TCCSĐT - Sáng 11-10-2016, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và tổng kết thực hiện Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố, đại diện các sở, ngành và 24 quận, huyện, 322 xã, phường, thị trấn trên toàn Thành phố.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn xã hội, những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng triển khai những nội dung cơ bản như, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp, nâng cao nhận thức và niềm tin về Hiến pháp để hình thành ý thức tự giác, tôn trọng và chấp hành Hiến pháp; bảo đảm cho Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong mọi tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền các luật mới được Quốc hội thông qua; các chủ trương, chính sách, văn bản về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền các chủ trương của Đảng liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến với các tầng lớp nhân dân; phổ biến các quy định pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm, những quy định pháp luật mới ban hành như: các luật về Đất đai, Dân sự, Hình sự, Lao động, Nhà ở, Đầu tư, Thuế, Xây dựng, Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật An toàn giao thông.

Một việc làm được Hội nghị đánh giá cao đó là, vào đầu năm 2014, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 15-02-2014 phê duyệt Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2014-2016 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu của Đề án này là nhằm hình thành đồng bộ các cơ chế, giải pháp hợp lý, khoa học, khả thi để tăng cường xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, huy động tối đa các nguồn lực xã hội vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; cung cấp kịp thời, đầy đủ, có chất lượng dịch vụ công về phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện của các luật gia và các cấp Hội luật gia, vai trò và sức mạnh của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền được cung cấp dịch vụ pháp lý của nhân dân. Và, đối tượng thụ hưởng của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật là các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Đối tượng thụ hưởng của hoạt động trợ giúp pháp lý gồm người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đối tượng tham gia thực hiện công tác xã hội hoá hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý gồm tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho rằng, những kết quả đạt được sau 3 năm triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật bước đầu đã góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh. Để phát huy những thành quả đạt được, đồng chí Huỳnh Cách Mạng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của toàn xã hội. Do vậy, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường hơn về chất lượng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, địa bàn đô thị hóa, ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nhà trọ, địa bàn có tỷ lệ vi phạm pháp luật, nguy cơ vi phạm pháp luật cao; chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở cơ sở và đối tượng đặc thù, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đồng chí Huỳnh Cách Mạng cũng mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp với các cơ quan nhà nước để phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở cơ sở; biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật.

Tại Hội nghị, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng Bằng khen cho 21 tập thể, 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật./.