TCCSĐT - Chiều 11-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kristian Jensen, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch và bà Marie Gabrielle Ineichen, Quốc vụ khanh, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Kinh tế (SECO), Bộ Kinh tế - Giáo dục - Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kristian Jensen, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng Ngài Kristian Jensen thăm làm việc tại Việt Nam, hoan nghênh kết quả hội đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch Kristian Jensen.

Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác ODA.

Vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của các dự án đầu tư Đan Mạch vào Việt Nam, Thủ tướng đánh giá tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước còn lớn. Việt Nam sẽ đưa ra danh mục các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và hợp tác; đồng thời mong muốn Đan Mạch hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ hơn trong những lĩnh vực mà Đan Mạch có thế mạnh như năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, y tế...

Thủ tướng đánh giá cao và mong muốn hợp tác nhiều hơn với các doanh nghiệp Đan Mạch vốn luôn có ý thức bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các các nhà đầu tư Đan Mạch. Thủ tướng đề nghị Đan Mạch tác động để EU sớm ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam-EU.

Qua Ngài Bộ trưởng, Thủ tướng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Đan Mạch đã hỗ trợ ODA cho Việt Nam nhiều năm qua và mong Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ ODA để Việt Nam khắc phục những khó khăn hiện nay.

Đối với vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đan Mạch tiếp tục ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, sớm đạt được COC.

Về phần mình, Ngài Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, vui mừng về việc năm nay hai nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ngài Kristian Jensen đánh giá đây là giai đoạn hai nước có quan hệ tốt đẹp nhất. Những năm qua, hai nước đã hợp tác thành công trong lĩnh vực phát triển, nay tiếp tục hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đầu tư.

Ngài Bộ trưởng cho biết hiện có hơn 130 công ty Đan Mạch đang làm ăn ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như đồ uống, máy móc, giáo dục... Ngài Kristian Jensen cũng mong muốn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sớm được ký kết, đồng thời thông báo, Đan Mạch đã thành lập các quỹ phát triển trị giá 4 tỷ USD để hỗ trợ các nước. Với tiến triển cải cách của Việt Nam, Đan Mạch hoàn toàn có thể đưa Việt Nam vào nhóm các nước nhận hỗ trợ của các quỹ này.

Về vấn đề Biển Đông, Ngài Bộ trưởng khẳng định là quốc gia có nền kinh tế hàng hải phát triển, Đan Mạch mong muốn các bên liên quan giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Marie Gabrielle Ineichen, Quốc vụ khanh, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Kinh tế (SECO), Bộ Kinh tế - Giáo dục - Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Quốc vụ khanh Thụy Sĩ Marie Gabrielle Ineichen

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam luôn coi trọng và củng cố hợp tác nhiều mặt với Thụy Sĩ; bày tỏ vui mừng thấy quan hệ hai nước thời gian qua phát triển mạnh mẽ, nhất là thương mại, đầu tư.

Thủ tướng hoan nghênh hai bên tổ chức hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, trong đó có sự kiện Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ vừa qua.

Từ lâu, Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam ở châu Âu. Đặc biệt, trong điều kiện thế giới hiện nay, kim ngạch thương mại song phương tăng lên trong năm qua là hết sức đáng quý, Thủ tướng tin tưởng chuyến thăm của bà Marie Gabrielle Ineichen sẽ đóng góp quan trọng vào phát triển quan hệ hai nước, nhất là tháp tùng đoàn có nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam; Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Thụy Sĩ làm ăn thành công tại Việt Nam. Việt Nam có nhu cầu phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, dược phẩm, công nghiệp chế biến, du lịch...

Thủ tướng đánh giá cao Thụy Sĩ và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) công nhận quy chế Kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 7-2012); mong Thụy Sĩ ủng hộ các bên sớm tiếp tục đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam hướng đến một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao, có tính đến lợi ích của nhau và sự chênh lệch trình độ phát triển giữa Việt Nam và các nước thành viên theo đúng nguyên tắc và định hướng mà các bên đạt được trước khi đàm phán.

Đánh giá cao chiến lược hợp tác mà Thụy Sĩ cùng các bộ ngành vừa công bố, cảm ơn Thụy Sĩ đã ưu tiên cấp ODA 2013 - 2016, coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Thụy Sĩ và mong Thụy Sĩ tiếp tục cung cấp ODA giai đoạn 2017 - 2020 hướng vào các chương trình mục tiêu phát triển giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam mong Thụy Sĩ chia sẻ kinh nghiệm phát triển giáo dục chất lượng cao, gắn đào với tạo nghề, phát triển khoa học công nghệ với đào tạo tại các trường đại học; tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam học tập, nghiên cứu ở Thụy Sĩ.

Về phần mình, bà Marie Gabrielle Ineichen cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian đón tiếp, bày tỏ vinh dự có mặt tại đây; đồng thời cho biết trong đoàn, có đại diện các doanh nghiệp lớn của Thụy Sĩ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Thụy Sĩ rất quan tâm thị trường Việt Nam, một điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn.

Thụy Sĩ vui mừng Việt Nam trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của nước này ở châu Á. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch Thụy Sĩ. Hai nước có quan hệ hợp tác song phương hiệu quả, Việt Nam cùng với In-đô-nê-xi-a là hai nước mà Thụy Sĩ đặt trọng tâm quan hệ ở châu Á.

Bà Ngoại trưởng cũng cho biết một mục tiêu khác nữa của chuyến thăm là hy vọng thúc đẩy đàm phán FTA giữa Việt Nam và EFTA./.