Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đoàn Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt
Chiều 23-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) nhân dịp sang Việt Nam dự hội nghị cấp cao Ủy ban Đánh giá và xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản để khởi động giai đoạn VI của sáng kiến.
Keidanren là liên đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản, thành viên gồm 1.340 doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản, 109 hiệp hội công nghiệp toàn quốc và 47 tổ chức kinh tế tầm khu vực và địa phương.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4-2003 - một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, thiết lập và tạo dựng một môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Đến nay, sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã thực hiện được 5 giai đoạn với tổng số 441 tiểu hạng mục trong kế hoạch hành động, trong đó có 367 tiểu hạng mục đã được triển khai đúng tiến độ, chiếm 83% tổng số tiểu hạng mục cam kết.
Trên cơ sở đó, Việt Nam và Nhật Bản đã tiếp tục thống nhất nội dung sáng kiến chung giai đoạn 6 gồm 7 nhóm vấn đề chính, với 7 hạng mục và 27 tiểu hạng mục, tập trung vào các lĩnh vực lao động, tiền lương, dịch vụ logistic - vận tải, dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phân phối dược phẩm, luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…
Thời gian triển khai giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản là 17 tháng (từ tháng 8-2016 đến cuối năm 2017), trong đó có hai cuộc đánh giá giữa kỳ (vào cuối năm 2016 và giữa năm 2017) và một cuộc họp cấp cao để đánh giá kết quả thực hiện vào cuối năm 2017.
Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng các nhà đầu tư Nhật Bản trong Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Chủ tịch nước cho rằng, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay, thực chất và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Nhật Bản tiếp tục là đối tác hàng đầu về kinh tế, là nước cung cấp ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn xác định Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài; mong muốn cùng Nhật Bản phát triển toàn diện và thực chất hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp này.
Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác kinh tế trong thời gian tới.
Những tiến triển trong quá trình liên kết kinh tế khu vực, như thành lập Cộng đồng ASEAN, những hiệp định thương mại thế hệ mới đã và sắp được ký kết, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... sẽ mang lại nhiều cơ hội mới trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Keidanren đã đồng hành, hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư; khẳng định đây chính là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.
Ghi nhận vai trò và những đóng góp của hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt, đặc biệt là việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch nước cho rằng, đây là kênh thông tin hữu hiệu cho các cơ quan chức năng Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp,chính sách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẽ quyết tâm tiếp tục nỗ lực triển khai mạnh mẽ các biện pháp hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, chính sách... để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, thông thoáng và minh bạch hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản, triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch nước mong muốn trong thời gian tới, Ủy ban kinh tế Nhật - Việt đóng góp hơn nữa trong việc triển khai thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VI; tiếp tục là cầu nối giữa các nhà đầu tư để có nhiều hơn các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam...
Ngài Kyohei Takahashi và Ngài Kuniharu Nakamura, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt, trân trọng cảm ơn những ý kiến trao đổi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về hoạt động của Keidanren tại Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu hơn những cơ hội đầu tư và hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam.
Báo cáo về thành công của hội nghị cấp cao Ủy ban Đánh giá và xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản để khởi động giai đoạn VI của sáng kiến, ngài Kyohei Takahashi cho biết, Nhật Bản luôn coi trong hợp tác với Việt Nam.
Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực (năm 2009), kim ngạch thương mại, đầu tư giữa hai nước đã tăng khoảng gấp 4 lần. Việt Nam là quốc gia mà Nhật Bản đầu tư nhiều nhất trong khối ASEAN, với trên 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Trong khảo sát của Keidanren hồi tháng 3 năm nay, Việt Nam đứng đầu danh sách các nước mà doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư trong giai đoạn từ 5-10 năm tới.
Chia sẻ với mong muốn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về thu hút đầu tư, ngài Kuniharu Nakamura cho rằng, Việt Nam có lợi thế về mặt địa lý, có nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, chịu khó, hiện đã tham gia TPP và đang đàm phán RCEP…
Khi các hiệp định này có hiệu lực sẽ tạo cho Việt Nam có nhiều lợi thế với tư cách là nước thu hút đầu tư. Keidanren đã kiến nghị Chính phủ Nhật Bản cần sớm phê chuẩn TPP, qua đó sẽ mang lại nhiều cơ hội mới trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước./.
Chủ tịch Quốc hội tiếp Đại sứ New Zealand và Đại sứ Philippines  (23/08/2016)
Xây dựng ngành Ngoại giao kiến tạo, hành động, liêm chính  (23/08/2016)
Khai mạc Diễn đàn về quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam  (23/08/2016)
Bà con Việt kiều tại Slovakia đóng góp cho Quỹ học bổng Vừ A Dính  (23/08/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên