Công bố “Bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp”

Tin, ảnh: Khánh Nguyên
14:37, ngày 21-10-2016
TCCSĐT - Sáng 21-10-2016, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố “Bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp”. Đây là một trong số các hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng, chống tham nhũng” tại Việt Nam do Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tài trợ thông qua Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh.

Tham nhũng là 1 trong 6 yếu tố tác động đến môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp trên thế giới chi cho tham nhũng, hối lộ lên tới 2% tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu. Vì vậy, doanh nghiệp là một phần quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.

Qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 ở Việt Nam cho thấy, mục tiêu phòng, chống tham nhũng đề ra chưa đạt được, thực trạng tham nhũng còn trầm trọng. Một trong những nguyên nhân là do Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 chỉ quy định phòng, chống tham nhũng trong khu vực Nhà nước với người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, khu vực trong hay ngoài Nhà nước đều có sự lạm dụng quyền lực để tư lợi cá nhân. Vì vậy, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã dành 1 chương về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh, trong đó nêu trách nhiệm của người đứng đầu và kê khai tài sản với người đứng đầu, quy định về công khai, minh bạch, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tự mình tổ chức thực hiện.

Hiện nay, ở Việt Nam, tuy nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa và cắt giảm thời gian thực hiện, nhiều dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng được cải thiện, nhưng điều tra của VCCI cho thấy vẫn còn một số xu hướng đáng lo ngại như doanh nghiệp phản ánh các khoản chi trả không chính thức đang tăng lên và 65% doanh nghiệp được điều tra cho biết bị nhũng nhiễu khi thực hiện thủ tục hành chính.

Việt Nam đã tham gia ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA),… thì cần tuân thủ các chuẩn mực đạo đức kinh doanh quốc tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đây là một trong những yêu cầu của các đối tác.

Bộ công cụ hướng dẫn các bước đi cụ thể phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, đưa ra các hướng dẫn cụ thể mà các doanh nghiệp có thể áp dụng, thực hành để phòng ngừa tham nhũng dưới mọi hình thức, giúp quản trị rủi ro tốt hơn trong giao dịch kinh doanh. Bộ công cụ này được biên soạn lại dựa trên kinh nghiệm quốc tế của Nhóm nước G20 nhằm phù hợp với bối cảnh trong nước hiện nay.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI, tham nhũng được phòng ngừa hiệu quả nhất chỉ khi các doanh nghiệp cùng hợp tác hành động, chia sẻ kinh nghiệm và các thông lệ tốt.

Với nội dung ngắn ngọn, dễ hiểu, bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp đưa ra các hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có thể áp dụng, thực hành để phòng ngừa tham nhũng dưới mọi hình thức, giúp quản trị rủi ro tốt hơn và cắt giảm tối đa chi phí, tăng khả năng cạnh tranh hướng tới phát triển bền vững. Việc thực hiện bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp sẽ là cẩm nang hướng dẫn các doanh nghiệp tự phòng ngừa tham nhũng nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp, từ đó, góp phần giảm “nguồn cung tham nhũng”.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và hiểu rõ hơn về bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký vào khóa tập huấn “Các bước đi thực tế trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng” tại website: http://dean12.org.vn./.