Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả ngành than, bảo đảm an ninh năng lượng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp, sản phẩm, đầu tư, chính là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành than.
Theo báo cáo của TKV, năm 2016, Tập đoàn đặt ra mục tiêu đạt tổng doanh thu 104.891 tỷ đồng, nộp ngân sách 11,68 nghìn tỷ đồng và phấn đấu ở mức cao hơn. Lợi nhuận phấn đấu đạt 500 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, TKV đã sản xuất được 19,27 triệu tấn than, đạt 50% kế hoạch năm, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2015. Than sạch thành phẩm đạt 17,74 triệu tấn, bằng 49,3% kế hoạch năm, bằng 94% so cùng kỳ năm 2015.
Tiêu thụ than đạt 18 triệu tấn, trong đó trong nước đạt 17,81 triệu tấn. TKV cũng đã xuất khẩu 183.000 tấn. Tuy nhiên, con số này chỉ đạt 26% kế hoạch năm.
Ước tính 6 tháng đầu năm, toàn Tập đoàn đạt 47.450 tỷ đồng doanh thu, tương đương 45% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước, lợi nhuận chỉ đạt 150 tỷ đồng.
Những thách thức của ngành than
Theo lãnh đạo TKV, hiện tại ngành than đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc mà chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Thứ nhất là sự sụt giảm của thị trường năng lượng. Năng lượng hoá thạch than đá giảm về sản lượng và giá bán, nhiều mỏ than trên thế giới phải dừng khai thác do giá bán thấp trong khi giá thành cao.
Trong bối cảnh đó, giá bán than của TKV vẫn ở mức cao nên sức cạnh tranh yếu. Lý do là chi phí đầu vào tăng do điều kiện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, đi xa hơn, tỉ trọng than lộ thiên giảm, chủ yếu là khai thác hầm lò…
Ngoài ra, cũng có thêm một lý do nữa là giá than của TKV hiện đang được áp nhiều loại thuế, phí. Theo tổng hợp của TKV, tổng các loại thuế phí tính vào giá thành than trong nước khoảng 15%, ở mức cao so với thế giới và khu vực.
Khó khăn tiếp theo là do sự thay đổi của nhu cầu sử dụng than trong nước, cùng với đó là việc Nhà nước đã cho phép một số ngành khác cũng được nhập khẩu than để phục vụ nhu cầu sử dụng. Đây là những nguyên nhân dẫn đến sản phẩm than của TKV bị tồn đọng, không tiêu thụ được.
Ngành than hiện cũng đang thiếu nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư các mỏ than.
Một đặc thù của ngành than là sử dụng nhiều lao động do tỉ lệ lao động thủ công, bán cơ giới hóa còn cao. Mặc dù trong những năm qua, TKV đã tích cực đầu tư cơ giới hóa việc khai thác, nhưng do điều kiện địa chất phức tạp nên việc này chưa được như mong muốn.
Giải quyết khó khăn cho ngành than, bảo đảm an ninh năng lượng
Những khó khăn, thách thức của ngành than được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ. Phó Thủ tướng cho rằng, tuy gặp phải nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, ngành than đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, sản lượng khai thác ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng trong nước; công tác tái cơ cấu ngành than được thực hiện mang lại hiệu quả bước đầu, duy trì được việc làm cho hơn 100.000 lao động.
“Cơ bản ngành than đã thực hiện được nhiệm vụ quan trọng mà Nhà nước giao trong điều kiện cạnh tranh, phát triển kinh tế thị trường”, Phó Thủ tướng nói.
Về những khó khăn mà ngành than đang phải đối mặt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định phải có sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả để xử lý, qua đó tạo điều kiện cho ngành than phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng.
“Ngành than là một trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng, do đó phải trở thành một ngành phát triển, có sức cạnh tranh cao, bảo đảm đủ than cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Để phát triển, ngành than phải đồng thời nâng cao công suất, giảm giá để cạnh tranh, trong khi vẫn bảo đảm môi trường.
Về giá, Phó Thủ tướng đề nghị TKV và các doanh nghiệp thành viên cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để giảm giá thành sản xuất trong nước. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần nghiên cứu một cách thấu đáo các chính sách thuế, phí đối với giá bán than.
Đề cập đến các giải pháp trung hạn và dài hạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành than cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, thăm dò, đánh giá tài nguyên làm cơ sở cho việc thực hiện quy hoạch phát triển ngành. Cùng với đó, phải tổ chức khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản chủ lực, trước hết là than. Có kế hoạch xuất, nhập khẩu than phù hợp.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, giải pháp đặc biệt quan trọng, có vai trò quyết định để vượt qua khó khăn chính là tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và do đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
“Trước hết tập trung rà soát để tái cấu trúc các sản phẩm, ngành nghề. Thực tế khó khăn hiện nay cho thấy ngành than càng phải tập trung rà soát, nghiên cứu những sản phẩm, dịch vụ có thế mạnh, phù hợp với khả năng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Lĩnh vực đầu tư cũng cần được tái cấu trúc theo hướng chỉ tập trung vào những lĩnh vực chính của ngành”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Một nhiệm vụ khác, khó khăn hơn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động chính là đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, quản lý chi phí nhằm tiết kiệm, khắc phục lãng phí, thất thoát để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị TKV cần đặc biệt quan tâm đến đời sống người lao động, trước hết là bảo đảm an toàn lao động, tiếp đó là vấn đề nhà ở, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho công nhân.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý khai thác, chế biến, vận chuyển và xuất nhập khẩu than, quản lý về môi trường trên địa bàn.
Đối với những kiến nghị cụ thể của TKV, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu một cách trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người thợ mỏ
Trước đó, sáng 25-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã thị sát tình hình sản xuất, động viên công nhân mỏ tiếp tục thi đua lao động sản xuất, khai thác có hiệu quả tại Công ty Than Nam Mẫu, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Mỏ than Nam Mẫu (nay là Công ty Than Nam Mẫu trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam TKV) đã có 17 năm xây dựng, phát triển và là một trong những đơn vị có sức tăng trưởng nhanh, sản lượng lớn trong TKV. Hiện tại, công suất mỏ của Công ty đạt 2,5 triệu tấn/năm, trữ lượng công nghiệp 81 triệu tấn, khai thác đến mức -200 m, tuổi thọ mỏ 36 năm, tính từ năm 2006.
Với gần 5.000 cán bộ, công nhân viên, 8 lò chợ giá khung di động, 3 lò chợ ngang nghiêng, 1 lò chợ cột thủy lực đơn, 1 lò chợ giá thủy lực di động liên kết xích, Công ty đã trở thành đơn vị có sự tăng trưởng nhanh trong Tập đoàn. Hiện nay, Công ty đã cơ giới hóa, cơ khí hóa 100% công nghệ khai thác, đào lò ở tất cả các gương lò chợ, lò đào.
Tại khai trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã trực tiếp vào thăm, kiểm tra việc khai thác tại lò chợ ứng dụng những công nghệ khai thác mới như lò chợ cơ giới hóa đồng bộ khai thác bằng giàn chống tự hành kết hợp với máy khấu than, hệ thống giám sát khí metan… giúp tăng hiệu quả khai thác hơn 30% so với trước đây.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng động viên, tặng quà công nhân đang khai thác trong hầm lò.
Theo báo cáo của Công ty, năm 2015, sản lượng than nguyên khai thực hiện 2,16 triệu tấn, đạt 103% kế hoạch. Sản lượng than tiêu thụ thực hiện là 1,78 triệu tấn, đạt 99% kế hoạch. Doanh thu thực hiện là 2.489 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch, trong đó doanh thu sản xuất than là 2.403 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch. Lợi nhuận đạt 61,3 tỷ đồng, tăng 24,2 tỷ đồng so với kế hoạch.
Tặng quà, động viên công nhân đang khai thác trong hầm lò, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị công nhân, lãnh đạo nhà máy và ngành than cần phải đặc biệt chú ý an toàn lao động, không vì chạy theo thành tích khai thác mà chủ quan, mất an toàn.
Sau khi thị sát và nghe báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, thuận lợi khó khăn của Công ty than Nam Mẫu thời gian qua, Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của Công ty trong việc cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống người lao động. Trong khai thác than, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, bảo vệ môi trường khu vực khai thác.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với cán bộ, công nhân Công ty về những khó khăn đặc thù của ngành than - một ngành công nghiệp mũi nhọn trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhấn mạnh tới nhiệm vụ của ngành than trong việc ổn định sản xuất, bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, ngành than nói chung và Công ty Nam Mẫu nói riêng phải tiếp tục nỗ lực, tập trung đổi mới công nghệ khai thác để giảm đến mức thấp nhất tổn thất tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, tăng mức độ an toàn, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập cho người lao động, nhất là đối với thợ mỏ.
* Cũng trong tối ngày 25-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh dự lễ khánh thành dự án Sun World Hạ Long Park tại phường Bãi Cháy và phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long do Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long - Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư./.
Chính thức thông tàu qua cầu Ghềnh sau hơn 3 tháng bị đâm sập  (25/06/2016)
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn bay  (25/06/2016)
Anh - EU “đứt gánh”  (25/06/2016)
Công bố nguyên nhân ban đầu sự cố máy bay Su 30-MK2 gặp nạn  (24/06/2016)
Kiện toàn nhân sự chủ chốt của các tỉnh Thái Bình, Bắc Kạn, Bình Định, Quảng Bình và Bình Dương  (24/06/2016)
Thông báo chính thức kết quả tìm kiếm máy bay SU30-MK2 và CASA-212  (24/06/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên