tăng cường quản lý (quản lý lòng, hè đường, quản lý phương tiện, quản lý chống lấn chiếm các tuyến tiêu thoát nước), quy hoạch các khu đô thị, dân cư, hệ thống tiêu thoát nước phù hợp, hoàn thiện tổ chức bố trí giao thông; đồng thời tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống tiêu thoát nước, kiểm soát triều (cải tạo, bổ sung các hồ điều hòa trong thành phố, nạo vét các tuyến kênh, đầu tư các cống kiểm soát, các trạm bơm tiêu).

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật, công bố kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương rà soát quy hoạch, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng rà soát lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thoát nước có tính tới tác động của biến đổi khí hậu; rà soát quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước, nhất là tại các đô thị, triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng khi mưa lớn.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật các quy hoạch trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu, dự báo tình hình trong 5, 10, 20 năm tới để có các giải pháp căn cơ, phương án phù hợp, từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước tại các thành phố lớn.

5. Về việc tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình giám sát. Tại Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ đã giao các bộ, ngành và địa phương phối hợp, thực hiện các yêu cầu trong quá trình triển khai hoạt động giám sát; nghiên cứu tiếp thu trong quá trình chỉ đạo thực hiện đối với các kiến nghị thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết liên tịch phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Câu hỏi: Vừa qua tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55%. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011 - 2015 (nợ công so với GDP là 65%, nợ Chính phủ/ GDP là 50%). Đề nghị Người phát ngôn cho biết Chính phủ có giải pháp gì để bảo đảm mục tiêu trên?

Trả lời: Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Quốc hội quyết định mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công và các chỉ tiêu về an toàn nợ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm. Tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 về kế hoạch phát triển kinh - tế xã hội giai đoạn 2011-2015, Quốc hội khóa XIII đã phê chuẩn các chỉ tiêu về nợ đến năm 2015 là nợ công không quá 65%GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Ngoài các chỉ tiêu nợ giai đoạn 2011-2015 đã được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết nói trên, các chỉ tiêu nợ đến năm 2020 đã được đặt ra tại Chiến lược nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ). Chiến lược này được xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công và có tham khảo khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế. Tại Chiến lược này, Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2020 là nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP.

Tại Báo cáo số 464/BC-CP ngày 19-10-2016 về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nợ Chính phủ năm 2015 đã ở mức 50,3% GDP và dự kiến ở mức trên 53% GDP trong các năm 2016-2019. Đây là một thực tế do huy động của Chính phủ phải bảo đảm bù đắp bội chi và cho đầu tư phát triển theo các báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Để bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho bội chi và cho đầu tư phát triển nhằm đạt các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chỉ tiêu nợ Chính phủ giai đoạn 2016-2020 không quá 55% GDP. Việc xác định chỉ tiêu nợ Chính phủ không quá 55% GDP cũng hợp lý giữa các cấu phần nợ công theo hướng giảm nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ đồng thời kiểm soát mức dư nợ chính quyền địa phương.

Cũng tại Báo cáo đang trình Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng các giải pháp nhằm mục tiêu kiểm soát các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, trong đó có các nhóm giải pháp như sau:

- Kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ trượt giá; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; đầu tư của Nhà nước chỉ tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, có sức lan tỏa lớn.

- Xây dựng, điều hành thực hiện các kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 5 năm và hàng năm cần bảo đảm dự phòng cho các rủi ro có thể phát sinh như giá dầu, tỷ giá, các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, các rủi ro bất khả kháng để bảo đảm các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép.

- Cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương; ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho chi trả nợ để giảm nợ công, nợ Chính phủ.

- Nâng cao hiệu quả đầu tư công, khuyến khích đầu tư theo các hình thức đối tác công tư; thu hẹp đối tượng sử dụng nợ công, chỉ tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm, bảo đảm khả năng trả nợ; gắn trách nhiệm giải trình của các Bộ, ngành, địa phương với việc phân bổ và hiệu quả sử dụng vốn vay.

- Tiếp tục tái cơ cấu nợ công; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và đa dạng hóa công cụ nợ, mở rộng cơ sở nhà đầu tư.

- Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, thể chế, chính sách quản lý nợ công, phù hợp với tình hình nước ta và thông lệ quốc tế; hoàn thiện các công cụ quản lý nợ chủ động.

Câu hỏi: Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mắm lấy trên thị trường cho đánh giá 67% số mẫu nhiễm asen vượt ngưỡng gây hoang mang dư luận. Nhiều chuyên gia thực phẩm, doanh nghiệp, ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình và cho rằng kết quả này là thiếu khách quan, không rõ ràng, vội vàng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo làm rõ về việc nước mắm công nghiệp sản xuất từ nhiều loại hóa chất, báo cáo Thủ tướng. Xin cho biết hiện đã có kết luận chính thức về các vấn đề nêu trên chưa? Chất lượng nước mắm trên thị trường hiện nay có bảo đảm an toàn hay không?

Trả lời: Về một số thông tin báo chí phản ánh liên quan đến chất lượng nước mắm, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương làm rõ nội dung báo phản ánh, thông tin kịp thời cho người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22-10-2016.

Ngày 22-10, Bộ Y tế đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ (số 172/BC-BYT) và cũng đã có thông tin đến nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả kiểm tra nước mắm. Theo báo cáo, Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác liên ngành bao gồm đại diện các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các cơ quan liên quan. Qua kiểm tra 247 mẫu nước mắm được thu thập ngẫu nhiên của 82 cơ sở sản xuất khác nhau tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam và trên thị trường, trong đó bao gồm cả nước mắm sản xuất theo phương pháp công nghiệp, phương pháp truyền thống và kiểm nghiệm tại 4 Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đầu ngành của Bộ Y tế là: Viện Dinh dưỡng, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Viện Y tế công cộng Hồ Chí Minh và Viện Pasteur Nha Trang, Bộ Y tế đã có kết luận chính thức:

- 100% mẫu nước mắm được kiểm nghiệm đều không phát hiện asen vô cơ (thạch tín), vì vậy không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Qua kiểm nghiệm cũng không thấy nước mắm bị nhiễm các kim loại nặng khác như chì, cadimi, thủy ngân. Không phát hiện mẫu nước mắm nào được sản xuất từ nước và hóa chất.

- Các cơ sở sản xuất nước mắm được kiểm tra dù sản xuất theo phương pháp nào cũng đều sử dụng các nguyên liệu là cá và muối hoặc nước mắm cốt (nước mắm cốt cũng được sản xuất từ cá và muối) và phụ gia thực phẩm. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đúng đối tượng sử dụng và không được vượt ngưỡng theo quy định và phải bảo đảm độ tinh khiết.

- Về thông tin nước mắm là nước pha hóa chất hoặc nước mắm có nhiễm thạch tín (thạch tín chỉ được gọi cho asen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe là không chính xác, gây tâm lý hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh nước mắm, kể cả sản xuất theo phương pháp công nghiệp hoặc truyền thống.

Như vậy, qua kiểm tra của Bộ Y tế chưa phát hiện nước mắm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Sau khi Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng công bố thông tin về chất lượng nước mắm gây tâm lý hoang mang trong dư luận, Thủ tướng Chính phủ cũng đã kịp thời chỉ đạo giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế thông tin chính thức, công khai, rõ ràng, đầy đủ tới nhân dân về loại và hàm lượng Asen an toàn trong sản phẩm nước mắm cũng như các thông tin cần thiết khác liên quan; Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét cụ thể việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về hoạt động báo chí đối với trường hợp nêu trên (Công văn 9030/VPCP-KGVX ngày 22-10-2016). Hiện nay, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ đang tích cực triển khai để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 10-11-2016.

Câu hỏi: Vừa qua báo chí phản ánh tình trạng ở một số địa phương có việc bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo, hay đề bạt công chức tràn lan, bổ nhiệm vượt số lượng quy định, gây bức xúc trong dư luận, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo yêu cầu kiểm tra. Xin Người Phát ngôn Chính phủ cho biết rõ hơn về quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, trường hợp xác định rõ các vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào?

Trả lời: Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ trước mắt ở những địa phương mà dư luận báo chí phản ánh và báo cáo Thủ tướng trước ngày 10-11-2016. Trường hợp sau thanh tra có phát hiện sai phạm thì căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật cán bộ, công chức.

Ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới công tác cán bộ, chấn chỉnh tất cả các khâu, từ tuyển dụng cho đến bổ nhiệm, theo tinh thần là "chúng ta tìm người tài, chứ không tìm người nhà".

Hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm./.