Trong 5 năm qua, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đang giảm xuống, tình trạng già hóa dân số tăng nhanh... Nếu không có các giải pháp mang tính cân bằng và chiến lược, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số già điển hình trên thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011 - 2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, do Bộ Y tế tổ chức sáng 29-6 tại Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ, dân số là một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của một quốc gia. Hiện nay, công tác dân số của Việt Nam đang đứng trước bước chuyển lớn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa. Trong đó, tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn còn cao nhất là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Phó Thủ tướng cho biết, đến năm 2017, vấn đề dân số sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng để bàn về Luật Dân số. Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngay từ bây giờ, ngành dân số phải tổ chức nghiên cứu bài bản các vấn đề quan trọng liên quan đến công tác dân số. Dân số ở đây không chỉ có quy mô, cơ cấu, phân bổ mà quan trọng là phải chú trọng nâng cao chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Tân Phó Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam bước đầu đã giảm nhưng còn chậm. Tốc độ gia tăng năm sau so với năm trước có thay đổi và xu hướng của tỷ số giới tính khi sinh Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, số bé trai trên 100 bé gái đều tăng qua các năm 2009, 2011 và 2015 lần lượt là 110,5; 111,9 và 112,8.

Đặc biệt, theo ông Tân, định kiến giới, tư tưởng trọng nam, phải có con trai nối dõi tông đường, thậm chí tư tưởng đông con vẫn tồn tại và ăn sâu vào nhận thức của người dân, một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Theo Sở Y tế Long An, tâm lý thích có con trai vẫn còn có trên 20% các cặp vợ chồng.

Theo đánh giá của ngành y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng đã tăng với tốc độ rất nhanh, liên tục và đã ở mức cao nghiêm trọng. Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ; Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam như vậy, Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng chương trình hành động và đề án cụ thể về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn tiền hôn nhân, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đẩy mạnh nâng cao chất lượng dân số..../.