Bàn giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực trực tiếp cho các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam
TCCSĐT - Ngày 26-5-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam”.
Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, TS. Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Sau hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển khu vực sản xuất công nghiệp nhằm đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa. Đến nay, cả nước có khoảng 300 khu công nghiệp, khu chế xuất phân bố ở hầu hết các tỉnh, thành phố, với hơn 2 triệu lao động đang làm việc. Hằng năm, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế, góp phần to lớn đưa đất nước ta sớm thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành một nước có thu nhập trung bình, từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhưng theo nhìn nhận của đồng chí Bùi Thế Đức, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập. Trong đó, đáng chú ý là: Việc kết nối giữa đào tạo với sử dụng lao động ở các doanh nghiệp còn hạn chế, chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của các doanh nghiệp. Năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp so với khu vực, thua xa so với các nước phát triển, cụ thể là: Tình trạng lao động qua đào tạo ở trình độ cao thất nghiệp nhiều, tại một số tỉnh có tới 80% sinh viên ra trường làm trái nghề, đơn cử theo thống kê thời điểm quý I năm 2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, trong khi đó nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ có khoảng 20% lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật.
Với mục tiêu đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam, đồng chí Bùi Thế Đức đã yêu cầu các đại biểu tham dự Hội thảo cần làm sáng rõ các vấn đề: Đánh giá thực trạng nhân lực, thực trạng công tác đào tạo công nhân có tay nghề cao hiện nay ở Việt Nam nói chung và các khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng; đưa ra đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, một số khó khăn, thách thức hiện nay ở nước ta là: Nhiều học viên trường nghề đã được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, nhưng số người có trình độ cao đẳng trở lên đang thất nghiệp ở mức cao và tăng lên rất nhanh. Trong khi đó, khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp đối với hoạt động đào tạo nghề chưa được áp dụng vào thực tiễn; thiếu chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề vì tính chất công việc hoặc phải trả lương cao cho lao động được đào tạo. Chính vì thế, những năm gần đây, khoảng 80% người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất là lao động phổ thông. Điểm đáng lưu ý nữa là, hiện nay nhiều lao động sau khi đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, bởi vậy nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không muốn nhận lực lượng này nên họ tự đào tạo lao động vì không tin tưởng vào chất lượng của nhiều cơ sở đào tạo Việt Nam.
Là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp (Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh) nêu lên thực trạng: Các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Thành phố đã, đang gặp phải những khó khăn về nhân lực như các lĩnh vực ngành nghề mang tính kỹ thuật thuộc các ngành công nghệ thông tin, thiết kế, điện tử, hóa chất dược phẩm luôn thiếu lao động lành nghề, trong khi nhiều chiến lược phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả ở nhiều doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Tại Thành phố có hơn 270.000 lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và chủ yếu là lao động trẻ, có độ tuổi từ 18 - 25 tuổi (nữ chiếm 64,5%), trong đó lao động qua đào tạo đại học, cao đẳng chỉ chiếm 7% - 8%, lao động có tay nghề 18%, còn lại là lao động phổ thông.
Để nâng cao chất lượng nhân lực trực tiếp cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động Thương binh và xã hội nhận định, để nâng cao chất lượng nhân lực trực tiếp cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, vấn đề cốt lõi là phải tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo tại khu công nghiệp, xây dựng mô hình “trường trong doanh nghiệp”. Với việc đề xuất cần thử nghiệm nhiều mô hình để lựa chọn mô hình phù hợp nhất về đào tạo nghề tại Việt Nam, thay vì tự bó buộc vào văn bản, nghị quyết này nọ nên lúng túng khi triển khai, ông Host Sumer, Giám đốc Tổ chức Hợp tác phát triển nghề Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng: Học ngay tại nơi làm việc và học tại nhà trường, đó chính là mô hình đào tạo nghề đã thành công 200 năm nay tại Đức, qua đó giúp tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Đức rất thấp do được đào tạo nghề bài bản.
Còn TS. Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 5 khuyến nghị để phát triển nhân lực chất lượng cao là: Đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng hình thành năng lực và phẩm chất là yếu tố then chốt: kỹ năng tư duy, giao tiếp, làm việc nhóm, trung thực, sáng tạo, toán học, thông tin, dân chủ, lãnh đạo và quản lý, kỷ luật… sớm dạy kỹ năng mềm cho học sinh. Giáo dục nghề nghiệp phải đi bằng nhiều con đường, nhiều loại hình, hướng đến việc làm, thu nhập, năng suất và hiệu quả; đào tạo kỹ năng và đào tạo đến văn bằng, chuẩn hóa trình độ kỹ năng. Thúc đẩy tư nhân hóa công tác đào tạo phát triển kỹ năng. Mối quan hệ giữa trường và doanh nghiệp, tái cơ cấu kinh tế gắn với tái cơ cấu hệ thống đào tạo. Tự chủ cho các cơ sở đào tạo để phản ứng linh hoạt trước đòi hỏi của thị trường.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đưa ra kiến nghị, giáo dục nghề nghiệp phải đi bằng nhiều con đường, nhiều loại hình, hướng đến việc làm, thu nhập, năng suất và hiệu quả. Đồng thời, công tác phân luồng đào tạo nghề cần nâng cao hình ảnh đào tạo nghề, cho học sinh, phụ huynh thấy tương lai của học nghề là gì, thay vì các em băn khoăn lựa chọn vào đại học hay đi học nghề./.
Công bố chất lượng muối ăn ở biển miền Trung sau vụ cá chết  (26/05/2016)
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với nhiều hoạt động thiết thực  (26/05/2016)
Nhiều địa phương công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội  (26/05/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên