Nam Định cần kêu gọi đầu tư công nghiệp dệt may
Quá trình phát triển kinh tế đã định hình Nam Định với 3 vùng chính: vùng kinh tế nông nghiệp, vùng kinh tế biển với lợi thế bờ biển dài 72km và trung tâm công nghiệp dịch vụ thành phố Nam Định. Tuy nhiên, đến nay, do nhiều yếu tố, quy mô kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực sản xuất chủ yếu.
Năm 2015, Nam Định đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiệm kỳ với mức 13,5%. Điểm sáng nổi bật của Nam Định là xây dựng nông thôn mới với 112 xã đạt chuẩn (tương đương 54%), trong đó huyện Hải Hậu được công nhận là huyện nông thôn mới.
Sáu tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã xây dựng 155 mô hình cánh đồng mẫu lớn và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bình quân năng suất lúa vụ xuân toàn tỉnh ước đạt 69,2 tạ/ha, tương đương vụ xuân 2015. Chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thủy sản ước hơn 59.000 tấn.
Tại buổi làm việc, tỉnh Nam Định kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành xem xét, sớm phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí vốn để triển khai, thực hiện một số dự án hạ tầng quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương như tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; xây dựng Khu trung tâm Lễ hội thuộc dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Nam Định; đẩy nhanh tiến độ công trình kè Nam sông Đào, bảo đảm công tác phòng, chống lụt bão và cảnh quan đô thị.
Nam Định cũng đề nghị Chính phủ sớm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa (đoạn qua Nam Định dài 70km) để tạo động lực phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc miền Trung, thuận lợi cho việc xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai, tăng cường, củng cố an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển.
Góp ý vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đại diện các bộ, ngành trung ương đề nghị Nam Định tận dụng lợi thế một địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch tâm linh; đặc biệt cần chủ động thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong bối cảnh hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là TPP sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Là địa phương có truyền thống phát triển ngành dệt may, Nam Định cần có định hướng hình thành cụm công nghiệp dệt cho khu vực phía Bắc để đón đầu làn sóng đầu tư mới; phát triển thêm ngành công nghiệp phụ trợ đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp.
Tỉnh cũng cần quan tâm đào tạo nghề, hình thành đội ngũ lao động tay nghề cao chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; đồng thời phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư.
Lắng nghe ý kiến các bộ, ngành và chính quyền địa phương, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế của Nam Định, đặc biệt là trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh xuất khẩu. Song Thủ tướng nhận xét Nam Định vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế chủ đạo dựa vào nông nghiệp, chỉ tự trang trải được 32% nguồn chi, còn lại là trợ cấp từ trung ương. Các lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tốt, nhưng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Từ thực trạng đó, Thủ tướng lưu ý Nam Định phải chú trọng phát triển đồng đều tam giác kinh tế, xã hội, môi trường; nghiên cứu đồng bộ và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Đặc biệt, Nam Định cần tập trung triển khai chủ động, sáng tạo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 để thực hiện vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016.
Thủ tướng lưu ý Nam Định thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nhanh hơn nữa, tránh để lãng phí nguồn lực to lớn này vì hiện Nam Định có tỷ lệ giải ngân thấp, chỉ đạt 19%.
Thủ tướng chỉ đạo Nam Định xây dựng và hoàn thiện chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội một cách cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương; phấn đấu đạt được toàn diện các tiêu chí cả về chăm sóc sức khỏe bệnh viện, trường học, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng,...
Đề cập đến các giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc phát huy yếu tố con người. Tỉnh cần không ngừng hoàn thiện, nâng cao năng lực; bảo đảm chế độ chính sách để có đội ngũ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, quyết đoán và không ngừng nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh; chú trọng cơ chế khởi nghiệp bởi cả tỉnh hiện mới chỉ có 3.000 doanh nghiệp, quá ít so với tiềm năng.
Thủ tướng tán thành định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Nam Định cần nâng cấp hạ tầng, mở rộng sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ, gắn với giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Cũng trong nhóm giải pháp này, Nam Định cần kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực truyền thống như dệt may, lắp ráp ôtô; khuyến khích đầu tư phát triển thị trường bán lẻ để tận dụng thị trường lớn với 2 triệu dân cư.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy những thế mạnh đã có, Nam Định cần chủ động tái cơ cấu lại ngành nghề, lĩnh vực sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn hơn để nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thủ tướng cũng đề nghị Nam Định thực hiện tốt chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, chăm lo đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của đồng bào có đạo và không có đạo; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; duy trì khối đại đoàn kết toàn dân cùng chung tay phát triển quê hương.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương đối với các kiến nghị của Nam Định, giao các bộ, ngành trung ương chủ trì, phối hợp với địa phương xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt để triển khai thực hiện.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình có công với cách mạng tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Thủ tướng đã tới thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hỷ, tại xóm 6, xã Mỹ Trung - gia đình có công với cách mạng. Là thương binh hạng 1/4 nhưng vượt qua thương tật, ông Nguyễn Văn Hỷ đã nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, đóng góp nhiều công sức vào việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Hồng tại xóm 3 xã Mỹ Trung, có chồng và con trai là liệt sĩ, Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn biết ơn, ghi nhớ và trân trọng những đóng góp to lớn của các gia đình có công với cách mạng; trong đó có gia đình Mẹ Trần Thị Hồng. Thủ tướng yêu cầu chính quyền sở tại tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt chính sách của Nhà nước đối với người có công, gia đình chính sách; thường xuyên chăm lo đến cuộc sống, sức khỏe của Mẹ Trần Thị Hồng.
Nhân dịp công tác tại vùng đất trung tâm đồng bằng Nam sông Hồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm một số mô hình nông thôn mới của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định để tìm hiểu đời sống, sinh hoạt và lao động của bà con nhân dân từ thành tựu của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng đã tới thăm hỏi, trò chuyện với bà con tại Nhà văn hóa thôn và Nhà văn hóa xã Hải Hà - xã điển hình xây dựng nông thôn mới của huyện Hải Hậu với nhiều thành tích đáng kể trong xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người nông dân.
Hải Hà xác định xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển trên các lĩnh vực, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; trong đó tập trung vào tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích các hộ nông dân liên kết xây dựng cánh đồng lớn; xây dựng trang trại nông nghiệp...
Từ năm 2012 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Nói chuyện với chính quyền và bà con trong xã, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng chứng kiến những thành tựu từ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đem đến những điều kiện tốt hơn phục vụ cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cho rằng thành quả này là minh chứng cụ thể cho tính đúng đắn và hiệu quả từ việc triển khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Thủ tướng đề nghị chính quyền và nhân dân xã Hải Hà, huyện Hải Hậu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, không ngừng nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, mở rộng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản, nhất là với các doanh nghiệp, từ đó cải thiện hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Thủ tướng đánh giá Hải Hà là xã điển hình trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới với sự vào cuộc chủ động, tích cực và hiệu quả của chính quyền cùng người dân.
Thủ tướng đề nghị từ cách làm, kinh nghiệm của Hải Hà, cần nhân rộng mô hình nông thông mới ở Hải Hà trên địa bàn cả nước để các địa phương khác học tập, ứng dụng vào phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc hơn cho nhân dân./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cùng nhau gìn giữ hòa bình trên mỗi ngọn sóng Biển Đông”  (08/06/2016)
Ông Trump thắng tuyệt đối trong các cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng  (08/06/2016)
496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV  (08/06/2016)
496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV  (08/06/2016)
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với Huyện ủy Nhà Bè  (08/06/2016)
Người dân châu Âu ngày càng hoài nghi các lợi ích khi ở lại EU  (08/06/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên