TCCSĐT - Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên dẫn nguồn tin từ Viện Vũ khí hạt nhân Triều Tiên cho biết ngày 09-9 nước này đã tiến hành thử vũ khí hạt nhân thành công, nhằm kiểm chứng sức công phá của một đầu đạn hạt nhân mới phát triển. Vụ thử hạt nhân lần thứ năm và cũng là vụ thử lớn nhất cho tới nay của Bình Nhưỡng đã làm bùng lên sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Ngày 10-9, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã kịch liệt lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ sớm đưa ra một nghị quyết nhằm đáp trả hành động này.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp kín, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng bảo an trong tháng 9, Đại sứ New Zealand tại Liên hợp quốc Gerard van Bohemen cho rằng Triều Tiên đã vi phạm thô bạo các nghị quyết của Hội đồng bảo an và tạo ra mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình thế giới. Ông Bohemen thông báo các nước thành viên của Hội đồng sẽ lập tức khởi động quá trình soạn thảo một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Việc soạn thảo này được tiến hành theo Điều 41, Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cho rằng Liên hợp quốc cần đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các nghị quyết trừng phạt trước đó, nhằm “cho Triều Tiên thấy rằng sẽ có những hậu quả cho các hành động phi pháp và nguy hiểm của nước này”.

Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Francois Delattre cho rằng “các biện pháp trừng phạt mới là vô cùng cần thiết” và “Triều Tiên sẽ phải chịu hậu quả cho những hành động và sự khiêu khích của mình”.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg bày tỏ: “Tôi lên án mạnh mẽ những hành động khiêu khích và vi phạm các nghị quyết mang tính ràng buộc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đó. Những hành động như vậy sẽ hủy hoại an ninh khu vực và quốc tế”.

Cũng trong ngày 09-9, mạng tin của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, nước này kịch liệt lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ đây là một vấn đề đáng lo ngại và hành động của Bình Nhưỡng một lần nữa vi phạm các nghĩa vụ quốc tế, đi ngược lại mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trước hành động đáng quan ngại trên của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tham vấn qua điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Tổng thống Obama nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi nhất trí làm việc với Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, các đối tác Sáu bên của chúng tôi, và cộng đồng quốc tế để thực thi mạnh mẽ các biện pháp hiện đang tồn tại đã được áp đặt trong những nghị quyết trước đây, và thực hiện các bước đi bổ sung quan trọng, trong đó có các biện pháp trừng phạt mới”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada ngày 10-9 cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min Koo. Hai bên đã nhất trí hợp tác chặt chẽ trong việc ứng phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Trong cuộc điện đàm, bà Inada đã khẳng định vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương bao gồm chia sẻ thông tin giữa hai quốc gia, cũng như sự phối hợp ba bên với Mỹ. Bà cho rằng vụ thử hạt nhân là thách thức nghiêm trọng với sự ổn định của khu vực và toàn cầu. Theo bà, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hợp tác để giải quyết tình hình.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho rằng năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã tăng lên đến một “mức độ đáng kể” và các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn cũng như áp lực lớn hơn là cần thiết.

Trong khi đó, theo hãng AFP/Reuters, Lầu Năm Góc đã liên tục tái khẳng định rằng Mỹ và các đồng minh trong khu vực đều được bảo vệ chắc chắn trước mọi mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng vừa thực hiện vụ thử hạt nhân mới.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis nhấn mạnh: “Đây là một mối đe dọa thực sự và chúng tôi luôn bảo đảm rằng mình đang đi trước một bước. Chúng tôi tin lời của họ (Triều Tiên) và đã xây dựng một cơ chế phòng thủ trong đó giả định rằng Triều Tiên thực sự có khả năng, tuy nhiên chúng tôi chưa từng thấy nó hoạt động”.

Mỹ sở hữu một loạt công nghệ phòng thủ tên lửa, bao gồm Hệ thống tác chiến Aegis, tên lửa Patriot và nhiều loại radar phức tạp.

Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc gây áp lực đòi Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định “đây là trách nhiệm của phía Trung Quốc”./.