Tìm giải pháp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu
TCCSĐT - Cuối tháng 5-2016, tại thành phố I-se Si-ma thuộc tỉnh Mi-e, miền trung Nhật Bản đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Đây là lần thứ 6 Nhật Bản chủ trì hội nghị với tư cách nước Chủ tịch và sau 8 năm G7 được tổ chức tại châu Á.
Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm, chú ý hàng đầu của dư luận quốc tế, nhất là trong bối cảnh năm 2016 tại châu Á cũng sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS (lần lượt diễn ra ở Trung Quốc và Ấn Độ).
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này, các nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm và tìm kiếm đồng thuận xung quanh những thách thức từ hệ quả của cuộc khủng hoảng U-crai-na, cuộc chiến Xy-ri, bối cảnh an ninh trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông... Tuy nhiên, vấn đề kinh tế vẫn là nội dung được quan tâm ưu tiên hàng đầu.
G7 còn nhiều bất đồng
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến tiêu cực, các nền kinh tế mới nổi gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm sâu, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, nhiều nước phát triển cũng đang phải đối mặt với tình cảnh kinh tế đình trệ trong thời gian dài..., việc tìm kiếm các biện pháp để khôi phục đà tăng trưởng kinh tế thế giới đã là chủ đề ưu tiên hàng đầu, được đưa ra bàn thảo ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị.
Với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm G7, Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê đã đưa ra hàng loạt biểu đồ mang tính báo động, so sánh tình hình kinh tế hiện tại với thời điểm năm 2008. Thủ tướng S. Abe nhấn mạnh giá hàng hóa toàn cầu đã giảm 55% từ tháng 6-2014 đến tháng 01-2016, tỷ suất sinh lợi hiện chỉ tương đương với giai đoạn từ tháng 7-2008 đến tháng 02-2009, sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers (1). Thủ tướng S. Abe cho rằng, cũng trong Hội nghị Thượng đỉnh G8 (+Nga) tháng 7-2008, các nước phát triển không thể đưa ra bất kỳ dự báo nào đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và ngay sau đó vài tháng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã xảy ra. Uy tín lãnh đạo kinh tế của G8 bị suy giảm, quyền phát ngôn trong nền kinh tế thế giới vì vậy đã phải nhường chỗ cho G20 (Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới). Do đó, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, ông S. Abe kêu gọi các nước phát triển nên hành động và phối hợp nhịp nhàng với Nhật Bản để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới có khả năng xảy ra.
Mặc dù Nhật Bản luôn nỗ lực tìm tiếng nói chung tại Hội nghị, với mong muốn thuyết phục được các nước thành viên G7 nhất trí về các biện pháp tài chính phối hợp, song Thủ tướng S. Abe đã không thuyết phục được Thủ tướng Đức A. Merkel và Thủ tướng Anh D. Cameron rằng, nền kinh tế thế giới đang đi xuống. Ông D. Cameron đồng ý rằng nên có chính sách “linh hoạt” để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, nhưng lại ủng hộ quan điểm của bà A. Merkel về việc mỗi nước G7 nên có chính sách kinh tế riêng, phù hợp với nhu cầu của từng nước.
Trong vấn đề tỷ giá, Mỹ và Nhật Bản có sự va chạm, điều này đã bộc lộ rõ trước khi khai mạc Hội nghị G7, Nhật Bản đã bị Mỹ chỉ trích, tuy kín đáo, trước việc Nhật Bản can thiệp vào tỷ giá hối đoái. Về chính sách tài khóa, Mỹ và Nhật Bản có ý định đưa ra một phương án kích thích tài chính mới, nhưng Đức phản đối chủ trương này mà đề xuất ưu tiên cải cách cơ cấu.
Vai trò G7 dần suy yếu, các vấn đề châu Á lên ngôi
Sau khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ, G7 nổi lên là cơ chế quản lý chủ yếu nhất trong hệ thống tiền tệ quốc tế. Có thể thấy ngay từ khi mới ra đời, G7 là diễn đàn chủ yếu quan tâm đến các về vấn đề kinh tế quốc tế. Các nước phát triển đã làm việc cùng nhau, điều hòa lẫn nhau để thay thế “chế độ cứng rắn” của thời đại hệ thống Bretton Woods. Chiến tranh Lạnh kết thúc, G7 cũng đã tiến hành thay đổi cơ chế, thông qua việc mở rộng thành viên, xây dựng thêm chương trình làm việc và thúc đẩy cơ chế đi vào chiều sâu nhằm thay đổi trung tâm quản lý toàn cầu có hiệu quả.
Tuy nhiên, những cải cách cơ chế của G7 trong nhiều năm qua là rất hạn chế, chương trình nghị sự gần đây của G7 lại bộc lộ quá nhiều tham vọng (không chỉ quan tâm đến các vấn đề kinh tế mà còn nhiều các vấn đề an ninh cũng được quan tâm). Bên cạnh đó, các nước thành viên G7 đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức trong nước. Cuối cùng, sức ảnh hưởng của cả G7 hay từng quốc gia riêng lẻ cũng dần suy yếu. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng, nhóm này hiện nay đã mất đi vai trò quan trọng trong điều tiết, dẫn dắt nền kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh những năm đầu thế kỷ XXI, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi to lớn, bản thân những điều chỉnh hạn chế của G7 không thể đáp ứng nhu cầu quản lý tài chính quốc tế ngày càng phức tạp. Sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ (năm 2008) và những hậu quả nặng nề của nó đối với toàn bộ hệ thống tài chính quốc tế khiến nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả của G7 với tư cách là “bộ máy ổn định” thị trường tài chính toàn cầu. Hiện nay, G7 vẫn là một diễn đàn hữu ích nhằm thảo luận và phối hợp giữa các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới nhưng vai trò trung tâm của G7 trong chính sách kinh tế toàn cầu đang bị hoài nghi.
Gần đây, với sự ra đời của nhóm các nền kinh tế mới nổi như BRICS (Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với sự lớn mạnh không ngừng của kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ… khiến vai trò của G7 dần bị lu mờ. Theo thống kê, tỷ trọng của G7 trong nền kinh tế thế giới đã giảm từ gần 60% thời gian đầu thành lập năm 1975 và 70% cuối những năm 1980 xuống còn 45,9% năm 2015, trong khi các nước BRICS đã chiếm tỷ trọng đến 21,9% nền kinh tế thế giới (2), và vì vậy nhiều người bày tỏ sự nghi ngại về năng lực lãnh đạo của G7 đối với nền kinh tế thế giới. Ở khía cạnh khác, do việc sáp nhập Crưm vào Nga năm 2014 nên Nga đã bị loại ra khỏi Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8), và hiện nay, làm thế nào để xử lý mối quan hệ với Nga đang là một vấn đề hết sức khó khăn đối với G7. Ngay từ năm 2015, khi đảm nhận chức Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh G7, Đức đã cho rằng, “nhiều vấn đề mà thế giới phải đối mặt sẽ không thể xử lý được nếu thiếu Nga” (Ngoại trưởng Đức Ph. Xten-mây-ơ). Năm 2016, khi là Chủ tịch của Nhóm G7, Nhật Bản cũng bày tỏ ý định nắm bắt cơ hội, mong muốn trở thành nước có vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và các nước G7, muốn Nga quay lại G8. Trước thềm Hội nghị, đầu tháng 5-2016, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã có chuyến thăm chính thức Nga không chỉ với mong muốn cải thiện quan hệ Nga - Nhật mà còn mong muốn trở thành cầu nối hòa giải giữa Nga và G7.
Nhật Bản với tư cách là đại diện duy nhất của G7 ở châu Á, tận dụng vị thế Chủ tịch G7 năm 2016, tận dụng G7 là một “vũ đài ngoại giao” tốt hơn G20 (bao gồm nhiều nước mới nổi), đã chủ động tích cực mời đại diện các nước châu Á (In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Lào, Băng-la-đét và Niu Ghi-nê) cùng tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Tại Hội nghị mở rộng lần này, các vấn đề châu Á, nội hàm về châu Á được đưa ra bàn thảo nhiều hơn. Từ vấn đề kinh tế Trung Quốc đến những tranh chấp trên Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông... Nhật Bản đã tập trung làm rõ vai trò cũng như những thách thức của châu Á, từ đó tìm kiếm sự ủng hộ của các nước thành viên nói riêng cũng như thế giới nói chung để giúp khu vực này phát triển một cách bền vững và hòa bình. Đặc biệt G7 cũng đã thông qua một thỏa thuận đến năm 2030 có thể giúp 500 triệu người ở các nước đang phát triển châu Á thoát khỏi tình trạng đói nghèo và suy dinh dưỡng (3). Đây là một bước tiến lịch sử của G7 khi lần đầu tiên các cường quốc hướng về châu Á với mối quan tâm sâu sắc như vậy.
Lựa chọn mới, thách thức mới
Ngay sau khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G7, giới quan sát quốc tế đề cập nhiều đến G20. G7 và G20 đều là diễn đàn quản lý kinh tế toàn cầu quan trọng, G7 gồm các nước giàu có phương Tây, G20 tập hợp các nước phát triển và các nước đang phát triển, tuy nhiên tính đại diện của G20 dường như mạnh hơn và thậm chí có quan điểm còn cho rằng, G20 có thể đối phó hiệu quả hơn đối với tình hình quốc tế hiện nay. Trên thực tế, các nước G7 chỉ chiếm gần 10% dân số thế giới và 1/3 GDP toàn cầu; ngược lại, G20 chiếm 2/3 dân số thế giới và hơn 80% GDP toàn cầu (4). Có quan điểm còn cho rằng, từ sau cuộc khủng hoảng Lehman Brothers năm 2008, G20 (trong đó có Trung Quốc) đã trở thành “sân chơi” điều tiết tài chính, chứ không phải là G7. Theo phương tiện truyền thông của Nga, G20 không phụ thuộc vào Mỹ, đây mới là diễn đàn có thể tiến hành tham vấn thực sự.
Mặc dù ở nhiều phương diện khác như trong giám sát ngân hàng ngầm và các giao dịch phái sinh, tiến trình đạt được thống nhất của G20 vẫn rất chậm; ở một số lĩnh vực như vấn đề cơ cấu tài chính mang tính hệ thống xuyên biên giới, G20 vẫn chưa có tiến triển nổi bật… nhưng giới quan sát quốc tế cho rằng, tháng 9-2016 tới, với Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), Trung Quốc sẽ tận dụng vai trò Chủ tịch G20 của mình để dẫn dắt G20, cạnh tranh với G7 trở thành diễn đàn “đại diện” cho hợp tác kinh tế quốc tế. Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng góp phần tích cực hơn cho sự phục hồi của kinh tế thế giới, tập trung vào các thách thức then chốt và các vấn đề nổi cộm, nỗ lực cùng các bên tìm kiếm phương án chung, đi tìm giải pháp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tiếp đó, tháng 10-2016, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra ở Goa (Ấn Độ), Ấn Độ cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn trong khối BRICRS và phát huy vai trò của khối trong nền kinh tế toàn cầu. Hội nghị G20, Hội nghị BRICS ra đời bước đầu đã khẳng định được vai trò của các tổ chức này, sự chi phối của G7 với nền kinh tế thế giới vì thế dường như đang bị lu mờ.
Rõ ràng, thế giới ngày nay đang đứng trước các lựa chọn mới, cùng với đó là những kịch bản mới, thách thức mới. Hợp tác toàn cầu nổi lên ở các cấp độ khác nhau và dọc theo các trục khác nhau. Trên con đường tìm kiếm sự ổn định và thịnh vượng, có thể thấy cạnh tranh giữa cũ và mới, giữa các nước phát triển và đang phát triển vẫn diễn ra hết sức gay gắt và quyết liệt./.
---------------------------------------
(1) Japanese PM Abe points to 2008 crisis as G7 leaders debate global risk, http://www.tribuneindia.com, ngày 26-5-2016
(2) G7 có còn phát huy tác dụng?, TDB0601.004, TTXVN, ngày 01-6-2016
(3) G7 summit Japan PM expresses concerns over slowdowns in growth in emerging economies, http://indianexpress.com, ngày 28-5-2016
(4) Asia’s rivalry heats up as Japan and China play host at separate global summits, http://theconversation.com, ngày 23-5-2016
Về quy định thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước  (28/06/2016)
Về quy định thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước  (28/06/2016)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 20 đến ngày 26-6-2016)  (28/06/2016)
Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành “Hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”  (28/06/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên