TCCSĐT - Đó là chủ đề của Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và một số cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức tại Hà Nội, ngày 15-7-2016.

Có thể nói, thực phẩm không an toàn từ khâu sản xuất đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ được xem là vấn nạn đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm của nước ta hiện nay. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, các tổ chức cũng như nhân dân cả nước.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, TS. Phạm Xuân Đương cho biết: “Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, nông nghiệp Việt Nam đã có những thành tựu to lớn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Từ một nước nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên đáp ứng đủ nhu cầu về thực phẩm cho hơn 90 triệu dân, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng trong tốp đầu của thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức trong điều kiện hội nhập, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, sinh kế và đời sống, sức khỏe của con người, ảnh hưởng đến giống nòi Việt”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 10% dân số thế giới bị ngộ độc do ăn thức ăn nhiễm độc, do thực phẩm không an toàn. Ở Việt Nam, các vụ ngộ độc cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân đó là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn lạc hậu, nhỏ lẻ. Công tác quản lý chất lượng sản phẩm còn lỏng lẻo ở nhiều khâu trong chuỗi, từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến bao gói tiêu thụ thực phẩm. Nhận thức và ý thức trách nhiệm về an toàn của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, quản lý còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát chế tài xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.

Đề cập đến một số giải pháp, ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết: “nhằm siết chặt việc quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản, phân loại và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thanh tra ngành an toàn thực phẩm đã tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các nhóm đối tượng, công đoạn có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm... Các trường hợp vi phạm được phát giác và xử lý, loại ra khỏi chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Năm 2016 tiếp tục được xác định là năm cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát các quy định kỹ thuật về an toàn thực phẩm trên cơ sở quy định tại Nghị định số 66/2016/NĐ-CP; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về an toàn thực phẩm; tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nâng cấp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và áp dụng thực hành sản xuất, quy trình sản xuất thực phẩm an toàn; đào tạo nhân lực, đặc biệt ở tuyến huyện, xã về giám sát, đánh giá, cảnh báo truyền thông nguy cơ. Tổ chức triển khai các nội dung chương trình phối hợp với Bộ Công Thương về vấn đề kiểm soát lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Rà soát và đề xuất ban hành chính sách liên kết, phát triển, nhân rộng chuỗi giá trị nông sản an toàn.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Bộ Công Thương đã có nhiều dự án, chương trình tiêu biểu hỗ trợ bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông sản, như: Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 - 2015, Dự án VietGap, Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh và an toàn thực phẩm ngành chăn nuôi (Lifsap); các hoạt động khuyến khích xây dựng, phát triển hệ thống chuỗi thực phẩm an toàn... Theo bà Nga, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản, chính sách về bảo đảm an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng nông sản thuộc phạm vi của Bộ; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa công tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với sự tham gia của các kênh phân phối; xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; các chương trình tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững theo Quyết định số 634/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án Phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tổ chức điểm bán hàng Việt có nông sản an toàn. Phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội khác triển khai chương trình kết nối để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm, thực phẩm an toàn, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh các chương trình truyền thông hỗ trợ quảng bá, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…

Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận tập trung một số nội dung như: nhìn nhận, đánh giá mức độ thiệt hại về kinh tế - xã hội, con người từ câu chuyện thực phẩm không an toàn; phân tích các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý, thực thi nhằm bảo đảm và duy trì một nền nông nghiệp an toàn; tìm các giải pháp hữu hiệu hơn nhằm hạn chế và giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn, tạo dựng và củng cố niềm tin của người tiêu dùng…/.