TCCSĐT - Tiếp tục buổi tiếp xúc cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10-5-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc Tổ đại biểu Quốc hội - Đơn vị số 1 đã có buổi tiếp xúc với cử tri và các lực lượng vũ trang của quận 3.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ ngư dân bám biển

Tại buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề lớn của đất nước được cử tri đặc biệt quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi cho các ứng viên nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa mới, trong đó nổi lên là việc tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung bị tàu nước ngoài đâm khi đánh cá trên vùng biển Việt Nam.

Với vấn đề này, cử tri Đỗ Văn Thịnh công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự quận 3 đặt câu hỏi với Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Thời gian qua, ngư dân miền Trung đánh cá xa bờ trong vùng biển chủ quyền, nhưng bị tàu nước ngoài cản trở, gây khó khăn, thậm chí đâm chìm. Vùng biển bao năm của ngư dân để làm ăn, sinh sống từ thế hệ này qua thế hệ khác đang bị đe dọa, lòng dân lo lắng, hoang mang. Vậy, với vai trò của mình và nếu đắc cử đại biểu Quốc hội khóa XIV thì Chủ tịch nước sẽ quan tâm đến vấn đề này như thế nào để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc?

Cũng tâm tư với vấn đề này, cử tri Phạm Đình Long, cán bộ nghỉ hưu trú tại quận 3 cho biết: Chúng tôi xem báo, nghe đài thấy chủ quyền đất nước bị xâm phạm đều tỏ ra bức xúc, rồi lại rất xót xa cho bà con ngư dân bám biển. Và, dù chúng ta biết rõ tình hình, nhưng công tác truyền thông vẫn cứ sử dụng những cụm từ “tàu lạ” hay “tàu nước ngoài”, trong khi người dân luôn luôn dõi theo và hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, người dân rất muốn biết rõ thông tin trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Cùng với nhiều cử tri khác, cử tri Trương Công Tiến mong muốn, thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta cần đề ra chính sách cụ thể, đặc biệt là hiện đại hóa các trang bị, công cụ hỗ trợ để trấn áp các loại tội phạm trong tình hình mới, nâng cao khả năng chiến đấu của các lực lượng dân quân tự vệ, bảo đảm hơn trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng cảm, chia sẻ với những tâm tư của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, nâng cao vị thế của đất nước, phục vụ mục tiêu cao nhất là bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển đất nước. Đồng chí Trần Đại Quang nhấn mạnh, chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, chủ trương của chúng ta là phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng việc sử dụng sức mạnh tổng hợp với các biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp luật trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế.

Chủ tịch nước cho biết, để bảo đảm cho ngư dân yên tâm bám biển thì hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có chính sách, chủ trương hỗ trợ các lực lượng thực thi pháp luật để bảo vệ ngư dân trong mọi tình huống như trường hợp ngư dân bị xua đuổi, bị đâm chìm. Nếu bị tàu nước ngoài tấn công thì các lực lượng chức năng trên biển sẽ hỗ trợ ngay, thu thập, ghi hình, củng cố các chứng cứ để phản đối qua con đường ngoại giao. Bên cạnh đó, chúng ta không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh để bảo vệ nhân dân và Tổ quốc.

Chủ tịch nước cho rằng, khi đắc cử đại biểu Quốc hội, bản thân sẽ nỗ lực đề cao trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước để bảo đảm lợi ích chung của Tổ quốc, đáp ứng đúng ý chí, nguyện vọng chính đáng của người dân cả nước. Chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chủ tịch nước khẳng định, với chức trách nhiệm vụ của mình được Đảng và Nhà nước giao phó, sẽ tham gia động viên mọi nguồn lực và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời sẽ nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cụ thể hóa nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và cơ chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Tai mắt của nhân dân góp phần quan trọng phòng, chống tham nhũng

Cũng tại buổi tiếp xúc, không chỉ lo lắng về vấn đề chủ quyền, nhiều ý kiến đã thẳng thắn bức xúc về tình trạng tham nhũng. Cử tri Lê Công Hoài, trú tại phường 9, quận 3 đặt câu hỏi trực tiếp với đồng chí Trần Đại Quang: Trong chương trình hành động của mình, Chủ tịch nước có đề cập đến chống tham nhũng, nhưng cử tri chúng tôi muốn Chủ tịch nước nói cụ thể hơn?

Về vấn đề này, Chủ tịch nước cũng coi tình trạng tham nhũng, lãng phí như một vấn nạn “nội xâm” hiện nay. Theo Chủ tịch nước, chủ trương Đảng và Nhà nước ta là tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng, xử các vụ án lớn đồng thời có những giải pháp phòng, chống tham nhũng vặt, kiên quyết loại trừ tham nhũng, lãng phí, lấy lại niềm tin của cử tri, người dân.

Đồng chí Trần Đại Quang cho rằng, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Đó là, vừa phải tập trung điều tra, đưa ra xử lý kịp thời những vụ án tham nhũng; coi trọng việc thu hồi tài sản của đối tượng tham nhũng; đồng thời phải bảo vệ và khen thưởng kịp thời những người tố cáo tham nhũng, kiên quyết xử lý những người cản trở, gây khó khăn cho cuộc chiến chống tham nhũng trong thời gian tới. Đặc biệt, tai mắt của nhân dân và ý kiến của cơ quan báo chí rất quan trọng để góp phần giúp cơ quan điều tra củng cố các chứng cứ, điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng.

Khẳng định trọng trách của mình với đất nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, khi được Hội đồng bầu cử quốc gia giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, tôi cho rằng đây là vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm rất nặng nề trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, cũng như trước yêu cầu, nguyện vọng, mong muốn của cử tri./.