Hậu Brexit!
Sự chia rẽ trong nội bộ Liên hiệp Vương quốc Anh và những nỗ lực muộn màng
Bắc Ireland, Scotland, Xứ Wales và England hợp thành Liên hiệp Vương quốc Anh. Trong cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Liên minh châu Âu ngày 23-6 vừa qua, người dân Bắc Ireland, người dân Scotland đã thể hiện nguyện vọng ở lại EU.
Ngày 25-6, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon (Ni-cô-la Xtu-giê-ôn) tuyên bố Scotland muốn thảo luận ngay lập tức với Liên minh châu Âu để bảo vệ vị trí của Scotland trong EU.
Phát biểu sau cuộc họp nội các khẩn cấp, bà Sturgeon cho biết Scotland đã nhất trí kêu gọi "lập tức thảo luận với các thiết chế của EU cùng một số quốc gia thành viên khác để nghiên cứu mọi phương án có thể nhằm bảo vệ vị trí của Scotland trong EU". Bà Sturgeon cũng tiết lộ rằng chính quyền Scotland đang chuẩn bị đưa ra dự thảo luật cho phép tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc trở thành quốc gia độc lập và tách khỏi Vương quốc Anh, trong khi tiếp tục thảo luận về vị trí của Scotland tại EU.
Trước đó, trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, 55% người dân Scotland đã bỏ phiếu phản đối việc tách khỏi Vương quốc Anh.
Một ngày sau khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý với kết quả nghiêng về phe những người muốn Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, hơn một triệu người dân "quốc đảo sương mù" đã ký vào đơn kiến nghị kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu lần thứ hai về quyết định này.
Trang đăng ký thỉnh nguyên thư của Nghị viện Anh đã có lúc bị "sập" do lượng người truy cập để đăng ký tên vào đơn thỉnh cầu tăng đột biến. Đơn ghi rõ: "Chúng tôi đã ký yêu cầu chính phủ thực thi điều luật quy định nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý nhận được dưới 60% số người ủng hộ và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu dưới 75% thì sẽ phải tiến hành cuộc trưng cầu lần thứ hai" (trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 23-6 vừa qua, tỷ lệ cử tri Anh tham gia bỏ phiếu là 72,2% và phe Brexit chỉ giành chiến thắng sít sao với 51,9% ủng hộ).
Theo trang web trên, tính đến 17 giờ (Hà Nội) ngày 25-6, đã có khoảng 1.040.000 người ký vào thỉnh nguyện thư cầu trên, cao gấp hơn 10 lần so với quy định cần ít nhất 100.000 chữ ký đề đề xuất được đưa ra thảo luận tại Nghị viện Anh. Còn theo VOA, đến hết ngày 25-6, đã có hơn 2 triều người ký. Ủy ban kiến nghị thuộc Nghị viện Anh, nơi đang xem xét liệu có trình đề xuất này lên Hạ viện hay không, dự kiến sẽ họp và thảo luận về vấn đề này vào ngày 28-6.
Kết quả trưng cầu dân ý 23-6 cho thấy sự chia rẽ lớn giữa tầng lớp thanh niên và người cao tuổi, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa những thành phố lớn và khu vực nông thôn, thậm chí giữa những người có bằng cấp và những người được coi là ít học vị hơn. Trong số những chữ ký trên, phần lớn là những người sống tại các thành phố lớn của vùng England, đứng đầu là London. Thậm chí, có người đưa ra yêu cầu riêng đối với Thị trưởng Sadiq Khan (Xa-đít Khan) tuyên bố tách thủ đô London khỏi Vương quốc Anh và nộp đơn xin ra nhập EU.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ thất vọng...
Quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu của người dân Anh đã gây sốc không chỉ đối với chính giới nước Anh mà còn cả cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp, cảnh báo các quốc gia thành viên EU cần tránh đưa ra những kết luận vội vàng về việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi khối, vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ chia rẽ sâu sắc trong châu Âu.
Bà Merkel thừa nhận việc Anh rời EU là một đòn mạnh giáng vào châu Âu cũng như tiến trình thống nhất "lục địa già", song cho rằng những hậu quả của Brexit sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc liệu 27 thành viên khác trong EU có thể hiện sẵn sàng và có khả năng không đưa ra những kết luận vội vàng từ kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua ở Anh hay không. Theo bà Merkel, việc đưa ra những ý kiến và đánh giá tiêu cực lúc này sẽ chỉ làm châu Âu chia rẽ hơn. Bà kêu gọi các nước thành viên “bình tĩnh và phân tích, đánh giá cẩn thận tình hình, trước khi cùng nhau đưa ra những quyết định đúng đắn”.
Tổng thống Pháp François Hollande (Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ) đã gặp lãnh đạo các đảng phái chính trị có đại diện trong Quốc hội nhằm tìm hiểu quan điểm các đảng này trước việc người dân Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu để Pháp có đối sách phù hợp trong tương lai.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel (Dích-ma Ga-bri-en) cùng Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier (Phranh Van-tơ Xtai-mai-ơ) gọi đây là "một ngày đau buồn đối với châu Âu" và châu Âu thực sự vỡ mộng khi cử tri Anh ủng hộ quyết định rời khỏi châu lục. Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Wolfgang Schäuble (Vôn-găng Soi-blơ), một chính trị gia rất có uy tín thuộc đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, lại lên tiếng kêu gọi các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu cần phải đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa. Ông nhấn mạnh châu Âu phải cùng nhau tạo ra những điều tốt đẹp nhất sau quyết định của cử tri Anh, đồng thời cho biết Đức sẽ giữ liên hệ chặt chẽ với các nước trong nhóm nước công nghiệp G-7 sau vụ việc trên.
Theo giới phân tích, việc Anh rời EU sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với châu lục. Giám đốc Viện Jacques Delors và là Giáo sư Trường Quản trị Hertie ở Berlin, ông Henrik Enderlein (Hen-rích En-đơ-lai-nơ), nhận định kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Anh không phải một dấu hiệu tốt với châu Âu, và trước tiên là với Anh. Tuy nhiên, châu Âu vẫn có thể đối mặt với thực tế này. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Nghị viện châu Âu thuộc đảng CDU Elmar Brok (En-ma Brốc) coi quyết định của cử tri Anh là một quyết định sai lầm và là "phát súng cảnh báo" đối với 27 quốc gia EU còn lại, nhấn mạnh rằng cần phải xây dựng một châu Âu như kỳ vọng của người dân châu lục. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz (Mác-tin Sun-dơ) hy vọng sẽ không có phản ứng dây truyền trong EU sau vụ việc ở Anh, đồng thời cho rằng các nước khác sẽ không lựa chọn đi theo con đường nguy hiểm của Anh. Ông cũng cho rằng các thể chế trong EU cần đánh giá ngay tình hình và châu Âu cần sự vững vàng trong lúc này.
Cùng ngày, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg (Ê-na Xôn-bớc) lại cho rằng cuộc trưng cầu ý dân của Anh không chỉ là thông điệp của cử tri Anh mà còn cả nhiều cử tri của các quốc gia châu Âu khác, những người cảm thấy EU không còn đủ khả năng đối phó với những thách thức hiện nay. Còn theo Thủ tướng Hungaria Viktor Orban (Vích-to Ô-ban), EU cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân và đây là một bài học lớn nhất.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka (Bô-hu-xláp Xô-bốt-ca) cho rằng việc Anh rời khỏi EU không phải là sự "kết thúc" của liên minh này nhưng kêu gọi EU "mềm dẻo hơn và ít quan liêu hơn". Theo ông, EU cần phải nhanh chóng thay đổi, không phải vì Anh tách khỏi EU mà vì "dự án" châu Âu cần phải có được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ người dân.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (Mắc Rút-tơ) bày tỏ sự "thất vọng" về quyết định của người Anh, song cho rằng kết quả này được xem là động lực để EU tiến hành cải cách.
Thủ tướng Áo Christian Kern (Chri-xti-an Ken) cho rằng sẽ không có hiệu ứng "domino" trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong EU sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, đồng thời khẳng định Áo sẽ không tổ chức sự kiện tương tự như của London. Tuy nhiên, theo ông, châu Âu sẽ mất vị thế và tầm quan trọng trên thế giới do bước đi này của Anh và những ảnh hưởng kinh tế lâu dài của việc Brexit sẽ xảy ra trong một khoảng thời gian.
Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski (Vi-thâu Vác-di-câu-xki) và lãnh đạo đảng Dân chủ và Xã hội tại Nghị viện châu Âu (EP) Gianni Pittella (Gian-ni Pít-ten-la) cho rằng đây là "tin buồn" đối với châu Âu, nhưng chưa phải là dấu "chấm hết" đối với EU.
Về phần mình, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo (Hô-xê Ma-nu-ên Gác-xi-a Mác-ga-giô) đã đề xuất chia sẻ chủ quyền đối với vùng lãnh thổ Gibraltar, khu vực tranh chấp giữa Anh và Tây Ban Nha, sau khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU, cho rằng việc chia sẻ sẽ cho phép vùng lãnh thổ này duy trì sự tiếp cận thị trường chung của EU.
… và phản ứng của các chính trị gia trên thế giới
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon (Ban Ki Mun) ngày 24-6 đã ra tuyên bố liên quan đến kết quả bỏ phiếu và hy vọng tiếp tục nhận được sự đóng góp từ cả hai đối tác quan trọng là Anh và EU. Tuyên bố nêu rõ "mong muốn EU tiếp tục là một đối tác vững chắc đối với Liên hợp quốc về các vấn đề phát triển và nhân đạo cũng như hòa bình và an ninh, bao gồm vấn đề di cư". Ông Ban Ki-moon cũng bày tỏ tin tưởng rằng trong giai đoạn "chuyển tiếp" đầy khó khăn khi Anh bắt đầu rời EU, liên minh này sẽ thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung cho các công dân của mình, điều mà lịch sử chứng minh là EU đã làm rất tốt.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) tuyên bố ông tôn trọng quyết định của người dân Anh, đồng thời khẳng định cả Anh và EU sẽ vẫn là những đối tác "không thể thiếu" của Mỹ.
Trước đó, ông Obama từng kêu gọi mạnh mẽ Anh nên ở lại EU. Trong tuyên bố sau khi có kết quả trưng cầu ý dân tại Anh, ông nêu rõ: "Người dân Anh đã lên tiếng và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ". Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh rất bền vững và tư cách thành viên của Anh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn là một trụ cột quan trọng trong chính sách kinh tế, an ninh và đối ngoại của Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) cho rằng kết quả của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh phản ánh sự không hài lòng của người dân Anh về vấn đề di cư và những lo lắng về an ninh cũng như không hài lòng về bộ máy quan liêu EU.
Trả lời báo giới trong khuôn khổ chuyến công du Uzbekistan, Tổng thống Putin cũng nói thêm rằng Brexit ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực đối với Nga cũng như thế giới. Tuy nhiên, tình hình sẽ tự điều chỉnh trong tương lai gần và Nga sẽ điều chỉnh chính sách kinh tế của mình nếu cần thiết.
Không níu kéo được thì chia tay càng nhanh càng tốt
Thủ tục rời khỏi EU được quy định trong điều 50 của Hiệp ước Lisbon năm 2009. Thủ tục này sẽ kéo dài đến 2 năm với các cuộc thương lượng giữa Anh với 27 nước thành viên còn lại của EU. Nói cách khác, Anh sẽ vẫn là thành viên EU cho đến năm 2018, trong thời gian thương lượng về các thể thức "chia tay" và về quan hệ mới giữa Anh và EU.
Từ nay đến thời gian đó, các luật lệ quy định và các hiệp ước châu Âu tiếp tục được áp dụng đối với Anh cho đến khi thỏa thuận rút khỏi EU bắt đầu có hiệu lực. Để có hiệu lực, thỏa thuận còn phải được đưa ra biểu quyết ở Nghị viện châu Âu và sau đó được Hội đồng châu Âu thông qua. Nhưng trong thời gian đó, Anh sẽ không được tham gia vào các quyết định ở cấp độ châu Âu. Tuy nhiên, do chưa bao giờ có một quốc gia thành viên ra khỏi EU nên các thủ tục vẫn còn rất mơ hồ.
Chỉ một ngày sau khi có kết quả trưng cầu dân ý tại Anh về quyết định rời Liên minh châu Âu, ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập của EU, gồm Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg, đã có cuộc họp khẩn cấp trong ngày 25-6 tại thủ đô Berlin của Đức và ra tuyên bố chung kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về việc Anh rời khỏi EU.
Tuyên bố chung nêu rõ nhóm 6 nước trên bày tỏ lấy làm tiếc khi người dân Anh bỏ phiếu không ủng hộ quy chế thành viên của “xứ sở sương mù” trong EU, cho rằng quyết định của người dân Anh đã tạo ra “vết cắt“ trong lịch sử châu Âu và EU không chỉ mất đi một quốc gia thành viên, mà còn mất đi lịch sử, truyền thống và trải nghiệm của mình. Các nhà ngoại giao cũng cho rằng quyết định của cử tri Anh đã dẫn tới một tình thế mới và thỏa thuận giữ Anh lại EU mà Hội đồng châu Âu đạt được sau cuộc họp hồi tháng 2 vừa qua không còn ý nghĩa. Đại diện nhóm 6 nước kêu gọi chính phủ Anh cần nhanh chóng làm rõ và thực thi ý nguyện của cử tri Anh “trong thời gian sớm nhất”. Các nước EU sẵn sàng hợp tác với các thể chế EU khởi động các cuộc đàm phán định hình mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh.
Trong tuyên bố, đại diện 6 nước cũng nhấn mạnh sau quyết định của Anh, châu Âu sẽ tiếp tục nỗ lực vì một EU với 27 quốc gia thành viên mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn, dựa trên nhà nước pháp quyền và những giá trị chung. Châu Âu sẽ nỗ lực để đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn khác nhau nhằm đảm bảo rằng châu lục này có thể đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng của người dân. Châu Âu sẽ cùng tìm cách giải quyết những thách thức, đảm bảo an toàn cho mọi công dân; tạo ra một khuôn khổ chung, ổn định nhằm giải quyết dòng người di cư và tị nạn; thúc đẩy kinh tế châu Âu đạt tăng trưởng bền vững, tạo việc làm,…
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp 6 bên, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (Phranh Oan-tơ Xtên-mai-ơ) kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về việc Anh rời khỏi EU, không để EU rơi vào tình trạng “lấp lửng” và để châu lục có thể tập trung cho tương lai của mình.
Hiện các nhà lãnh đạo Hội đồng châu Âu, Uỷ ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và Hà Lan (nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU) đều thúc giục Anh đàm phán "càng sớm càng tốt" thủ tục rời khỏi EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (Giăng Clốt Giăng-cơ) cho biết ông muốn bắt đầu đàm phán về Brexit ngay lập tức, đồng thời khẳng định không có lý do gì để chờ tới tháng 10 - thời điểm Thủ tướng Anh David Cameron (Đa-vít Ca-mơ-rôn) dự kiến sẽ từ chức. Còn Nghị viện châu Âu ngày 24-6 đã quyết định họp phiên toàn thể đặc biệt vào sáng 28-6 tới để thông qua một nghị quyết về các thủ tục Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz yêu cầu Anh đặt ra thời hạn cụ thể cho việc nộp đơn rút quy chế thành viên khỏi EU. Theo ông, London cần nộp đơn khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 28-6 tới, coi đây là thời điểm “phù hợp” để có thể nhanh chóng khởi động các cuộc đàm phán để Anh rút khỏi EU và thời gian này có thể kéo dài tới 2 năm.
Theo kế hoạch, bà Merkel sẽ nhóm họp với các nhà lãnh đạo Pháp, Italy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại thủ đô Berlin vào ngày 27-6 tới. Một quan chức EU cho biết vào ngày 29-6 tới, lãnh đạo 27 nước thuộc EU sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh đầu tiên bàn về cách thức đối phó với "Brexit" sau khi Thủ tướng Anh Cameron rời hội nghị này./.
Khánh thành Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên  (26/06/2016)
Các nước sáng lập EU mong muốn Anh ra đi "sớm nhất có thể"  (26/06/2016)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự chương trình “Gắn kết yêu thương - Vui bước đến trường”  (26/06/2016)
Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị các nước UNCLOS  (26/06/2016)
Chứng khoán toàn cầu mất 2.100 tỷ USD trong ngày tuyên bố Brexit  (26/06/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên