Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-7-2016

Đức Toàn tổng hợp
11:22, ngày 18-07-2016
TCCSĐT - Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương ngày 12-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu “Phải tái cơ cấu ngay bộ máy cồng kềnh của Bộ Công Thương. Không để tình trạng cán bộ đi ra đi vào nhiều quá mà không thấy hiệu quả đâu. Chúng ta tổ chức lại bộ máy để phục vụ phát triển. Nói mãi chả chịu làm. Phải tổ chức người nào việc nấy có hiệu quả, công việc của mỗi công chức trong một ngày một giờ”.

Cởi nút thắt để doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sự phục hồi của các doanh nghiệp sẽ trở thành động lực quan trọng, mang tính quyết định trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và thời gian tới, nhất là với sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của Chính phủ về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm gỡ bỏ những nút thắt đối với doanh nghiệp, giải phóng sức phát triển cho các doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp yên tâm vào môi trường kinh doanh, yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, doanh nghiệp đang là một trong những ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới…Điều này thể hiện rất rõ trong điều hành của Chính phủ. Chỉ trong vòng một tháng, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết về các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, đó là Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Trong hơn 2 tháng vừa qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo hoàn tất các văn bản hướng dẫn các văn bản luật, đảm bảo không có khoảng trống pháp luật. 50 nghị định về điều kiện kinh doanh đã được ban hành và có hiệu lực đúng ngày 01-7-2016 theo quy định của Luật Đầu tư, bãi bỏ toàn bộ các giấy phép con đã tồn tại khá lâu… Tất nhiên, những giải pháp này có thể sẽ có độ trễ, hiệu ứng của các giải pháp này đến sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết liệt trong triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành.

Có thể nói, cuộc rà soát điều kiện kinh doanh vừa qua là đòi hỏi của giai đoạn phát triển với những yêu cầu mới từ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cũng trên tinh thần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, nếu phát hiện những vấn đề vướng mắc, không phù hợp với yêu cầu mới của phát triển sẽ tiếp tục sửa đổi. Bộ cũng đang được Chính phủ giao xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh. Những quy định không phù hợp với thực tiễn, chồng chéo, không tương thích, trái với xu thế đổi mới và hội nhập, cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ phải sửa đổi. Các luật chuyên ngành cũng sẽ phải được rà soát theo hướng này.

Thủ tướng Chính phủ: Tái cơ cấu ngay bộ máy cồng kềnh của Bộ Công Thương

Là ngành xương sống của nền kinh tế, công tác hội nhập quốc tế được thực hiện rất tốt nhưng việc thực thi hội nhập, xây dựng các chiến lược phát triển, đang có nhiều bất cập. Bộ Công Thương đang quản lý hệ thống các đơn vị với hàng vạn công chức, viên chức nhưng hoạt động kém hiệu quả. Tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm, định hướng và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương ngày 12-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu “Phải tái cơ cấu ngay bộ máy cồng kềnh của Bộ Công Thương. Không để tình trạng cán bộ đi ra đi vào nhiều quá mà không thấy hiệu quả đâu. Chúng ta tổ chức lại bộ máy để phục vụ phát triển. Nói mãi chả chịu làm. Phải tổ chức người nào việc nấy có hiệu quả, công việc của mỗi công chức trong một ngày một giờ”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Công Thương có khoảng 30 cục, vụ; 10 đơn vị trên cục; 11 tập đoàn, tổng công ty; 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng với hàng vạn cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, bộ máy còn cồng kềnh, tính tương tác, hiệu quả công việc thấp.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cải cách hành chính, tạo nên sức sống mới để xuất nhập khẩu phát triển. Hiện ngành công thương quản lý nhiều doanh nghiệp lớn nhưng cổ phần hóa chậm, tỷ trọng vốn nhà nước ở nhiều công ty chiếm hơn 90%. Việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty như Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn… phải công khai, minh bạch.

“Các đồng chí đề xuất cải cách thể chế, cơ chế chính sách, tổ chức thực thi, hệ thống thông tin đánh giá, báo cáo Chính phủ . Cái gì tháo gỡ được, làm tốt hơn được thì nên đề xuất. Chúng ta hạn chế, chấm dứt cơ chế xin cho, không bao cấp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp”, Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với TP. Hà Nội về công tác cải cách hành chính

Ngày 14-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, đã làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội về công tác cải cách hành chính.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao công tác cải cách hành chính của Thành phố thời gian qua, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và nâng cao vị thế của Thủ đô.

Theo đó, kết quả cải cách hành chính của Thành phố đạt khá toàn diện. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính được thực hiện khá đồng bộ và nề nếp theo hướng công khai, minh bạch, bước đầu đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân và doanh nghiệp. Quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công đã được Thành phố quan tâm đẩy mạnh với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử gắn liền với cải cách hành chính. Thành phố đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục cải thiện, đẩy mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

“Thành phố làm tốt công tác này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tìm hiểu đầu tư phát triển của Thành phố và đất nước. Thủ tục càng thông thoáng thì người dân và doanh nghiệp càng tin tưởng vào chính quyền. Qua đó, mong muốn Thành phố luôn là địa phương gương mẫu đi đầu, xứng đáng với vị trí, vai trò quan trọng của mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về yếu kém, hạn chế cần khắc phục, Phó Thủ tướng cho rằng, Hà Nội rà soát đánh giá tác động của thủ tục hành chính còn chậm, còn hình thức; vẫn còn một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, gây xói mòn niềm tin của dân, nhất là liên quan đến cấp sổ đỏ, dự án xây dựng, ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của dân, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Về việc chậm trễ cấp sổ đỏ cho người dân do vi phạm của chủ đầu tư, Phó Thủ tướng chỉ rõ, phải xử lý chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn tiến hành cấp sổ đỏ cho dân, không bắt dân làm “con tin” của doanh nghiệp và chính quyền. Làm được điều này, mới thực sự tạo được niềm tin trong nhân dân, thực sự “vì nhân dân phục vụ”.

Về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng Thành phố cần khẩn trương xây dựng Chương trình hành động theo Nghị quyết 19 của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách hành chính và đơn giản hóa thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công vụ, tạo hình ảnh người công chức Thủ đô liêm khiết, chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả; phối hợp với Bộ Tư pháp kiến nghị bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh không phù hợp...

Long An cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư

Ngày 17-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Long An về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2016, mức tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Long An đạt 7,6%; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản âm 2,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 14,6%; thương mại-dịch vụ tăng 8,3%. Tổng thu ngân sách ước gần 4.500 tỉ đồng, đạt hơn 54%.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Long An cần tăng cường chỉ đạo, triển khai, đôn đốc thực hiện để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2016 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục rườm rà không cần thiết, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cần tập trung thu hút những nhà đầu tư chiến lược để phát triển, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông.

Cải cách tạo đà tăng trưởng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo sâu sát nên đã tạo nhiều chuyển biến mới, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân sản xuất - kinh doanh.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Minh Nhạn, xuyên suốt nhiều năm qua, công tác cải cách hành chính của Bộ tập trung vào 2 vấn đề trọng tâm là tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, bà con nông dân sản xuất - kinh doanh, qua đó tạo đà phát triển triển, tăng trưởng ngành nông nghiệp và đổi mới, nâng cao hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước.

Quán triệt tinh thần đó, Bộ đã triển khai có hệ thống, đồng bộ trên 6 lĩnh vực gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính.

Theo đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được triển khai tích cực, nhiều văn bản được ban hành góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và từng bước giải quyết được những vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cơ bản hoàn thành kết nối và chính thức đưa vào sử dụng, hoạt động hiệu quả 9/9 thủ tục hành chính thí điểm của Bộ trên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia.

Tính đến 30-6, đã tiếp nhận qua Cổng Thông tin một cửa Quốc gia tổng số 17.056 hồ sơ; xử lý, giải quyết và cấp phép/giấy chứng nhận điện tử 12.495 hồ sơ, đang tiếp tục xử lý 4.561 hồ sơ.

Việc triển khai cơ chế Một cửa quốc gia tại Bộ và các đơn vị trong thời gian qua đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đơn giản hóa hồ sơ thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quyết liệt các Nghị quyết 36a/NQ-CP, Nghị quyết 19/NQ-CP trong 3 năm (2014-2016) và Nghị quyết 35/NQ-CP nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mới đây, việc ban hành Nghị định 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh đầu tư kinh doanh 6 lĩnh vực (có hiệu lực từ 01-7-2016) đã góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Hoàn thiện dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện các chính sách hiện hành về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, rà soát các quy định pháp luật liên quan và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế thị trường, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với thực tiễn; quy định cụ thể các điều kiện, phương thức hỗ trợ phù hợp với kinh tế thị trường, phù hợp với định hướng quy hoạch, hạn chế các thủ tục hành chính, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, cải thiện điều kiện gia nhập thị trường của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời bổ sung vào dự thảo Luật các chính sách kế thừa từ các quy định hiện hành, nhưng có đổi mới về phương thức thực hiện đối với quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức tài chính vi mô, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ pháp lý, tư vấn cho doanh nghiệp,…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về triển khai các Chương trình, biện pháp hỗ trợ cần hiệu quả, linh hoạt phù hợp với nhu cầu thực tiễn và chủ trương chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ, phù hợp với các nguyên tắc của thị trường và cam kết quốc tế; làm rõ vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong việc tham gia các hoạt động hỗ trợ, phù hợp với quy định pháp luật về hội; xác định các nguồn lực hỗ trợ bảo đảm tính khả thi, phù hợp với Luật ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Chính phủ trước ngày 18-7-2016./.