Ngày 13-6-2016, trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, tình hình thế giới và khu vực đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, thuận lợi và những thách thức đan xen.

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, trước hết lực lượng quốc phòng cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là Nghị quyết Trung ương VIII khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Bên cạnh đó, quân đội phải thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nâng cao chất lượng nắm, dự báo, đánh giá đúng tình hình, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, chủ động ngăn chặn, xử lý kiên quyết, linh hoạt các tình huống phức tạp không để bị động, bất ngờ.

Về việc tiếp tục đẩy mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân phải gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội với củng cố quốc phòng an ninh. Quân đội phải phát huy vai trò trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, đặc biệt trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, bảo đảm thực sự là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó không ngừng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng.

Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, quân đội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, đào tạo theo hướng đồng bộ, chuyên sâu, sát thực, nâng cao trình độ chính quy, chấp hành kỷ luật và pháp luật cho bộ đội.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng phát triển nền công nghiệp quốc phòng theo hướng độc lập, tự chủ, hiện đại và lưỡng dụng thực sự cần thiết. Thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính, kế hoạch đầu tư, sẵn sàng chiến đấu và cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác quốc phòng theo đúng đường lối quan điểm của Đảng. Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề hết sức quan trọng trong ba khâu đột phá của quân đội theo tiêu chí tinh, gọn, mạnh, cân đối… trong đó ưu tiên cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở vùng biên giới, biển đảo. Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, có kiến thức, năng lực toàn diện, bảo đảm sự kế thừa và phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới. Từ nền tảng đó, xây dựng Đảng bộ quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và toàn quân. Các đơn vị trong toàn quân tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội.

Đề cập đến vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, nhiều giải pháp; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp là một trong những nội dung quan trọng, quyết định đến kết quả xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở mỗi địa phương và trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, để làm tốt vấn đề này, cấp ủy, chính quyền các cấp phải chú trọng chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, điều hành công tác quốc phòng, an ninh, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng, thực hiện tốt việc kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện nước ta phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trên cơ sở đó, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, làm cơ sở xây dựng thế trận lòng dân, nền tảng cơ bản của nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc./.